Siết chặt quản lý khai thác cát trên sông Đồng Nai

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 03/08/2017

(TN&MT) - Trong thời gian qua, tình hình khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhất là các vùng giáp ranh với các tỉnh Lâm...

 

(TN&MT) - Trong thời gian qua, tình hình khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhất là các vùng giáp ranh với các tỉnh Lâm Đồng, TP.HCM và ranh giới giáp ranh giữa các huyện vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên toàn tuyến sông Đồng Nai với thủ đoạn ngày càng tinh vi như hoạt động vào ban đêm, cảnh giới các đơn vị chức năng để né tránh hoạt động tuần tra, đánh chìm ghe bơm hút cát khi bị phát hiện để gây khó khăn cho cơ quan chức năng.

Trước những diễn biến phức tạp đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai tại Văn bản số 1729/UBND-CNN ngày 01/3/2017 về thực hiện Chỉ thị 14-CT/TU ngày 20/12/2016 của Tỉnh ủy Đồng Nai về tăng cường công tác quản lý khai thác và kinh doanh cát trên địa bàn…

Tăng cường kiểm tra, xử lý

Gần đây, tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ, giải pháp “Nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát sỏi”, UBND tỉnh Đồng nai đã có báo cáo Chính phủ về tình hình hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Thông báo số 161/TB-VPCP ngày 24/3/2017 về việc kết luận Hội nghị phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi; UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp rà soát hồ sơ của 06 mỏ cát xây dựng đã được UBND tỉnh cấp phép để kịp thời chấn chỉnh, xử lý theo quy định.

Trong đó, đối với mỏ cát trên sông Đồng Nai đoạn thuộc huyện Định Quán và huyện Tân Phú, Công ty Đồng Tân khai thác ra ngoài khu vực được phép khai thác gây sạt lở gần trạm bơm ấp 8, xã Thanh Sơn; UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản số 3746/UBND-CNN ngày 24/4/2017 về việc điều chỉnh công suất khai thác và số lượng thiết bị khai thác từ 49.000m3/năm  xuống còn 25.000m3/năm, từ 6 ghe xuống còn 02 ghe.

Ngày 26/6/2017, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản số 6116/UBND-CNN về việc tạm ngưng hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai và sông Đạ Quay của 02 mỏ cát theo tinh thần Thông báo kết luận số 145/TB-UBND ngày 05/6/2017 giữa UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND tỉnh Đồng Nai đối với Công ty CP Công trình giao thông Đồng Nai và HTX Phú Xuân.

Tính đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã ký cấp 06 giấy phép khai thác cát xây dựng, diện tích 325 ha, trữ lượng đã cấp phép theo thời hạn giấy phép 6.03 triệu m3. Trong khi đó, từ 01/01/2011 đến 31/12/2016, sản lượng khai thác cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là 1,85 triệu m3.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 13 dự án duy tu luồng hàng hải, khơi thông luồng thủy nội địa. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương 07 dự án, UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương 06 dự án. Đến nay tất các các dự án này đều đã ngưng hoạt động.

Trong 5 tháng đầu năm 2017, đối với công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa đã phát hiện và xử lý 58 trường hợp vi phạm (đá 18 trường hợp, cát 21 trường hợp, đất 19 trường hợp), số tang vật tạm giữ gồm 12 ghe bơm hút cát, 50 m3 cát, số tiền xử phạt là 934 triệu đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức hàng trăm buổi tuần tra, mật phục để bắt giữ, xử lý đối tượng khai thác cát. Kết quả, đã phát hiện, bắt giữ, xử lý tổng số 109 vụ khai thác cát trái phép; xử phạt tổng số tiền hơn 1,7 đồng; tịch thu 30 ghe bơm hút cát.

Để tăng cường phối hợp quản lý tài nguyên khoáng sản với các tỉnh giáp ranh, UBND 02 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng đã ban hành Quy chế phối hợp số 481/QCPH-ĐN-LĐ ngày 23/01/2017 về việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản vùng giáp ranh giữa hai tỉnh. Đến nay, UBND 02 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng đã có Thông báo số 145/TB-UBND ngày 05/6/2017 về việc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã ký Quy chế phối hợp số 37/QCPH-TPHCM-BRVT-ĐN-BD-TN-LA-TG-BP-LĐ về quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa các tỉnh, thành: Bình Dương, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và TP.HCM. Riêng đối với tỉnh Bình Thuận, Lãnh đạo UBND 02 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận đang tiến hành thống nhất điều chỉnh Quy chế phối hợp để phù hợp tình hình hiện nay trước khi tiến hành ký kết.

