Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy điện
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 19/10/2017
Kết quả bước đầu
Tháng 11/2014, Dự án thủy điện Bảo Lâm 1 tại xã Lý Bôn, Bảo Lâm với tổng công suất lắp máy 30 MW, tổng vốn đầu tư 915 tỷ đồng do Công ty cổ phần xây lắp điện I (PCCI) làm chủ đầu tư được khởi công. Đây là Nhà máy TĐ đầu tiên trên địa bàn áp dụng công nghệ tua bin ngang có cột nước thấp. Sau hơn 2 năm thi công, tháng 1/2017, Nhà máy TĐ Bảo Lâm 1 chính thức hoàn thành, đưa điện lên lưới quốc gia. Sau 9 tháng vận hành, Nhà máy đã hòa lưới điện quốc gia hơn 75 triệu Kwh điện năng, đạt 68,6% công suất thiết kế. Dự kiến hết năm 2017, Nhà máy sẽ đưa lên lưới quốc gia trên 109 triệu kwh, đạt 100% công suất thiết kế.
Cùng trên lưu vực sông Gâm tại địa bàn 2 huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, PCCI đang đồng thời tiến hành thi công 3 dự án TĐ và đang chuẩn bị tiếp tục khởi công 2 dự án TĐ khác. Trong đó, trên sông Nho Quế đoạn chảy qua địa phận huyện Bảo Lâm, quý II/2015, PCC1 đầu tư 1.393 tỷ đồng khởi công thủy điện Bảo Lâm 3, công suất 46 MW, tại xã Đức Hạnh, Bảo Lâm (Cao Bằng) và xã Niêm Tòng, Mèo Vạc (Hà Giang).
Thủy điện Bảo Lâm 3, công suất 46 MW trên thượng nguồn sông Nho Quế đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị phát điện trong quý IV/2017. |
Quý I/2016, tận dụng năng lượng của nguồn xả của TĐ Bảo Lâm 3, PCC1 tiếp tục đầu tư 312 tỷ đồng khởi công dự án thủy điện Bảo Lâm 3A, công suất 8 MW tại 2 xã Đức Hạnh, Lý Bôn (Bảo Lâm). Đến nay, cả 2 dự án thủy điện này đang gấp rút hoàn thành các hạng mục cuối cùng. Trong đó, Dự án TĐ Bảo Lâm 3 việc thi công các công trình đầu mối như đập dâng, đập tràn, cửa nhận nước, cống xả cát hoàn thành 97% khối lượng. Nhà máy hoàn thành 90% khối lượng gồm đã lắp đặt xong tổ máy số 1, Stato tổ máy số 2, hoàn thành hệ thống thông gió, điện, cấp thoát nước, cứu hỏa của cả 2 tổ máy. Đang thi công đường dây 110 KV đấu nối Trạm 220 KV Bảo Lâm, hoàn thành 60% khối lượng.
Tại Dự án thủy điện Bảo Lâm 3A, các đơn vị thi công đã hoàn thành 98% khối lượng các công trình đầu mối. Thi công nhà máy hoàn thành 90% khối lượng. Trong đó, đang lắp đặt các tổ máy số 1 và số 2; hoàn thành hệ thống thông gió, điện, cấp thoát nước, cứu hỏa của 2 tổ máy; các hạng mục chiếu sáng, đường vận hành... đang được triển khai theo đúng tiến độ.
Kỹ sư Nguyễn Năng Dân, phụ trách dự án thủy điện Bảo Lâm 3 cho biết: Hiện thủy điện Bảo Lâm 3A đã được Sở Công thương đến kiểm tra công tác nghiệm thu của Chủ đầu tư các hạng mục công trình, đã cho phép tích nước. PCCI đang mời Bộ Công thương lên để thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu của Chủ đầu tư tại Dự án TĐ Bảo Lâm 3. Hiện nay PCCI đang đôn đốc các nhà thầu thi công tập trung nhân lực, thiết bị để hoàn thành các hạng mục dự án theo đúng tiến độ, phấn đấu sẽ phát điện trong quý IV/2017.
