Nghệ An: Lãng phí hàng nghìn ha đất nông nghiệp chuyển đổi

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 01/11/2017

(TN&MT) - Để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, Nghệ An đã kiến nghị các cấp, ngành Trung ương cho phép chuyển đổi hàng nghìn héc ta đất cho các dự án khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN)… Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, nguồn quỹ đất sau khi đã được quy hoạch để phục vụ mục đích phi nông nghiệp vẫn còn bỏ hoang gây lãng phí lớn.

Chuyển đổi hàng nghìn ha đất nông nghiệp

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Nghệ An, chỉ trong vòng 3 năm (2014 – 2016), trên địa bàn đã có gần 5 nghìn ha đất nông nghiệp đã được chuyển đổi để phục vụ các dự án đầu tư, xây dựng. Riêng diện tích đất 2 lúa 3.492 héc ta, đất rừng phòng hộ 1.326, đất rừng đặc dụng 26ha được tỉnh Nghệ An lập hồ sơ quy hoạch trình các cấp ngành để chuyển đổi mục đích sử dụng.

Theo quy trình này thì từ năm 2014 đến hết năm 2016, Nghệ An đã tiến hành chuyển đổi thành công 3.000,44 ha đất lúa, 243,42 ha rừng phòng hộ và 5,71 ha đất rừng đặc dụng. Các địa phương có số diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi nhiều nhất tập trung ở TP Vinh, thị xã Hoàng Mai, thị xã Thái Hoà, huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghĩa Đàn, Con Cuông, Anh Sơn, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc…

Từ năm 2010, toàn bộ diện tích 49,879ha đất nông nghiệp của hàng chục hộ dân trên địa phận xã Nghĩa Mỹ và phường Long Sơn thuộc Thị xã Thái Hòa được chuyển đổi để phục vụ dự án Khu đô thị mới Đông Hưng của Công ty CP đầu tư và Tư vấn doanh nghiệp VNS rồi đến nay vẫn “án binh bất động”.
Từ năm 2010, toàn bộ diện tích 49,879ha đất nông nghiệp của hàng chục hộ dân trên địa phận xã Nghĩa Mỹ và phường Long Sơn thuộc Thị xã Thái Hòa được chuyển đổi để phục vụ dự án Khu đô thị mới Đông Hưng của Công ty CP đầu tư và Tư vấn doanh nghiệp VNS rồi đến nay vẫn “án binh bất động”.

Qua tìm hiểu thì số diện tích đất nông nghiệp nói trên được quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng nhằm tạo mặt bằng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Cùng với đó, hàng nghìn ha đất nông nghiệp đã nhanh chóng được chủ đầu tư san lấp mặt bằng để xây dựng hạ tầng các KCN, CCN. Nhiều nhà máy, xí nghiệp xây dựng trên nền diện tích đất nông nghiệp cũ đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ nhiều năm nay.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và môi trường Nghệ An, việc chuyển đổi những diện tích đất nông nghiệp nói trên đều nằm trong lộ trình quy hoạch để địa phương thu hút đầu tư, giảm dần giá trị kinh tế đối với ngành nông nghiệp và thay vào đó là tăng tỷ trọng đóng góp của công nghiệp, dịch vụ - thương mại hàng năm.

Hàng chục ha đất nông nghiệp trên địa bàn xã Quỳnh Lộc (thị xã Hoàng Mai) sau khi chuyển đổi để xây dựng KCN Hoàng Mai đã bị bỏ hoang gần 10 năm nay.
Hàng chục ha đất nông nghiệp trên địa bàn xã Quỳnh Lộc (thị xã Hoàng Mai) sau khi chuyển đổi để xây dựng KCN Hoàng Mai đã bị bỏ hoang gần 10 năm nay.

Thông qua các đợt tổ chức Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư đầu năm theo thông lệ truyền thống (từ năm 2009 đến nay), Nghệ An đã thu hút được trên  800 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 261.000 tỷ đồng. Cụ thể, Nghệ An đã có 758 dự án đầu tư trong nước với hơn 101.293 tỷ đồng và 46 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) với hơn 160.435 tỷ đồng.

Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã xem Nghệ An là “bến đỗ” để đầu tư, xây dựng các dự án KCN, CCN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương như: Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An; Nhà máy xi măng Sông Lam; Nhà máy Tôn Hoa Sen 2; Nhà máy cấp nước thô của Tập đoàn Tuấn Lộc; cầu đường bộ Yên Xuân bắc qua Sông Lam; Tổng kho xăng dầu DKC, Cảng biển quốc tế Nghệ An tại huyện Nghi Lộc; Tổ hợp liên doanh nhà thầu EPC do Doosan Hàn Quốc, Tập đoàn The Vissai, Tập đoàn Hemaraj của Thái Lan…cũng đã và đang triển khai các dự án đầu tư tại Nghệ An trong thời gian qua.

Các hạng mục hạ tầng kỹ thuật ở KCN Hoàng Mai được xây dựng trên diện tích đất sau khi chuyển đổi hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng.
Các hạng mục hạ tầng kỹ thuật ở KCN Hoàng Mai được xây dựng trên diện tích đất sau khi chuyển đổi hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng.

