Thủ tướng phê duyệt Dự án Chăm sóc, bảo tồn cây xích tùng Yên Tử

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 05/10/2017

(TN&MT) - Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 1451/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Chăm sóc, bảo tồn các cây xích tùng cổ tại Rừng quốc gia Yên Tử, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Dự án này mang lại cơ hội “cứu” xích tùng - loài cây gắn liền với các giá trị văn hoá tâm linh của Di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, lâu nay đã và đang phải đối mặt với nguy cơ xâm hại rất lớn do tác động từ con người và tự nhiên.

Cán bộ BQL Rừng Quốc gia Yên Tử kiểm tra, chăm số cây tùng
Cán bộ BQL Rừng Quốc gia Yên Tử kiểm tra, chăm số cây tùng

Xích tùng được trồng ở Yên Tử từ hàng trăm năm, hiện còn hơn hai trăm cây đang sống, phân bố chủ yếu ở các tuyến đường hành hương và xung quanh khu vực các điểm chùa, am, tháp của di tích như: Vườn Tùng, đường Tùng, khu vực vườn Tháp Tổ - chùa Hoa Yên, đường sang Thác Vàng, tuyến đường từ chùa Hoa Yên sang chùa Vân Tiêu... Hiện nay, các cây Tùng cổ trên tuyến đường hành hương ở Yên Tử đang gặp một số vấn đề: Cây chết khô, gốc bị mối xông ruỗng, cây bị sâu bệnh, cây lại bị cụt ngọn. Bộ rễ tùng bị mưa bào mòn, bị chân khách hành hương giẫm lên, trơ cả lõi. Ở các khu vực khác, ngoài sâu bệnh, tùng còn bị mưa, bão quật đổ. Số lượng tùng chết hơn chục cây chỉ trong vòng 5, 6 năm trở lại đây.

Theo Quyết định, giai đoạn 2018 - 2021, Dự án Chăm sóc, bảo tồn các cây xích tùng cổ tại Rừng quốc gia Yên Tử thực hiện nhiều nội dung: Chăm sóc 237 cây xích tùng cổ, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng vườn ươm thực vật như: lắp dựng khu nhà lưới 300m2, khu ươm cây 2.000m2, khu dưỡng cây 17.700 m2… gieo ươm 300 cây giống xích tùng; sưu tầm và chăm sóc 60 cây tái sinh tự nhiên phục vụ cho công tác phục hồi nguyên trạng các cây xích tùng ở Rừng quốc gia Yên Tử… Nguồn vốn thực hiện Dự án trên 26 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Ông Phạm Văn Dược, Phó Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, đơn vị được giao thực hiện Dự án: đơn vị sẽ thực hiện 2 phần việc gồm: chăm sóc những cây tùng cổ bị sâu bệnh, xâm hại và nhân giống cây tùng con. Hơn 2 trăm cây tùng cổ còn sống, mỗi cây sẽ có một quá trình điều trị bệnh riêng. Nhân giống tạo một thế hệ cây kế cận thay cho các cây tùng lâu năm ra đi theo quy luật tự nhiên. Đồng thời, trồng mới, bổ sung tùng ở vị trí cây bị chết, trồng thêm ở các điểm di tích tạo cảnh quan.

Đăng Hùng