ĐBQH Dương Minh Tuấn: Cần quan tâm đến sự tương thích giữa Luật bảo vệ và phát triển rừng với Luật đất đai

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 25/10/2017

(TN&MT) - Tham gia đóng góp dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), ĐBQH Dương Minh Tuấn - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng: Cần quan tâm đến sự tương thích giữa Luật bảo vệ và phát triển rừng với Luật đất đai.
Tham gia đóng góp dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), ĐBQH Dương Minh Tuấn - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
ĐBQH Dương Minh Tuấn - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham gia đóng góp dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Ảnh: Quốc Khánh

Thống nhất với dự thảo luật đã được chỉnh sửa và thống nhất với báo cáo thẩm tra, Đại biểu Dương Minh Tuấn nhận xét: Quy trình soạn thảo luật chặt chẽ, kỹ thuật lập pháp bảo đảm, nội dung các điều luật không xung đột, không mâu thuẫn với các luật đã ban hành và đã quán triệt được chủ trương và nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác bảo vệ và phát triển rừng. Để dự luật được hoàn thiện trước khi thông qua, theo gợi ý nội dung thảo luận. Ông Dương Minh Tuấn tham gia trao đổi 4 vấn đề:

Thứ nhất, đó là sự tương thích giữa Luật bảo vệ và phát triển rừng với Luật đất đai. Như chúng ta biết, rừng về mặt bản chất cũng là một loại tài sản, tài nguyên đặc biệt gắn liền với đất đai. Chính sách về quản lý rừng không thể tách rời chính sách về quản lý đối với đất rừng.

Theo khoản 1 Điều 135 của Luật Đất đai quy định giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với đất rừng sản xuất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Trong khi Khoản 3 Điều 21 dự luật chỉ quy định nhà nước giao rừng sản xuất không thu tiền sử dụng rừng đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư cư trú hợp pháp trên địa bàn các xã nơi có diện tích rừng không có cụm từ "trong hạn mức"… “Do  vậy, xin đề nghị Quốc hội cân nhắc thêm điều luật này” - ông Dương Minh Tuấn nói.

Nội dung thứ hai trong sự tương thích của luật này và Luật Đất đai đó là về thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển đổi loại rừng theo quy định tại Điều 59 của Luật Đất đai thì thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất rừng là thẩm quyền chung của UBND cấp tỉnh, UBND huyện. Tuy nhiên, thẩm quyền chuyển loại rừng tại khoản 2 Điều 23 của dự thảo luật lại là thẩm quyền riêng của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Tôi đề nghị sửa đổi Khoản 2 Điều 23 cho thống nhất về thẩm quyền.

Vấn đề thứ hai, đó là sự tương thích giữa luật này với Luật Đa dạng sinh học. Khoản 1 Điều 31 của Dự thảo luật quy định việc tổ chức rừng đặc dụng, trong đó có hệ sinh thái tự nhiên bằng hình thức là thành lập Ban Quản lý rừng đặc dụng, trong khi đó Điều 28 của Luật Đa dạng sinh học lại quy định thành lập Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên.

Theo ông Dương Minh Tuấn, cùng một đối tượng là hệ sinh thái tự nhiên nhưng có hai Ban Quản lý. “Do vậy, tôi đề nghị có sự quy định thống nhất giữa hai luật trong việc quản lý hệ sinh thái tự nhiên” - Đại biểu Dương Minh Tuấn kiến nghị.

Vấn đề thứ ba, về thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Khoản 3, Điều 25 dự thảo quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

Đại biểu Dương Minh Tuấn cho rằng, việc đã phân cấp thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân thì không nhất thiết phải xin ý Bộ 1 lần nữa bởi vì việc chuyển mục đích sử dụng được thực hiện theo quy hoạch đã được Bộ thẩm định… Làm như vậy sẽ kéo dài thời gian, tạo cơ chế xin cho. Ông Tuấn đề nghị trong khoản 3 Điều 25 bỏ thủ tục này.

Vấn đề thứ tư, giải thích từ ngữ, khoản 15 Điều 2 giải thích "Mẫu vật các loại thực vật rừng, động vật rừng là thực vật rừng, động vật rừng còn sống hay đã chết bộ phận dẫn xuất của chúng", đề nghị bổ sung rõ "trứng, ấu trùng, dịch thể hoặc các sản phẩm là mẫu vật".

Lý do một số loại động vật đẻ trứng nếu không quy định trứng là mẫu vật thì khi vi phạm sẽ khó khăn cho việc xử lý, ví dụ trứng Vích ở Côn Đảo vừa rồi. “Do vậy, tôi đề nghị viết lại bổ sung như sau: "Mẫu vật các loại thực vật rừng, động vật rừng là thực vật rừng, động vật rừng còn sống hay đã chết, trứng, ấu trùng, dịch thể hoặc các sản phẩm bộ phận dẫn xuất của chúng" - Đại biểu Dương Minh Tuấn nói.

Việt Hùng(lược ghi)