Hải Phòng: Tan hoang công viên gần 17.000 m2 trung tâm thành phố

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 26/11/2017

(TN&MT)- Dự án Công viên Rồng Biển do Công ty cổ phần du lịch Hải Long (nay là Công ty cổ phần PG Rồng Biển) được UBND TP Hải Phòng cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất ngày 24/1/2003 để thực hiện dự án với diện tích hơn 16.800 m2 tại phường Minh Khai, quận Hồng Bàng. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng các công trình vui chơi giải trí tại khu vực này hiệu quả thấp, dẫn đến nhiều hạng mục xuống cấp, lãng phí, ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị.

Cỏ phủ kín công viên

Đến nay, sau nhiều nỗ lực đa dạng hóa hình thức kinh doanh, số lỗ lũy kế vẫn tăng, doanh nghiệp không còn mặn mà với Dự án. Do đó, một công viên cây xanh nằm ở vị trí đất “vàng” tại thành phố Cảng đã bị bỏ mặc, cỏ mọc um tùm từ đó đến nay. Để tìm hiểu thực trạng của công viên, PV Báo TN&MT đã có mặt tại vị trí “đất vàng” giữa trung tâm TP. Hải Phòng.

Công viên xuống cấp hoang tàn.
Công viên xuống cấp hoang tàn.

Theo ghi nhận, mặt đường 3 tuyến phố chính: Hoàng Diệu, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, là điểm khởi đầu của dải công viên trung tâm xuyên nội đô độc đáo. Thật khó tin khi hiển hiện trước mắt phóng viên là một bãi đất tan hoang, cỏ mọc quá đầu người, rác thải chất từng đống, mùi xú uế nồng nặc, kim tiêm có máu nằm chỏng chơ… Bên trong công viên, hầu như không còn một công trình nào nguyên vẹn, toàn bộ hệ thống máy móc, thiết bị trò chơi trị giá hàng chục tỉ đồng tại thời điểm đầu tư đã bị tháo dỡ, bị hoen gỉ, hư hỏng hoàn toàn. Khu nhà bảo vệ xuống cấp nghiêm trọng, trần nhà đổ sụp, tường vôi bong tróc, nứt toác, mạng nhện giăng kín.

Khu vực trò chơi cảm giác mạnh, trước vốn là nơi lắp đặt những cỗ máy khung thép to kềnh càng, nay chỉ trơ lại phần móng, gạch đá sắt thép nham nhở. Gần đó, trong 1 chòi canh gác nhỏ xuất hiện 2 người đàn ông. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cho biết hiện trạng công viên Rồng Biển, 2 người này bỗng giật mình xua tay, vội vàng di chuyển ra chỗ khác và nói: “chúng tôi không biết gì cả, đừng hỏi chúng tôi”.

Quanh khu vực tường rào, không có một tấm biển hiệu, bảng chỉ dẫn hay đèn điện. Tại chiếc cổng xập xệ, vốn là cổng chính dẫn vào công viên, nay được rào kín với dòng chữ “khu miễn vào”. Do bỏ hoang nhiều năm, người dân tận dụng khu đất trống trong công viên làm nơi đổ rác thải sinh hoạt, vứt các đồ vật hỏng hóc, đốt chất thải. Thậm chí, có người vào đây để… trồng rau, nuôi gà. Sát chân tường rào và ngay tại khu vực cổng chính, hàng chục chiếc kim tiêm qua sử dụng vẫn còn vương máu nằm chỏng chơ...

Vì sao Rồng Biển chưa thể cất cánh?

Theo tài liệu phóng viên thu thập được, ngày 09/3/2000, UBND TP. Hải Phòng đã ra Thông báo số 47/TB-UB chấp thuận Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm vui chơi giải trí khu vực Sân cảng, sau này là Dự án đầu tư xây dựng Công viên Rồng Biển, tổng mức đầu tư 56 tỉ đồng, do Công ty Cổ phần Du lịch Hải Long làm chủ đầu tư. Ngày 24/01/2003, UBND TP. Hải Phòng đã ra Quyết định số 276/QĐ-UB cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại phường Minh Khai, quận Hồng Bàng, tổng diện tích gần 17.000m2, thời hạn thuê 30 năm.
Công ty Hải Long đã hoàn tất đầu tư giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động với nhiều trang thiết bị đồng bộ, hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á để phục vụ người dân vui chơi giải trí. Những ngày đầu hoạt động, công viên thu hút được lượng du khách lớn từ Hải Phòng và các tỉnh lân cận. Công viên Rồng Biển lúc này được kỳ vọng tạo dựng nên một nét chấm phá hiện đại, độc đáo cho đô thị Hải Phòng.

Tuy nhiên, không như mong đợi của chủ đầu tư và lãnh đạo thành phố đương thời, công viên Rồng Biển ngày một vắng khách, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, gánh nặng chi phí và lãi suất ngân hàng đẩy dự án đến giai đoạn nguy kịch. Ngay trong năm đầu tiên, dự án thua lỗ gần 2 tỉ đồng. Trước tình hình đó, Hội đồng cổ đông Công ty họp khẩn, đưa ra nhiều nguyên nhân và giải pháp cấp bách và thống nhất với phương án tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Sau đó, dự án có sự tham gia góp vốn của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng PG. Sau nhiều lần “bơm vốn” để cứu dự án, Công ty CP PG nhanh chóng chuyển từ cổ đông góp vốn sang “ông chủ”, Công ty Hải Long đổi tên thành Công ty CP PG Rồng Biển. Với tiềm lực tài chính mạnh, Công ty PG Rồng Biển liên tục rót tiền vào “cứu vãn” dự án. Đồng thời, tăng thêm nguồn thu từ dự án bằng cách cắt 1 phần đất công viên cho tư nhân bên ngoài thuê làm siêu thị, nhà hàng…

Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực tháo gỡ, “Rồng Biển” vẫn không thể “cất cánh”, thậm chí còn thua lỗ nặng nề hơn. Năm 2004, Dự án ghi nhận khoản thua lỗ hơn 2,2 tỉ đồng. Các năm 2005, 2006 và 2007, các khoản lỗ đều ở mức xấp xỉ 2 tỉ đồng. Theo đó, sau 6 năm hoạt động, Dự án mang về khoản lỗ lũy kế hơn 9,4 tỉ đồng.

Trước tình hình đó, thay vì trả Dự án lại cho Nhà nước, Cty CP PG Rồng Biển lại đề xuất thành phố cho phép công ty này được chuyển đổi mục đích đầu tư, biến công viên Rồng Biển thành một “tổ hợp thương mại dịch vụ du lịch cao cấp với chiều cao tối thiểu 25 tầng”. TP. Hải Phòng không chấp thuận chủ trương này.

Mới đây, tại Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cùng Ban Thường vụ đã thống nhất chủ trương thu hồi đất dự án Công viên Rồng Biển. Hi vọng rằng, với sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố, người dân Hải Phòng sẽ sớm thấy khu “đất vàng” này sẽ sớm được hồi sinh.

Hùng Đạt