Nghệ An: Hội nghị giao ban báo chí "nóng" lên vì chuyện phá rừng

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 04/10/2017

(TN&MT) - Cuộc họp báo ngày 04/10/2017 ở Nghệ An trở nên “nóng” lên khi các PV báo chí đề cập vấn nạn phá rừng diễn ra liên tiếp trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian qua. Qua đó, các PV đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm làm rõ vấn đề.

Chiều ngày 4/10, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức cuộc họp báo tổng kết tình hình Kinh tế - Xã hội 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2017. Tuy nhiên, cuộc họp báo trở nên “nóng” lên khi các phóng viên của các cơ quan báo chí đề cấp đến những vụ phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ...liên tiếp xảy ra trên địa bàn từ đầu năm đến nay.

Hiện trường vụ phá hàng trăm héc ta rừng 163 tại huyện Quỳ Hợp
Hiện trường vụ phá hàng trăm héc ta rừng 163 tại huyện Quỳ Hợp

Lý giải vấn đề này, tại cuộc họp báo ông Nguyễn Tiến Lâm – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (tạm thời phụ trách Chi cục Kiểm lâm do đang khuyết Chi cục trưởng - PV) chia sẻ: “Sở Nông nghiệp rất ghi nhận và cảm ơn các các cơ quan báo chí phối hợp với các ngành liên quan làm rõ những vụ phá rừng diễn ra trên địa bàn từ đầu năm đến nay. Vài trò của các phóng viên trong các vụ phá rừng rất quan trọng, họ đã phán ánh kịp thời, đưa thông tin chính xác các vụ phá rừng trên địa bàn...Từ đầu năm đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ phá rừng nghiêm trọng, chia thành 2 nhóm: Nhóm thứ nhất là nhóm khai thác trọng điểm lâm sản; nhóm thứ 2 là nhóm phá rừng chuyển đối mục đích sử dụng trái phép. Trong 5 vụ thì có thì có 4 vụ đã được cơ quan điều tra khởi tố, còn 1 vụ đang được các cơ quan chức năng tiến hàng điều tra...”.

Hơn 102 héc ta rừng phòng hộ đầu nguồn tại xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ bị tàn phá không thương tiếc
Hơn 102 héc ta rừng phòng hộ đầu nguồn tại xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ bị tàn phá không thương tiếc

“Hiện các cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An vẫn tiếp tục điều tra và làm rõ hành vi cũng như truy rõ nguồn gốc các vụ phá rừng. Với tư cách là cơ quan chuyên môn thì tôi nhận định rừng Nghệ An là rừng giàu được phân bổ ở khu vực giáp biên giới Việt - Lào. Nếu tính cả nước thời điểm này, thì chưa có khu rừng nào giàu có như rừng của Nghệ An ở khu vực vùng giáp ranh biên giới. Đứng trước vấn đề đó thì việc bảo vệ rừng cực kỳ khó khăn, kèm theo đó là tuyến biên giới mở, đường xá đi lại thuận lợi hơn cho việc phá rừng và khai thác rừng trái phép...” - Ông Nguyễn Tiến Lâm phát biểu thêm buổi họp báo.

Ông Lâm cũng cho biết thêm: “Từ năm 2016 đến năm 2017 lực lượng bảo vệ rừng ở Nghệ An chưa được một đồng nào để bảo về rừng, vừa rồi chúng tôi đề nghị tỉnh hỗ trợ nhưng vô cùng khó khăn...”.

Những gốc cây gỗ cổ thụ bị đốn hạ khiến ai chứng kiến cũng không khỏi xót xa
Những gốc cây gỗ cổ thụ bị đốn hạ khiến ai chứng kiến cũng không khỏi xót xa

Trong khi đó, liên quan đến những câu hỏi của các phóng viên các cơ quan báo chí về trách nhiệm của các Đồn biên phòng ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông (Nghệ An) khi để xảy ra hàng loạt vụ phá rừng trên địa bàn thì đại diện Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An, Thượng tá Hoàng Nghĩa Quân – Chánh văn phòng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An, cho biết: “Chức năng và nhiệm vụ Bộ đội Biên phòng quản lý tất cả công dân của đất nước vào khu vực biên giới, trong đó có lực lượng báo chí. Báo chí phải có giấy giới thiệu và được sự đồng ý của cấp trên mới được vào khu vực biên giới. Chúng tôi không báo che cho các vụ phá rừng, chúng tôi có trách nhiệm giám sát và bảo vệ tài nguyên vùng biên giới...Không phải chỉ có lực lượng biên phòng chúng tôi bảo vệ rừng mà còn có lực lượng kiểm lâm và các cơ quan chức năng liên quan nữa chứ...”(?). 

Ông Nguyễn Tiến Lâm – Phó giám đốc Sở NN&PTNT trả lời báo chí tại Hội nghị giao ban báo chí ngày 04/10/2017
Ông Nguyễn Tiến Lâm – Phó giám đốc Sở NN&PTNT trả lời báo chí tại Hội nghị giao ban báo chí ngày 04/10/2017

Được biết, từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An để xảy ra hàng loạt vụ phá rừng quy mô lớn và nghiêm trọng. Có thể kể đến vụ phá hàng trăm héc ta rừng phòng hộ tại huyện Tân Kỳ; hàng trăm héc ta rừng 163 tại huyện Quỳ Hợp; 36 cây sa mu ở huyện Kỳ Sơn cũng như phá 189 cây sa mu với khối lượng gần 200m3 gỗ ở huyện Tương Dương…

Dư luận cho rằng, những vụ phá rừng, hủy hoại rừng quy mô lớn ở Nghệ An ngoài ý thức của người dân thì trách nhiệm lớn nhất là do sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, rừng phòng hộ, chủ rừng cũng như chính quyền địa phương. Mặt khác, trong khi rừng bị tàn phá nghiêm trọng thì những người đứng đầu ngành kiểm lâm lại được tự do “chuyển công tác” khiến dư luận càng thêm bất bình?.

Đình Tiệp