Cuộc Đại tuyệt chủng lần thứ 6: Lỗi tại ai?
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 12/09/2017
Nghiên cứu tuyên bố, hơn 1/4 số động vật có vú cùng 13% các loài chim có thể nhận kết cục bi thảm như loài chim cu lười, vốn đã tuóệt chủng từ cuối thế kỷ 17, vì hoạt động của con người. Viễn cảnh tăm tối như trên có thể xảy ra vào năm 2200, nếu các loài sinh vật trên Trái đất tiếp tục biến mất với tốc độ như hiện nay.
Còn theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), từ năm 1970 đến nay, số lượng các loài cá, động vật có vú, chim và bò sát đã giảm trung bình khoảng 58% trên toàn cầu, tức khoảng 2% mỗi năm. Nếu xu hướng này tiếp diễn, trái đất sẽ có thể mất đến 67% số lượng động vật đặc biệt là các loài có xương sống, vào cuối thập niên này. Trong các loài động vật được đề cập, voi là quần thể đáng lo nhất khi số lượng đã giảm 20% trong 10 năm qua. Ngoài ra, cá mập và cá đuối cũng suy giảm 1/3 số lượng do đánh bắt quá mức.
Con người trực tiếp gây ra Cuộc Đại tuyệt chủng lần 6 |
Theo các nhà nghiên cứu, những Cuộc Đại tuyệt chủng trước đây có thể bị thúc đẩy bởi yếu tố tự nhiên hay vũ trụ nhưng Cuộc Đại tuyệt chủng thứ 6 này là kết quả hành động của con người. Tự nhiên vốn có các quy luật tồn tại và vận hành, để đảm bảo các hệ sinh thái là những hệ thống hoàn chỉnh. Khi một loài bị tiêu diệt, có thể sẽ kéo theo sự mất cân bằng, từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn, từ cục bộ cho đến tất cả các hệ sinh thái và cuối cùng là cả Trái đất. Các hệ sinh thái mất cân bằng, con người đương nhiên sẽ gánh chịu mọi hậu quả.
Những cuộc chiêu đãi, tiệc tùng, ăn chơi vô tiền, khoáng hậu đủ kiểu đã gián tiếp, trực tiếp hủy hoại tự nhiên, hủy diệt muôn loài. Công luận đã từng lên tiếng phản ánh gay gắt hành động tàn nhẫn của con người đối với động vật hoang dã. Sự tàn phá và nhẫn tâm của con người đã làm cạn kiệt dần nguồn động vật hoang dã trong thiên nhiên, đẩy những loài thú quý hiếm đứng bên bờ tuyệt chủng.
Cần nhìn nhận thực tế, con người là mối đe dọa lớn nhất của động vật hoang dã, nhưng cũng là niềm hy vọng duy nhất của muôn loài. Trên khắp thế giới, các cá nhân và các nhóm nhỏ cũng như các tổ chức lớn, các tập đoàn và các Chính phủ đang góp phần vào việc đảm bảo một tương lai an toàn hơn cho các loài động vật hoang dã và cho cả chúng ta.
5 Cuộc Đại tuyệt chủng từng xảy ra trên Trái đất là Cuộc Đại tuyệt chủng chấm dứt Đại cổ sinh, Cuộc Đại tuyệt chủng cuối kỷ Devon, Cuộc Đại tuyệt chủng chấm dứt kỷ Pecmi, Cuộc Đại tuyệt chủng chấm dứt kỷ Triat, cuộc đại tuyệt chủng chấm dứt kỷ Phấn trắng. |
Từ việc kiềm chế nhu cầu đối với các sản phẩm được chế ra từ động vật hoang dã, việc xây dựng và thực thi luật lệ chống lại nạn buôn bán bất hợp pháp, và tình nguyện đứng trong các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã giúp bảo vệ các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, những người anh hùng trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã đang chiến đấu với các mối đe dọa tới các động vật hoang dã theo nhiều cách thức khác nhau.
Không có hành động bảo vệ động vật hoang dã nào là quá nhỏ nhoi, mỗi hành động đều có ý nghĩa. Con người không thể phục hồi các loài đã mất, nhưng còn có nhiều loài nữa đang bên bờ vực tuyệt diệt; chúng cần sự quan tâm và hành động tức thì của mỗi con người. Đừng tiếp tay cho vấn nạn này mà hãy giải quyết nó - Hãy quan tâm và bảo vệ động vật hoang dã trên Trái đất là cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ đối mặt với Cuộc Đại tuyệt chủng lần 6.
Phương Anh