Nghệ An: Chậm lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước các hồ đập

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 26/11/2017

(TN&MT) – Nghệ An hiện nay có 20 hồ đập thủy điện và 90 hồ đập thủy lợi nằm trong diện phải lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước. Thế nhưng, thực tế đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An công việc này đang được triển khai khá chậm chạp, số đơn vị triển khai việc này hiện mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Quy định về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 05 năm 2015. Nghị định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2015.

Công tác lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước tại Nghệ An đang triển khai chậm
Công tác lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước tại Nghệ An đang triển khai chậm

Được biết, chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước bao gồm: Bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước; Phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước; Bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước; Tạo không gian cho các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tín ngưỡng liên quan đến nguồn nước….

Thủy điện Châu Thắng (huyện Quỳ Châu) chưa triển khai công tác lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước
Thủy điện Châu Thắng (huyện Quỳ Châu) chưa triển khai công tác lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước

Theo Nghị định này, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ chứa thủy điện, thủy lợi có dung tích lớn hơn một tỷ mét khối (1.000.000.000 m3) hoặc có dung tích từ mười triệu mét khối (10.000.000 m3) đến một tỷ mét khối (1.000.000.000 m3) nhưng nằm ở địa bàn dân cư tập trung, địa bàn có công trình quốc phòng, an ninh thì phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước là vùng tính từ đường biên có cao trình bằng mực nước cao nhất ứng với lũ thiết kế đến đường biên có cao trình bằng cao trình giải phóng mặt bằng lòng hồ. Đối với các loại hồ chứa thủy điện, thủy lợi khác, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước là vùng tính từ đường biên có cao trình bằng cao trình đỉnh đập đến đường biên có cao trình bằng cao trình giải phóng mặt bằng lòng hồ.

Ngoài ra, Nghị định này cũng quy định phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh, rạch; hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở đô thị, khu dân cư tập trung và các nguồn nước khác.

Thủy điện Chi Khê (huyện Con Cuông) cũng chưa lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước
Thủy điện Chi Khê (huyện Con Cuông) cũng chưa lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước

Theo số liệu của Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An thì hiện nay trên địa bàn tỉnh này có 90 hồ đập có dung tích từ 1 triệu m3 trở lên; trong đó có 24 hồ đập lớn dung tích trên 3 triệu m3 nước. Lớn nhất là hồ Vực Mấu tại xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Lưu. Đây là con đập có diện tích lòng đập 215km2, dung tích hơn 40 triệu m3 nước. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 20 hồ đập thủy điện có dung tích trên 1 triệu m3 nước nằm trong diện phải lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định.

Theo Sở TN&MT tỉnh Nghệ An, hiện nay mới chỉ có thủy điện Bản Vẽ lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước và đã cắm mốc hồ chứa từ trước đó. Ngoài ra, có một số thủy điện mới thực hiện xong việc này như thủy điện Canan 1 và 2; thủy điện Bản Ang; thủy điện Xoỏng Con. Ngoài ra các công trình còn lại vẫn chưa triển khai việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.

Trong số 20 hồ đập thủy điện phải lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước thì mới chỉ có vài đơn vị triển khai
Trong số 20 hồ đập thủy điện phải lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước thì mới chỉ có vài đơn vị triển khai

Ông Bạch Hưng Cử - Trưởng phòng Nước, Khí tượng thủy văn, Biển và Hải đảo (Sở TN&MT tỉnh Nghệ An), cho biết: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An số đơn vị triển khai lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay và đó là các hồ đập thủy điện. Riêng các hồ đập thủy lợi phải lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước thì rất nhiều nhưng đến nay chưa có đợn vị nào triển khai thực hiện việc này”.

Cũng theo ông Cử, việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, nhất là việc cắm mốc thực địa đòi hỏi kinh phí tương đối nhiều, các công trình thủy điện thì họ có kinh phí nên triển khai được thuận lợi nhưng đối với các công trình hồ đập thủy lợi do các công ty thủy lợi hoặc chính quyền quản lý thì gặp khó khăn về nguồn kinh phí. “UBND tỉnh Nghệ An vừa có văn bản giao Sở NN&PTNT phối hợp với các đơn vị chủ hồ đập để xem xét, tham mưu UBND tỉnh Nghệ An có phương án xử lý tiếp theo” – Ông Cử cho biết thêm.

Thủy điện Khe Bố (huyện Tương Dương) là hồ đập thủy điện lớn nhưng cũng chưa lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước
Thủy điện Khe Bố (huyện Tương Dương) là hồ đập thủy điện lớn nhưng cũng chưa lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước

Ông Phạm Hữu Văn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An, nói: “Hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu phương án để trình UBND tỉnh giải quyết vấn đề lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước các hồ đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, với số lượng khoảng 90 hồ đập thuộc diện này thì kinh phí chắc cũng sẽ rất khó khăn”.

Bài & ảnh: Đình Tiệp