Thông tư 44 Bộ Tài chính: Áp dụng mức thuế mới, nhiều doanh nghiệp lo ngại

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 10/10/2017

(TN&MT) - Một số doanh nghiệp khai thác đá trắng tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An phản ánh tới Báo Tài nguyên và Môi trường qua đường dây nóng về việc đang phải...
(TN&MT) - Một số doanh nghiệp khai thác đá trắng tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An phản ánh tới Báo Tài nguyên và Môi trường qua đường dây nóng về việc đang phải đối diện với nguy cơ phá sản khi các loại phí, thuế tài nguyên tăng lên gấp 3-4 lần theo Thông tư 44/2017 của Bộ Tài Chính.
 
Áp dụng mức thuế mới, doanh nghiệp lo lắng
 
Ngày 12/5/2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn ký ban hành Thông số 44/TT- BTC quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/7/2017. Ngay sau khi thông tư có hiệu lực đã vấp phải sự phản ứng của các doanh nghiệp đá trắng.
 
Việc ban hành Thông tư 44 của Bộ Tài chính khiến nhiều doanh nghiệp đang khai thác, sản xuất đá trắng lo ngại
Việc ban hành Thông tư 44 của Bộ Tài chính khiến nhiều doanh nghiệp đang khai thác, sản xuất đá trắng lo ngại
 
Ông Nguyễn Trung Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP khoáng sản và thương mại Trung Hải - Nghệ An cho biết: Công ty vừa đầu tư nhà máy chế biến bột đá siêu mịn quy mô, công suất lớn với công nghệ hiện đại nhất hiện nay, với tổng mức đầu tư trên 6 triệu USD, mới tuyển thêm hơn 200 lao động.
 
Nếu mỏ của Công ty khai thác đạt công suất theo giấy phép, khi áp dụng khung giá thấp nhất theo Thông tư 44, mức thuế tài nguyên tăng thêm của doanh nghiệp sẽ trên 18 tỷ đồng, tiền cấp quyền tăng thêm khoảng 3,6 tỷ đồng, tổng là 21,6 tỷ đồng. Với mức thuế này, doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị lỗ, công ty phải dừng sản xuất.
 
Trong quá trình thực hiện, nhiều doanh nghiệp đã có ý kiến về việc áp giá UBND tỉnh áp cao hơn giá tối thiểu mà Bộ Tài chính quy định, như đá 3 (8-15 cm) giá tối thiểu là 50.000 đồng/m3, tỉnh áp giá 80.000 đồng/m3; đá 0,5 - 1, giá tối thiểu là 95.000 đồng/m3, tỉnh áp giá 160.000 đồng/m3; đá mi - bột giá tối thiểu là 30.000 đồng/m3, tỉnh áp giá 90.000 đồng/m3.
 
Đại diện Hội đá trắng Yên Bái cho biết: Chưa qua được cái đận tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì khối DN đá trắng lại bị “dúi” thêm cho một nhát nữa bằng Thông tư 44. Bởi lẽ, biên độ khung giá sàn và giá trần được xây dựng tại Thông tư 44 không phù hợp với quy định Luật Thuế Tài nguyên 2009. Thông tư 44 quy định giá tính thuế cho mã tài nguyên II401 đá hoa trắng (không phân loại màu sắc, chất lượng) kích thước ≥ 0,4m3 sau khai thác đang dự thảo giá tối thiểu 700.000đ/m3, tối đa 1.000.000đ/m3. Mức giá này cao gấp trên 2,8 lần giá đang áp dụng tại Nghệ An. Mã tài nguyên II402 đá hoa trắng dạng khối (≥ 0,4m3) để xẻ làm ốp lát được phân ra làm 3 loại, trắng đều 15-18 triệu đồng/m3, loại 2 vân vệt 15 -15,5 triệu đồng/m3 và loại 3 màu xám hoặc màu khác là 7-10 triệu đồng/m3.
 

Hai Hiệp hội đá trắng tại Nghệ An và Yên Bái đã có đơn gửi Chính phủ
Hai Hiệp hội đá trắng tại Nghệ An và Yên Bái đã có Văn bản kiến nghị gửi Chính phủ
 
Mã nhóm tài nguyên II403, đá hoa trắng sản xuất bột cacbonat, Thông tư 44 áp giá là 280.000-400.000/m3. Theo tính toán, mức thu này cao gấp khoáng 3,3 lần mức thu hiện tại của Nghệ An và Yên Bái. Mức thu này đẩy DN phải đối diện với mức đóng góp quá lớn, ngoài kỳ vọng giá bán thực tế. Cộng với hàng chục khoản thuế, phí… khác, mức giá tính thuế tài nguyên tại Thông tư 44 có nguy cơ đẩy DN khối đá trắng lâm vào khó khăn, phá sản. Bởi lẽ, giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm, có độ lệch rất lớn so với giá trị khai thác được khoáng sản theo khối địa chất đã duyệt. Do vậy, có sự bất tương đồng về mặt logic khoa học và bất công về số tiền thu, vượt xa kỳ vọng doanh thu có thể có từ trữ lượng mỏ.
 
Nguy cơ đẩy hàng nghìn công nhân thất nghiệp
 
Hiện nay, lĩnh vực khai thác đá trắng thu hút rất nhiều lao động là con em tại các địa phương tham gia. Tại huyện Quỳ Hợp, một công nhân của Công ty CP Hoàng Gia tâm sự: "Tôi gắn bó nghề chế biến đá với công ty hơn 7 năm, nguồn sống của gia đình nhìn vào đồng lương công nhân. Nếu không có việc làm thì cuộc sống sẽ khốn khó, bởi đất ruộng, đất rừng đều không có, không biết làm gì để trang trải cuộc sống".
 
Ông Nguyễn Giang Hoài - Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Quỳ Hợp cho biết thêm: Nếu áp mức thuế mới sẽ xảy ra nhiều hệ lụy. Cụ thể là Tổng mức đầu tư lĩnh vực đá hoa tại Nghệ An, Yên Bái là khoảng 10.800 tỷ đồng và giải quyết 30.500 lao động. Trong đó, vốn vay ngân hàng chiếm 70%, tương ứng 7.560 tỷ, nếu áp theo quy định và khung giá tại Thông tư số 44 sẽ dẫn tới 95% doanh nghiệp phá sản, sẽ dẫn tới nợ xấu ngân hàng khó thu hồi vốn khoảng 7.182 tỷ đồng. Kéo theo đó là 28.957 lao động trực tiếp mất việc làm, ảnh hưởng gián tiếp 86.925 nhân khẩu tương ứng khoảng 7.243 hộ gia đình.
 
Ông Hoàng Văn Hải - Giám đốc Công ty CP Hoàng Gia (xã Đồng Hợp) cho biết: “Nộp thuế là trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp nhưng nếu ngành chức năng không có giải pháp tháo gỡ khi áp dụng Thông tư 44 thì doanh nghiệp rất dễ đóng cửa kéo theo rất nhiều lao động mất việc làm, hàng năm không duy trì được các loại tiền thuế cho Nhà nước mà công ty còn trở thành nợ xấu của ngân hàng”.
Trước tình trạng này, hai Hiệp Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Nghệ An, Yên Bái đang hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản vừa có đơn kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền phản ánh những khó khăn khi áp dụng Thông tư số 44/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính về khung thuế tài nguyên mới.
 
Bích Động