Những giải pháp và kiến nghị

Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước ngành quản lý tài nguyên khoáng sản nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác khoáng sản trái phép nói chung và khai thác cát nói riêng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và các khu vực giáp ranh, UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất các giải pháp như sau:

Tăng cường thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác cát, sỏi và nạo vét kết hợp tận thu cát, sỏi lòng sông và Thông báo số 161/TB-VPCP ngày 24/3/2017 về việc kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi.

Triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp số 481/QCPH-ĐN-LĐ ngày 23/01/2017 giữa UBND tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng về việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; kiểm tra, xữ lý vi phạm hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng.

Và Quy chế số 02/QCPH-UBNDĐN-BGTVT ngày 23/5/2017 giữa UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ Giao thông Vận tải về công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động đối với các dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải, khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách nhà nước thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai.

Tiếp tục triển khai tới các Sở ngành, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Chỉ thị 14/CT-TU về tăng cường quản lý khai thác và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai. Các Sở ngành, UBND cấp huyện có các giải pháp cụ thể trong việc xử lý kịp thời, ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép diễn biến phức tạp.

Đối với Công an tỉnh: Tăng cường tuần tra, nhất là vào ban đêm, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác, vận chuyển cát không phép; kiểm tra, xử lý các trường hợp “bảo kê” tiếp tay vi phạm theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền, tạm giữ tang vật, phương tiện báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai xử lý theo quy định; phối hợp chặt chẽ với Công an các tỉnh, thành phố giáp ranh kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác, vận chuyển và kinh doanh cát không phép tại các khu vực giáp ranh các tỉnh, thành phố.

Cùng với đó, chỉ đạo Công an cấp huyện: Phối hợp với các phòng, ban của huyện tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp khai thác, vận chuyển và kinh doanh cát không phép, xử lý nghiêm các trường hợp “bảo kê” tiếp tay vi phạm trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền và khu vực giáp ranh giữa các huyện.

Nơi nào để tình trạng khai thác cát trái phép kéo dài thì người đứng đầu Công an địa phương chịu trách nhiệm. Công an cấp huyện chỉ đạo Công an cấp xã ven sông quản lý nhân hộ khẩu các trường hợp ghe có gắn thiết bị đặc thù bơm hút cát, thường xuyên đậu đỗ ở bờ sông thuộc địa bàn quản lý.

Đối với UBND cấp huyện: Thành lập Đội kiểm tra phản ứng nhanh do Công an huyện chủ trì để tiếp nhận thông tin, tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện, thiết bị bơm hút, vận chuyển cát không phép trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật; công bố số điện thoại của Đội kiểm tra để nhân dân biết và kịp thời cung cấp thông tin, phản ảnh các trường hợp khai thác, vận chuyển cát không phép.

UBND tỉnh Đồng nai cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét điều chỉnh tuyến luồng đối với các dự án chưa triển khai để đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải, đường thủy nội địa; xem xét trường hợp nhà đầu tư không đủ năng lực không cho tiếp tục thực hiện dự án.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Công an chủ trì phối hợp với Công an các địa phương tổ chức đấu tranh, xử lý các khu vực bơm hút cát trái phép đều giáp ranh với nhiều địa phương, chẳng hạn như đoạn sông Đồng Nai ở xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai giáp ranh với phường Long Phước, quận 9, TP.HCM.

 

Rà soát nhu cầu sử dụng cát xây dựng

Qua kết quả báo cáo rà soát nhu cầu sử dụng cát xây dựng của các Sở ngành, UBND cấp huyện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai tại Văn bản số 3796/UBND-CNN ngày 25/4/2017 thì dự báo nhu cầu sử dụng cát xây dựng từ năm 2017 đến 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai khoảng 08 triệu m3, bình quân 02 triệu m3/năm. Tuy nhiên tổng sản lượng khai thác theo giấy phép đến năm 2020 là 2,4 triệu m3, khoảng 0,6 triệu m3/năm, sản lượng khai thác thực tế chỉ đạt 0,5 triệu m3/năm.

Như vậy, với số liệu này cho thấy việc cấp phép khai thác, năng lực, sản lượng khai thác chỉ đáp ứng được nhu cầu sử dụng cát thực tế rất nhỏ. Dẫn đến hiện tại trên thị trường giá cát đã tăng gấp nhiều lần so với trước đây làm ảnh hưởng rất nhiều đến dự toán ngân sách nhà nước và thiệt hại kinh tế của các công trình xây dựng của người dân có nhu cầu thực tế.

Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ giao Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu thăm dò đánh giá trữ lượng các mỏ cát có tiềm năng, để đánh giá trữ lượng và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản; giao Sở Xây dựng nghiên cứu công nghệ tạo cát công nghiệp, như từ nguồn nguyên liệu đá mi của các mỏ đá xây dựng trên địa bàn tỉnh, để đề xuất nguồn vật liệu thay thế nguồn cát trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

 

Tường Tú