Kiên quyết trong xử lý vi phạm đất đai ở Hưng Yên

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 04/10/2017

(TN&MT) - Trong quản lý, sử dụng đất đai ở tỉnh Hưng Yên những năm qua, một trong những vấn đề nóng là việc toàn tỉnh tồn tại 14.477 công trình vi phạm trên đất...

 

(TN&MT) - Trong quản lý, sử dụng đất đai ở tỉnh Hưng Yên những năm qua, một trong những vấn đề nóng là việc toàn tỉnh tồn tại 14.477 công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, đất hành lang bảo vệ đường bộ, đất thuỷ lợi. Có công trình là nhà ở, công trình phụ, nhà tạm xây dựng quá diện tích cho phép, là trang trại và các công trình khác mà việc giải toả gặp không ít khó khăn.

 Vi phạm tràn lan

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên, đến trước tháng 3/2017, toàn tỉnh có 14.477 công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, đất hành lang bảo vệ đường bộ, đất thuỷ lợi với tổng diện tích 65 ha. Trong đó vi phạm trên đất nông nghiệp là 4.977 công trình (Có 1.540 công trình nhà trên đất nông nghiệp), vi phạm đất hành lang giao thông là 6.839 công trình và cây dựng công trình trái phép trên đất thuỷ lợi là 2.661 công trình. Những địa phương vi phạm nhiều như TP. Hưng Yên có 2.872 công trình vi phạm; hyện Yên Mỹ 2.317 công trình; huyện Văn Giang có 2.299 công trình; huyện Phù Cừ có 1.622 công trình; huyện Kim Động có 1.468 công trình.

Xử lý công trình xây dựng vi phạm trên đất thuỷ lợi ở xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ.
Xử lý công trình xây dựng vi phạm trên đất thuỷ lợi ở xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ.

Trong công trình xây dựng nhà ở vi phạm trên đất nông nghiệp, huyện Phù Cừ đứng đầu số công trình vi phạm với 978 nhà, TP Hưng Yên 213 nhà, huyện Ân Thi 125 nhà, huyện Văn Giang 94 nhà… Việc xây dựng nhà trên đất nông nghiệp để tồn tại trong nhiều năm qua gây khó khăn cho việc giải toả. Sự thiếu kiên quyết của cấp ủy, chính quyền một số địa phương là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phát sinh các vi phạm về đất đai. Những vi phạm nhỏ, vi phạm mới phát sinh không được ngăn chặn kịp thời khiến công trình vi phạm ngày càng mở rộng về quy mô. Khi công trình vi phạm khi mới xây dựng không được kiên quyết giải tỏa đã tạo tiền lệ xấu khiến vi phạm không những không giảm mà còn ngày càng tăng. Có công trình xây dựng trái phép kiên cố, thậm chí cao tầng trên đất nông nghiệp đã tồn tại nhiều năm qua chưa được xử lý, giải tỏa đã cho thấy những yếu kém trong quản lý đất đai ở một số địa phương. Bên cạnh đó vẫn còn có những cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu, vi phạm pháp luật về đất đai. 

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ

Để ngăn chặn vi phạm mới, từng bước xử lý vi phạm cũ, không để vi phạm kéo dài, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hưng Yên đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng và gần như cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh vào cuộc, thực hiện thống kê, rà soát, xử lý vi phạm đất đai trên các lĩnh vực như đất nông nghiệp, hành lang giao thông, đất thuỷ lợi, hoạt động bến bãi, khai thác cát trái phép. Trong đó định hướng chính là Chỉ thị số 02/CT-UBND, ngày 16-3-2016 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh. Trọng tâm trong thời gian qua là việc thực hiện Kế hoạch số 93a/KH-UBND ngày 31-3-2017 của UBND tỉnh về việc giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi và hoạt động bến bãi, khai thác cát trái phép năm 2017. UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch 93a. Tỉnh cũng thành lập nhiều đoàn đi kiểm tra xử lý vi phạm ở các huyện, thành phố, kiên quyết chỉ đạo giải toả với điểm khó.

Ông Đặng Xuân Lương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên cho biết, từ 16-3-2017, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các địa phương thực hiện các bước giải toả công trình vi phạm. Các địa phương thành lập ban chỉ đạo, tổ chức lực lượng trong hệ thống chính trị thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về các lĩnh vực đất đai, khoáng sản, xây dựng, giao thông đường bộ, đê điều đến tổ chức đảng, cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp cơ sở và toàn thể đảng viên, hội viên, người dân tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hành động; tổ chức thống kê vi phạm, tuyên truyền, giải thích, vận động các hộ dân tự tháo dỡ công trình vi phạm. Các địa phương huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Nhờ làm tốt công tác tư tưởng, vận động, thuyết phục, hỗ trợ, đến nay toàn tỉnh đã được 10.286 trường hợp vi phạm, trong đó 6.808 trường hợp tự tháo dỡ; 704 trường hợp phải cưỡng chế. Các đợt ra quân, hầu hết các huyện, thành phố thực hiện tốt kế hoạch 93a, đã giải toả 3.216/4.977 trường hợp vi phạm xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp bằng 64,6% tổng số công trình vi phạm; 3.833/6.550 trường hợp vi phạm công trình thuỷ lợi, bằng 58,5% tổng công trình vi phạm ; 6.137/6.839 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, bằng 89,7%.

Các địa phương còn trùng trình trong giải toả các công trình vi phạm như các xã Minh Tân, Quang Trung, Tiên Tiến (huyện Phù Cừ), các xã Đào Dương, Hồ Tùng Mậu, Tiền Phong, Bãi Sậy… (huyện Ân Thi), Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy các huyện này nghiêm túc phê bình đảng ủy, UBND một số xã chưa làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch giải tỏa vi phạm. Có thời điểm, huyện yêu cầu chủ tịch UBND một số xã dừng điều hành chung, tập trung cho công tác giải toả vi phạm. Thông qua đó cho thấy sự cương quyết của cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến các huyện, thành phố đồng thời nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương.

Sau khi kết thúc đợt 1 giải toả các công trình vi phạm, tới đây, tỉnh Hưng Yên tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm việc giải toả các công trình vi phạm đợt 2, trong những tháng cuối năm 2017. Đặc biệt tập trung xử triệt để 4.191 công trình trên đất nông nghiệp (trong đó còn 284 công trình xây dựng nhà); 1.728 trường hợp làm nhà, công trình phụ trên đất thuỷ lợi; 720 công trình trên đất giao thông. Kiên quyết tháo dỡ các công trình nhà ở các hộ dân đang chống chế bằng cách chuyển vật nuôi vào công trình nhà ở nhằm gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Với chính quyền địa phương, việc thực hiện Chỉ thị 02/CT-UBND sẽ là việc làm thường xuyên, kiên quyết không để phát sinh những trường hợp vi phạm mới, xử lý nghiêm các trường hợp tái phạm; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu ở địa phương.

                                                                                       Trần Tuấn