Trên sông Gâm, tháng 9/2017 PCCI đã khởi công Dự án thủy điện Mông Ân. Nhà máy được xây dựng trên dòng sông Gâm thuộc địa phận xã Nam Quang và thị trấn Pác Mjầu (Bảo Lâm) có quy mô thiết kế 30MW gồm 2 tổ máy, tổng vốn đầu tư trên 900 tỷ đồng. Thời gian xây dựng công trình trong 25 tháng, dự kiến công trình sẽ hoàn thành đưa vào vận hành khai thác trong quý I năm 2020.
Tại huyện Bảo Lạc, PCCI cũng đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để quý II/2018 sẽ lần lượt khởi công các dự án thủy điện Bảo Lạc A, công suất lắp máy 10 MW và Dự án thủy điện Bảo Lạc B, công suất lắp máy 18 MW. Hiện chủ đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ đáng giá tác động môi trường, dự kiến cuối năm 2017 sẽ trình thiết kế cơ sở của 2 dự án thủy điện này để khởi công theo kế hoạch.
Cần có sự cố gắng hơn nữa của các chủ đầu tư
Nhìn chung, đến thời điểm này, có thể thấy rằng chỉ có Chủ đầu tư PCCI cơ bản tiến hành thực hiện các dự án thủy điện trên lưu vực sông Gâm đúng tiến độ đã cam kết. Hiện nay, hầu hết các dự án thủy điện còn lại đều chậm tiến độ hoặc đã bị thu hồi, chuyển cho chủ đầu tư khác triển khai. Theo báo cáo của Sở Công thương, giai đoạn 2010 - 2015, UBND tỉnh đã thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của 13 dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn do chậm tiến độ để chuyển giao cho các chủ đầu tư khác triển khai.
Dự án Thủy điện Hòa Thuận đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến phát điện trong quý II/2018 |
Trên bậc thang sông Bằng, thủy điện Hòa Thuận, công suất lắp máy 17,4 MW sau một thời gian tạm dừng thi công do tranh chấp mực nước dâng, từ tháng 9/2016 đang tiếp tục triển khai thi công các hạng mục công trình, dự kiến phát điện trong quý II/2018. Giai đoạn 1 đã hoàn thành đào 170 nghìn m3 đất đá hố móng; đắp đê quây dọc đến cao trình 147 m đạt 100% khối lượng; đổ 42.630 m3 bê tông cốt thép, đạt 69% khối lượng. Chế tạo và cung cấp 364,5 tấn thiết bị cơ khí thủy nông, đạt 61% khối lượng; lắp đặt được 305 tấn thiết bị ngưỡng khe cửa nhận nước, tràn van phẳng, cửa ra hạ lưu nhà máy, lưới chắn rác và cửa van hạ lưu tổ máy 1 và 2, đạt 51% khối lượng.
Liên danh nhà thầu đã bàn giao 4 lô hàng hơn 106 tấn các chi tiết đặt sẵn, ống đặt trong bê tông, côn xả hạ lưu nhà máy, các chi tiết dặt sẵn của cầu trục gian máy và cầu trục gian máy, đạt 10% khối lượng. Hoàn thành công tác lắp đặt côn xả hạ lưu tổ máy số 1 và số 2; hệ thống thiết bị cơ khí phụ trợ bao gồm hệ thống ống tháo cạn và xử lý nước tổ máy, hệ thống khí nén, hệ thống thông gió, hệ thống nước kỹ thuật, hệ thống đo lường và hiển thị, hệ thống báo cháy và cứu hỏa.
Dự án thủy điện Thân Giáp công suất 6 MW xây dựng trên sông Bắc Vọng do Công ty TNHH Trường Minh làm chủ đầu tư đang tiến hành thi công đạt 81% khối lượng công trình đầu mối, 57% khối lượng kênh dẫn, 43% khối lượng các công trình trên kênh, 91% nhà vận hành và các hạng mục phụ trợ, 79% khối lượng đường tải điện và trạm phân phối điện. Tuy nhiên, các hạng mục khác tiến độ cũng đạt thấp đòi hỏi sự nỗ lực của Chủ đầu tư mới có thể hoàn thành đưa nhà máy vào vận hành trong quý IV/2018.