Ngoài việc tập trung thực hiện tốt công tác GPMB, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp nhằm tạo mặt bằng “sạch” cho các dự án trọng điểm với quy mô hàng trăm ha, Nghệ An cũng tập trung đổi mới cơ chế chính sách thu hút đầu tư một cách toàn diện, đồng bộ. Việc tập trung tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách đối với người dân để họ sớm “nhường đất, dời nhà” cho các dự án cũng được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Chính vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, hàng nghìn ha đất nông nghiệp đã nhanh chóng được chấp thuận chủ trương chuyển đổi để phục vụ mục đích sử dụng.

Sau chuyển đổi vẫn để hoang phí

Thời gian qua, chính quyền địa phương cùng với các cấp, ngành tập trung lập hồ sơ, đề nghị phê duyệt quy hoạch hàng nghìn ha đất nông nghiệp để chuyển đổi đã làm thay đổi diện mạo mới cho nhiều vùng quê. Đây cũng là động thái để Nghệ An chuyển dịch cơ cấu lao động trong ngành nông nghiệp sang hướng phục vụ cho ngành công nghiệp, dịch vụ… Cùng với đó, các ngành, nghề cũng sớm được tập trung đào tạo nhằm tạo việc làm tại chỗ cho người lao động trên chính mất đất của họ sau khi các nhà máy, xí nghiệp…đi vào hoạt động.

Các hạng mục hạ tầng kỹ thuật ở KCN Hoàng Mai được xây dựng trên diện tích đất sau khi chuyển đổi hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng.
Các hạng mục hạ tầng kỹ thuật ở KCN Hoàng Mai được xây dựng trên diện tích đất sau khi chuyển đổi hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, sau khi hàng nghìn ha đất nông nghiệp được chuyển đổi thì tiến độ thực hiện các dự án đã được chấp thuận đầu tư vẫn còn khiêm tốn. Qua thống kê cho thấy, với hơn 3 nghìn ha đất nông nghiệp sau khi được chuyển đổi thì mới chỉ có trên 800ha, chiếm khoảng trên 25% là đã đưa vào sử dụng cho sinh lợi hàng năm.

Theo đó, toàn tỉnh Nghệ An hiện nay mới chỉ có 1.006/2.871 dự án được các cấp, ngành cho phép chuyển đổi mục đích sử dung đất thì đã có có 331 công trình, dự án chưa thực hiện. Đây là một trong những bất cập trong công tác quản lý tài nguyên đất đai của nhà nước mà các cấp, ngành của tỉnh Nghệ An đang phải tìm cách tháo gỡ. Thực trạng trên có nghĩa là trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An hiện nay vẫn đang còn hàng nghìn ha đất nông nghiệp sau khi có quy hoạch, đồng ý chuyển đổi đến nay đang bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên quốc gia.

Về vấn đề này, tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri, người dân trên địa bàn Nghệ An đã kiến nghị về việc đất nông nghiệp sau khi quy hoạch xây dựng nhà máy, KCN, CCN rồi bỏ hoang. Người dân cho rằng, để tạo điều kiện cho tỉnh nhà thu hút đầu tư, họ sẵn sàng rời xa tư liệu sản xuất của mình đã gắn bó hàng chục năm qua. Kéo theo đó, hệ lụy về thất nghiệp do chưa bố trí được việc làm phù hợp dẫn đến cả nghìn người phải chịu cảnh ly hương, ly nông xảy ra triền miên ở các vùng quê trong suốt thời gian qua.

Dự án Khách sạn 5 sao ở Cửa Lò bỏ hoang đã hàng chục năm qua
Dự án Khách sạn 5 sao ở Cửa Lò bỏ hoang đã hàng chục năm qua

Theo ông Nguyễn Đình Hòa - Bí thư Thị ủy thị xã Thái Hòa thì việc để phần lớn diện tích đất nông nghiệp sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng không được triển khai để sinh lợi có phần trách nhiệm của các đoàn thẩm định, kiểm tra, đánh giá năng lực của chủ dự án. Ông Hoà cũng kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với các ngành liên quan tiến hành thanh kiểm tra chặt chẽ hơn nữa để đánh giá đúng mục đích sử dụng của các nhà đầu tư khi vào địa phương xin chấp thuận quy hoạch, chuyển đổi đất.

Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Duy Việt – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An đã thừa nhận những tồn tại, thiếu sót khi trình các cấp, ngành trong việc xin chủ trương chuyển đổi đất nông nghiệp. Và, trách nhiệm liên đới trực tiếp từ cấp huyện, thị, thành trong việc xác định quy hoạch, kế hoạch đề xuất lên cấp tỉnh.

Cũng chính vì điều này đã dẫn đến dự án treo, dự án sau khi được chấp thuận lại sử dụng sai mục đích, đầu cơ đất để mua đi, bán lại…sau quy định đang gây bức xúc trong dư luận. Chưa kể, nhiều diện tích đất lâm nghiệp, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn Nghệ An bị chặt hạ vô tội vạ nguyên nhân cũng do sự “tiếp tay” của chủ trương quy hoạch chuyển đổi đất nói trên chưa đúng với quy định, phi khoa học.

Trước thực trạng hàng nghìn ha đất nông nghiệp sau khi chuyển đổi bị bỏ hoang, chậm triển khai thực hiện mục đích sử dụng như quy hoạch ban đầu như đã phản ánh ở trên, đề nghị các cấp, ngành tỉnh Nghệ An cần có giải pháp chấn chỉnh, sớm thanh kiểm tra chặt chẽ hơn nữa để khỏi bỏ phí nguồn tài nguyên đất đai của tỉnh nhà.

Phạm Tuân – Anh Quang