Quỳ Hợp (Nghệ An): Rừng Khe Ngọa bị lâm tặc chặt phá nghiêm trọng

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 30/09/2017

(TN&MT) – Cảnh tượng hàng chục cây gỗ cỡ lớn như dẻ, táu…bị lâm tặc chặt hạ nằm ngổn ngang trong rừng Khe Ngọa, xã Nam Sơn (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) khiến những ai chứng kiến cũng không khỏi xót xa. Thủ phạm vẫn chưa tìm ra, gỗ cũng đang còn la liệt trong rừng.

Chặt phá quy mô lớn

Theo chân người dẫn đường ở xã Nam Sơn, đi hết khoảng 1 giờ đồng hồ thì chúng tôi tiếp cận được hiện trường lâm tặc chặt trộm gỗ ở tiểu khu 317, rừng Khe Ngọa (thuộc bản Quảng, xã Nam Sơn). Tại đây, nhiều khúc gỗ có đường kính từ khoảng 30 đến 60cm rải rác dọc lối mòn mà lâm tặc đã mở để vào khai thác trái phép. Mỗi khúc gỗ được cắt có chiều dài từ 3-3,5m, tại một số vị trí, gỗ được lâm tặc sắp ngay ngắn từ 3 đến 5 khúc để thuận tiệc cho việc dùng trâu kéo ra khỏi rừng. Càng lên cao, mật độ gốc cây đã bị cắt cụt nhiều hơn, nhiều gốc cây những kẻ phá rừng chỉ cắt trừ lại cao ngang ngực. Xung quanh những gốc cây bị cưa săng cắt, ngổn ngang những cành và ngọn cây to, nhiều cây nhỏ bị gãy nát do bị cây gỗ to đổ đè lên. Lên trên đỉnh núi, còn ngổn ngang những cây to bị chặt, thân cây nằm chắn ngang lối đi.

Một gốc cây mới bị đốn hạ
Một gốc cây mới bị đốn hạ

 Người dẫn đường vào rừng cho biết, những cây này lâm tặc dùng cưa xăng cưa đổ nhưng cắt xong chưa kịp tỉa cành, cắt thành khúc thì bị phát hiện, thấy động chúng bỏ lại đây. Bọn lâm tặc ở đây chỉ chọn cây gỗ có chất lượng sử dụng tốt như dẻ, táu và cây phải to, thẳng, địa hình khó mấy chúng cũng cắt bằng được. Tại hiện trường điểm khai thác này có khoảng vài chục gốc cây bị đốn hạ, hiện vẫn còn hàng chục khúc gỗ nằm la liệt khắp nơi chư kịp đưa ra, có hai cái tời dùng để kéo gỗ bị hỏng cũng đang để tại hiện trường.

La liệt gốc cây trong rừng
La liệt gốc cây trong rừng

Ngược đường trở ra rồi men theo con suối nhỏ phía thung lũng cách đó vài cây số chúng tôi có mặt tại điểm chặt phá rừng thứ hai, cũng thuộc tiểu khu 317. Ở đây, một lối nhỏ rộng khoảng 1m được lâm tặc mở thẳng từ đỉnh núi xuống suối. Tại lối đi hình máng chảy này, nhiều vệt gỗ bị kéo trượt vẫn gần như còn nguyên mặc dù đã qua nhiều trận mưa rừng. Dọc theo đường lên đỉnh núi, nhiều khúc gỗ dẻ, ngát, táu muối… có đường kính từ 30 đến 40 cm đã được cắt gọn được tập kết tại những vị trí thuận lợi chờ vận chuyển ra ngoài.

Một cây khác đã bị lấy gỗ còn trơ lại gốc có đường kính khoảng 60cm
Một cây khác đã bị lấy gỗ còn trơ lại gốc có đường kính khoảng 60cm

Ông Lê Văn Thành -  Một trong những chủ rừng bị lâm tặc chặt trộm gỗ, trú tại bản Tăng, xã Nam Sơn, huyện Quỳ Hợp cho biết: “ngày 22/8/2017, nhận được tin có kẻ phá rừng, gia đình tôi tiến hành kiểm tra thì phát hiện ba đối tượng đang kéo gỗ xuống bãi, chúng tôi đã đuổi theo, tuy nhiên, các đối tượng trên đã chạy vào rừng mất, còn trâu thì chặt dây buộc mũi để đuổi lên rừng. Quay lại kiểm đếm số gỗ là 27 khúc gồm các loại gỗ dẻ, táu, mang, mỗi khúc dài từ 3-3,5m có đường kính 30-40cm”.

La liệt gốc cây cũ mới bị đốn ngang gốc
La liệt gốc cây cũ mới bị đốn ngang gốc

Được biết, khu vực rừng bị lâm tặc chặt gỗ nằm giáp tranh giữa diện tích rừng của UBND xã Nam Sơn và hộ ông Lê Văn Thành ở bản Tăng, xã Nam Sơn. Số lượng gỗ bị chặt của gia đình ông Lê Văn Thành là 13 gốc, còn số cây bị chặt trên diện tích rừng của xã Nam Sơn là 33 gốc. Gỗ bị chặt gồm: dẻ, ràng ràng, xoan rừng, chay, táu muối, thuộc nhóm 7 và nhóm 8.  Ở khu vực rừng Khe Ngọa có hai chủ rừng giao theo Nghị định 163 của Chính phủ, diện tích rừng của ông Lê Văn Thành là 14 ha, của UBND xã giao cho cộng đồng bản Quảng trên 40 ha. Ngoài ra, khu vực này còn giáp ranh với xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, do đó việc rạch ròi ranh giới giữa các diện tích rừng trên thực địa rất khó, lợi dụng điều này lâm tặc đã vào chặt cây của cả hai diện tích rừng.