Các dự án còn lại vì nhiều nguyên nhân khác nhau tiếp tục đang tạm dừng thi công. Dự án thủy điện Hoa Thám, công suất 5,8 MW đã hoàn thành xây dựng Nhà quản lý vận hành, đường nội bộ, đường dây và trạm biến phục vụ thi công và tải điện; 90% khối lượng đập bờ trái, 30% khối lượng đập bờ phải, 30% khối lượng đập tràn, 20% khối lượng đập xen cốp (chủ yếu khối lượng của giai đoạn trước)... Chủ đầu tư đã ký hợp đồng chế tạo thiết bị cơ khí thủy công, cung cấp thiết bị. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển năng lượng Đông Bắc chưa triển khai tiếp tục đầu tư xây dựng nên khó có khả năng hoàn thành công trình đưa vào vận hành trong quý IV/2018.
Dự án thủy điện Tiên Thành công suất 15 MW trên sông Bằng, chủ đầu tư Công ty TNHH Sông Đà 7.09 đã thi công được một số hạng mục đập tràn, đổ được 7.500 m3 bê tông, đạt 40% khối lượng; gia công khoảng 150 tấn thiết bị cơ khí thủy công, đạt 60% khối lượng; chế tạo được gần 20% khối lượng thiết bị nhà máy. Tuy nhiên, hiện nay dự án này đang bị tạm dừng thi công vì chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường nên cũng khó có khả năng quý IV/2018 hoàn thành đưa vào vận hành.
Dự án thủy điện Khuổi Luông, công suất 4,4MW trên sông Bắc Vọng bị thu hồi từ Công ty Xây dựng Lê Thanh do chậm tiến độ giao lại cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghiệp Đông Bắc triển khai, dự kiến hoàn thành quý I/2019. Hiện dự án đã được Sở Công Thương thẩm định thiết kế cơ sở; Chủ đầu tư đẫ triển khai giải phóng mặt bằng và thi công được một số hạng mục. Tuy nhiên, hiện dự án đã bị tạm dừng do Chủ đầu tư chưa trình Sở Công thương thẩm định thiết kế kỹ thuật dự án.
Một số dự án đã được UBND tỉnh giao cho các Chủ đầu tư khác triển khai nghiên cứu đầu tư chỉ có dự án thủy điện Bạch Đằng mới thẩm định xong thiết kế cơ sở, đang giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình phụ trợ, chuẩn bị khởi công. Các dự án còn lại như TĐ Bản Ngà, TĐ Bản Riển, TĐ Khuổi Ru (Bảo Lạc), TĐ Bản Chiếu (Nguyên Bình) và TĐ Hồng Nam (Hòa An) giao Công ty cổ phần xây dựng Tập đoàn Thăng Long; TĐ Bình Long (Hòa An) giao Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Sông Đà Hòa Bình; TĐ Pác Khuổi (Hòa An) giao Công ty cổ phần Thủy điện Sử Pán 1... đang trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư dự án.
Theo ông Hoàng Văn Hòng, Trưởng phòng quản lý điện năng (Sở Công thương), để đảm bảo các dự án thủy điện trên địa bàn đầu tư xây dựng đúng tiến độ, đề nghị Chủ đầu tư các dự án lập Bản tiến độ thi công chi tiết gửi Sở Công Thương; trên cơ sở nội dung Bản tiến độ thi công, ký cam kết đảm bảo tiến độ với Sở Kế hoạch và Đầu tư. Các dự án chậm tiến độ theo Bản cam kết đã ký nếu không có lý do chính đáng cần phải xử lý theo Luật đầu tư năm 2014.
Ngọc Minh