Bình Định: Chủ tịch xã Mỹ Chánh tiếp tay cho "đất tặc" lộng hành trên núi Mồ Côi?

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 11/09/2017

(TN&MT) - Dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép, nhưng một công ty vẫn vô tư đưa máy đào, xe ben vào khu vực núi Đông An (còn gọi núi Mồ Côi) thuộc thôn Đông...

 

(TN&MT) - Dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép, nhưng một công ty vẫn vô tư đưa máy đào, xe ben vào khu vực núi Đông An (còn gọi núi Mồ Côi) thuộc thôn Đông An, xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ, Bình Định) để khai thác đất. Cách vị trí này không xa, một hộ dân khác cũng tự ý bán đất cho công ty để san lấp công trình. Sự việc diễn ra công nhiên giữa ban ngày, song Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh cho rằng là khó xử lý.

Xe đào ngang nhiên đục khoét đồi núi Mồ Côi để lấy đất đưa lên xe ben chở đi san lấp công trình dù chưa được ngành chức năng cấp phép khai thác đất.
Xe đào ngang nhiên đục khoét đồi núi Mồ Côi để lấy đất đưa lên xe ben chở đi san lấp công trình dù chưa được ngành chức năng cấp phép khai thác đất.

Ngang nhiên “xẻ thịt” núi Mồ Côi

Cuối tháng 8.2017, người dân ở thôn Đông An gọi tới báo Bình Định, phản ánh tình trạng xe ben vận chuyển đất không che chắn làm rơi vãi đất xuống đường, phát tán bụi bặm gây ô nhiễm môi trường. Lần theo phản ánh, PV đã về tìm hiểu sự việc.

Từ tuyến đường liên xã qua thôn Đông An, chúng tôi lần theo dấu bánh xe để đi vào hiện trường khai thác đất. Tại đây, tôi thấy cả vùng đồi núi rộng chừng vài trăm mét vuông đã bị đào xới nham nhở. Cây cối, đá nằm lổn ngổn giữa vạc núi. Mở rộng khu vực quan sát về phía Tây núi Mồ Côi, tôi còn tận mắt chứng kiến một chiếc xe đào đang nổ máy hối hả đào, múc đất đưa lên các xe ben chở đi. Ước tính vị trí khai thác này rộng gần 1.000m2, với khối lượng đất bị đào xới di chuyển khỏi hiện trường lên tới cả trăm mét khối. Trong 1 giờ đồng hồ, chúng tôi đã nhẩm tính có hơn 30 lượt xe ben ra vào vận chuyển đất, song không gặp sự cản trở của lực lượng chức năng nào.

Ông N.H.T, ở thôn Đông An, bức xúc nói: “Tôi không biết xe vào lấy đất chở đi đâu. Nhưng gần tháng nay, dân khổ sở bởi tiếng ồn, bụi bặm do xe chở đất làm rơi vãi xuống đường. Hôm trời mưa thì đường sá dơ bẩn, lúc nắng gắt thì bụi bay mù mịt. Bà con ai cũng kêu la. Hơn nữa, xe chở đất ra vào với mật độ dày nên đường sá bắt đầu hư hỏng; tốc độ xe chạy cũng nhanh nên rất mất an toàn”.

Xe ben ra vào lấy đất trái phép, song không gặp sự cản trở nào từ phía lực lượng chức năng.
Xe ben ra vào lấy đất trái phép, song không gặp sự cản trở nào từ phía lực lượng chức năng.

Ông Chủ tịch xã nói “chỉ tạo điều kiện” cho lấy đất(!?)

Để rõ hơn vấn đề bà con thôn Đông An phản ánh, PV đã có buổi làm việc với ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ). Qua trao đổi, ông Bình xác nhận: Đơn vị đang lấy đất ở núi Mồ Côi là Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Bình Dương (có trụ sở ở thị trấn Phù Mỹ). Công ty này huy động xe vào lấy đất để phục vụ thi công 3 đoạn sông bị sạt lở do lũ lụt cuối năm 2016 gây ra. Đó là đoạn đê suối Mỹ ở thôn Đông An, đê sông Cạn thuộc thôn Lương Thái và đê sông La Tinh đoạn qua thôn An Xuyên 3.

Ông Bình cũng thẳng thắn thừa nhận: “Hoạt động khai thác đất của Công ty này chưa được ngành chức năng nào cấp phép. Nhưng do tính cấp thiết phải khắc phục tình trạng sạt lở trước ngày 15.9.2017 nhằm đảm bảo an toàn cho công trình hoạt động trong mùa mưa lũ tới, nên UBND huyện Phù Mỹ đã yêu cầu xã tạo điều kiện cho nhà thầu quỹ đất để thi công công trình. Vì vậy, xã đã chỉ mỏ đất để nhà thầu lấy để phục vụ cho thi công”.

Ông Lữ Hà Tâm, cán bộ địa chính xã Mỹ Chánh cũng khẳng định: “Theo nguyên tắc việc khai thác đất khi chưa có hồ sơ, giấy phép là sai. Nhưng nếu chờ làm đầy đủ thủ tục hồ sơ theo quy định thì không biết bao giờ mới làm xong, trong khi việc khắc phục sự cố hư hỏng, sạt lở đê sông là cấp thiết (!?). Còn về ý kiến dân phản ánh bụi bặm, xã đã làm việc với Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Bình Dương, yêu cầu đơn vị này phải tưới nước để đảm bảo môi trường”.

Đối với việc một hộ dân tự ý thỏa thuận bán đất cho doanh nghiệp cạnh khu núi Mồ Côi. Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh, cho biết thêm: Do thiếu đất san lấp, khắc phục tình trạng sạt lở 3 đoạn sông kể trên, nên Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Bình Dương có mua thêm đất của ông Nguyễn Văn Xuân (trú ở xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ). Diện tích đất này đã được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, loại đất rừng sản xuất từ năm 2008. Việc dân tự ý thỏa thuận bán đất cho doanh nghiệp khi chưa có thủ tục gì chắc chắn là sai rồi. Nhưng giờ xã mà đứng ra xử lý, thì doanh nghiệp lấy đất đâu mà khắc phục công trình bị sạt lở (!).

Khu vực núi Mồ Côi tan hoang sau thời gian bị tận thu trái phép.
Khu vực núi Mồ Côi tan hoang sau thời gian bị tận thu trái phép.

Dẫu biết rằng công tác khắc phục đê sông bị sạt lở do mưa lũ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân là cần thiết, song cần thực hiện theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Vì vậy, việc khai thác đất ở núi Mồ Côi khi chưa được UBND tỉnh cấp phép của Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Bình Dương là trái quy định pháp luật. Đáng nói hơn, dù UBND xã Mỹ Chánh đã nắm bắt một hộ dân tự ý bán đất cho đơn vị thi công trong khi chưa có hồ sơ theo quy định, nhưng không xử lý là điều cần được cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm quản lý về mặt Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản đối với địa phương này, tránh tình trạng “té nước theo mưa”, gây thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên và mục đích sử dụng đất.

Hoàng Nguyên