Cần nhanh chóng tìm ra kẻ phá rừng

Ông Lương Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Nam Sơn nói với phóng viên, việc diện tích rừng bị phá có trách nhiệm của UBND xã vừa trách nhiệm trong quản lý nhà nước vừa là chủ rừng. Hiện nay, việc chuyển nhượng rừng quá nhiều khiến cho xã Nam Sơn rất khó trong quản lý và bảo vệ rừng, xã cũng đề xuất sà soát lại việc chuyển nhượng rừng để giao trách nhiệm cho chủ rừng. Xã Nam Sơn cũng đang phối hợp với kiểm lâm đưa hết số gỗ ra khỏi rừng và đề nghị công an vào cuộc điều tra tìm đối tượng phá rừng.

Một cây gỗ lớn đang bị cưa dở
Một cây gỗ lớn đang bị cưa dở

Sau khi nhận được tin báo có kẻ chặt phá rừng, ngày 25/8/2017, cán bộ kiểm lâm địa bàn đã phối hợp chính quyền xã Nam Sơn vào kiểm tra khu vực rừng Khe Ngọa thuộc bản Quảng phát hiện 27 khúc gỗ tròn và đã đánh số sơn. Tuy nhiên, do trời mưa to, đường vào trơn trượt nên không thể đưa được số gỗ trên ra khỏi rừng. Ngày 28/8, Kiểm lâm huyện phối hợp với chính quyền xã Nam Sơn thành lập đoàn kiểm tra nhưng do mưa liên tục nên không tiến hành kiểm tra được.

Tời kéo gỗ tại hiện trường
Tời kéo gỗ tại hiện trường

Theo báo cáo của Hạt kiểm lâm huyện Quỳ Hợp, ngày 7/9, Đoàn công tác gồm Hạt kiểm lâm huyện Quỳ Hợp, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 3, Công an huyện Quỳ Hợp, UBND xã Nam Sơn đã vào hiện trường kiểm tra thực tế. Qua kiểm tra, phát hiện 54 khúc gỗ tròn các loại nằm dọc khe suối và trong rừng. Tất cả số gỗ tròn và gốc cây bị cưa trên đã được đo, kiểm đếm và đánh số. Sau đó, trong 3 ngày tiếp theo, có 49 khúc gỗ với khối lượng 6,75 mét khối đã được dùng máy tời kéo ra khỏi rừng tập kết tại sân UBND xã Nam Sơn. Tuy nhiên, trong qúa trình vận chuyển, do địa hình dốc, thời tiết không thuận lợi nên còn lại một số khúc gỗ đang ở trong rừng chưa kéo hết ra được. 

Còn la liệt gỗ trong rừng chưa kịp đưa ra
Còn la liệt gỗ trong rừng chưa kịp đưa ra

Ông Trần Đức Lợi, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Quỳ hợp cho hay, Hạt kiểm lâm sẽ phối hợp với Công an huyện để điều tra, tìm ra đối tượng phá rừng. Kiểm lâm cũng sẽ cùng với các ngành cấp huyện để kiểm tra rà soát xem các hồ sơ chuyển nhượng có hợp pháp hay không để quy trách nhiệm cho chủ rừng trong công tác xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng hàng năm. Tuy nhiên, trước mắt tìm mọi biện pháp để đưa hết số gỗ còn lại trong rừng ra, với số gỗ đã được đánh dấu sơn trong rừng giao cho kiểm lâm địa bàn và cán bộ xã thường xuyên tuần tra, giám sát thường xuyên nếu để mất kiểm lâm địa bàn và xã phải chịu trách nhiệm.

Gần 50 khúc gỗ được đưa ra để tại trụ sở UBD xã Nam Sơn
Gần 50 khúc gỗ được đưa ra để tại trụ sở UBD xã Nam Sơn

 

Thời gian qua, tại xã Nam Sơn và Bắc Sơn cũng xảy ra hiện tương phá rừng giao theo Nghị định 163 của Chính phủ. Diện tích bị phá lên đến hàng trăm héc ta nên mới đây Công an huyện Quỳ Hợp đã khởi tố vụ án hình sự. Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp cũng cách các chức vụ trong Đảng đối với 2 Bí thư Đảng ủy các xã: Bắc Sơn, Nam Sơn và 5 cán bộ chủ chốt khác của xã Nam Sơn như: Trưởng công an xã, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã… Huyện ủy Quỳ Hợp cũng cách các chức vụ trong Đảng đối với 2 cán bộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quỳ Hợp. Riêng ông Nguyễn Tiến Cảnh - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳ Hợp, huyện cũng đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An cách các chức vụ trong Đảng đối với vị cán bộ này.

 

Bài & ảnh: Phạm Tuân