Khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai: Vẫn diễn biến phức tạp

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 03/10/2017

Tình hình khiếu nại, tố cáo (KN,TC) của công dân năm 2017 có giảm, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp và gay gắt, nhất là lĩnh vực đất đai, đó là nhận định tiếp tục được Chính phủ nhấn mạnh khi nhắc về vấn đề này.

Hơn 60% đơn khiếu nại về đất đai

Theo thống kê của Chính phủ, tình hình KN,TC giảm ở nhiều chỉ tiêu. Số lượt công dân đến các cơ quan hành chính Nhà nước để KN,TC, kiến nghị, phản ánh giảm 11%, tổng số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước cũng giảm 25,6%. Tuy nhiên, số đoàn đông người tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016 và thực tế KN,TC vẫn còn diễn biến phức tạp, gay gắt. Các vụ việc phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, trong đó có những vụ việc đã được nhiều cơ quan giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc.

Chỉ riêng về khiếu nại, cả nước phát sinh 56.762 đơn khiếu nại, thì số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai chiếm 61,7%, về nhà ở chiếm 11,7%. Trong tố cáo, cả nước phát sinh 15.148 đơn tố cáo, trong lĩnh vực hành chính chiếm 62,7%, chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội; tố cáo cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng chiếm 5,1%...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, một trong những nguyên nhân dẫn đến KN,TC còn phức tạp là do công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực ở một số địa phương còn nhiều tồn tại, yếu kém, nhất là trong công tác quản lý, sử dụng đất đai. Đáng chú ý, có những vụ việc xuất phát từ trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức còn hạn chế. Thậm chí có hành vi vi phạm pháp luật, vụ lợi cá nhân, thiếu khách quan, công tâm trong thực thi công vụ làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức…

Ngoài ra, còn do cơ chế, chính sách pháp luật chưa được hoàn thiện hoặc thiếu đồng bộ. Việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành chậm, còn nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn, nhưng chậm được bổ sung, sửa đổi.

Giải quyết ngay từ đầu

Trước thực trạng còn tồn tại những khiếu nại chưa giải quyết được qua nhiều năm, đặc biệt là khiếu nại về đất đai chiếm khoảng gần 70%, khiếu nại về vấn đề tài nguyên, khai thác cát sỏi, quyết định đặt trạm thu phí BOT…, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, những vấn đề này cần giải quyết ngay từ khi mới manh nha, tránh để tồn tại qua nhiều năm.

Về việc pháp luật chưa có quy định cụ thể về điểm dừng trong giải quyết khiếu nại, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cần quy định cơ quan có thẩm quyền phải thông báo chấm dứt khiếu nại. Đồng thời, cần có một phần mềm kết nối toàn quốc, truy cập phần mềm đó trên cả hệ thống chính trị, các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức đoàn thể... để biết các vụ án do ai đang giải quyết, đã chấm dứt khiếu nại chưa, tránh tình trạng đơn thư vẫn tiếp tục gửi vòng vo.

Phó Trưởng ban Dân nguyện Ðỗ Văn Ðương cho rằng: Việc làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là Chủ tịch UBND cấp tỉnh là rất quan trọng. Người đứng đầu phải tổ chức tiếp dân theo định kỳ, phải trực tiếp giải quyết chứ không giao cho cấp phó. Làm như vậy sẽ giúp giải quyết khiếu nại ngay từ đầu, giảm được tình trạng khiếu nại tồn đọng nhiều.

Để tiếp tục giải quyết dứt điểm KN,TC, khi thảo luận về báo cáo này của Chính phủ, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hàng năm, rà soát, lập danh sách các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài để giải quyết dứt điểm. Ðồng thời, phát hiện, xử lý kịp thời đối với cá nhân lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo có hành vi vi phạm pháp luật…

Theo Ktđt