Kon Tum: Sông Pô Kô kêu cứu

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 12/07/2017

(TN&MT) - Hai năm trước, sông Pô Kô kêu cứu vì nước sông Pô Kô bị ô nhiễm nặng vì chất thải của nhà máy chế biến tinh bột sắn gây nên, làm ảnh hưởng đến hàng nghìn người dân sinh sống dọc dòng sông. Còn giờ đây, một lần nữa, sông Pô Kô lại kêu cứu vì nạn “cát tặc” cày xới.
Hệ lụy của nạn khai thác cát trái phép đã gây sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào đất trồng cao su của người dân
Hệ lụy của nạn khai thác cát trái phép đã gây sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào đất trồng cao su của người dân

 

Nạn khai thác cát trái phép trên sông Pô Kô thuộc địa bàn hai thôn Nông Nội và Kà Nhảy, xã Đắk Nông (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) diễn ra liên tục, khiến nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở kinh hoàng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất canh tác nông nghiệp của bà con nông dân tại khu vực, gây bức xúc trong dư luận.

Trước đây, vùng quê này vốn dỉ rất yên bình, thế nhưng mấy năm gần đây, người dân nơi đây luôn phải sống trong môi trường ô nhiễm do khói bụi, nhiều hộ gia đình có con nhỏ đi học thì nơm nớp nỗi lo tai nạn từ hung thần xe ben, có hộ hàng năm bị sạt lở mất đi hàng trăm m2 đất đang canh tác, nguồn nước luôn trong tình trạng có màu đục ngầu,… tất cả là do nạn khai thác cát trái phép gây nên.

Hàng chục xe ben vận chuyển cát xếp hàng cờ đến lượng bơm cát lên thùng
Hàng chục xe ben vận chuyển cát xếp hàng cờ đến lượng bơm cát lên thùng

Ở đây, việc khai thác không cần cấp phép, không theo định hướng khoanh vùng quy hoạch mỏ nào cả, khai thác vô tội vạ, cứ chỗ nào có cát và tiện cho việc khai thác là “cát tặc” lại có mặt, với công suất khai thác cả ngày lẫn đêm. Mặc dù đã nhiều lần bà con có ý kiến, kiến nghị tới cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào ra tay xử lý, “cát tặc” vẫn ung dung ngang nhiên khai thác nằm gần trung tâm hành chính xã Đăk Nông.

Một người dân thôn Kà Nhảy, xã Đắk Nông bức xúc, các cơ quan chức năng đã có những biện pháp gì, mà tình trạng khai thác cát vẫn đào xới suốt ngày đêm. “Cát tặc” bây giờ không hút tập kết ở bến bãi, mà hút trực tiếp lên xe ben rồi chở đi luôn, kéo theo nước và cát rài trên đường hàng km, sau khi xe đi qua chừng vài giờ đồng, gặp phải trời nắng, cộng gió làm cho cả con đường mịt mù khói bụi.

Để tránh bị cơ quan chức năng đi kiểm tra đột xuất, chủ mỏ cho máy hút bơm trực tiếp lên thùng xe chứ không bơm lên bến bãi như trước đây
Để tránh bị cơ quan chức năng đi kiểm tra đột xuất, chủ mỏ cho máy hút bơm trực tiếp lên thùng xe chứ không bơm lên bến bãi như trước đây

Điều đáng nói, khu vực khai thác cát trái phép nằm ngay bên cạnh xã Đắk Nông, hàng ngày có hàng chục xe chở cát ra vào liên tục nhưng cũng không thấy cán bộ nào ra thăm hỏi?.

Chúng tôi đã tiếp cận với một người làm thuê khai thác cát và được biết, trách để lại vết tích nếu có đoàn đi kiểm tra nên chủ mỏ đã cho vòi hút trực tiếp lên xe chứ không hút tập kết lên bến bãi như trước kia nữa, hút lên bờ như trước, chở đi không kịp gặp đoàn kiểm tra dễ bị bắt phạt lắm. Nói vậy chứ dễ gì bị bắt, nếu bị bắt thì lúc mới làm đã bị phạt và cho dừng rồi. Bởi vì, thường nếu có đoàn nào đi kiểm tra hay đến làm gì, có người báo cho ông chủ biết và cho ngưng hút cát ngay, đồng thời di chuyển máy móc thiết bị đi cất dấu. Điểm khai thác này chưa lớn đâu, còn nhiều điểm còn lớn hơn nhiều và lượng xe vào lấy cát cũng đông hơn, ở đây bình quân có khoảng 6 cái xe ben thay phiên nhau ra vào liên tục để chở cát đến điểm bán.

Anh D, một người dân có rẫy cao su ở thôn Nông Nội (xã Đắk Nông) tâm sự, chúng tôi sống ven sông Pô Kô, gia đình tôi đang làm rẫy cao su nằm dọc theo bờ sông, thấy cảnh tượng “cát tặc” khai thát cát ầm ầm và liên tục làm cho bà con rất bức xúc. Cứ đến mùa mưa lũ hàng chục mét đất trồng cao su, mỳ hay cà phê lại bị sạt lở, đổ ập xuống dòng sông. Những người dân chúng tôi biết làm sao được, nói thì sợ bọn đầu nậu “cát tặc” gây thù oán, rất bất an.

Hệ thống máy hút cát nhỏ tại điểm khai thác cát trái phép
Hệ thống máy hút cát nhỏ tại điểm khai thác cát trái phép

Không những thế, hàng ngày những xe chở cát quá khổ đua nhau tranh chuyến, làm hư hỏng nhiều tuyến đường trong thôn, xã mà không thấy ngành chức năng hay chính quyền sở tại lên tiếng.

Trả lời về câu hỏi tại sao xe quá khổ vận chuyển cát “có ngọn” đua nhau chạy trên đường như vậy mà không có cơ quan chức năng nào xử lý? Một tài xế xe ben trong hội cho hay, hôm nào có đợt ra quân thì chúng tôi phải án binh bất động, chạy trên đường qua địa phận nào thì chúng tôi đều phải làm luật cả, nếu không một hai xe cũng khó sống chứ đừng nói chi cả đoàn như thế. Làm luật rồi nhưng thỉnh thoảng vẫn bị bắt, họ bảo phải làm như vậy cho hợp lệ, không có biên bản nào thì khó ăn nói. Xe nào không may bị thổi thì phải chịu, nhìn đông vậy chứ xe gởi cả đó, ông chủ chỉ có vài ba xe thôi.

Tại sao điểm khai thác cát trái phép nằm ngay bên cạnh xã Đắk Nông, hàng ngày có hàng chục xe chở cát ra vào liên tục nhưng cũng không thấy cán bộ nào ra thăm hỏi?
Tại sao điểm khai thác cát trái phép nằm ngay bên cạnh xã Đắk Nông, hàng ngày có hàng chục xe chở cát ra vào liên tục nhưng cũng không thấy cán bộ nào ra thăm hỏi?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Xuân- Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ngọc Hồi cho biết thêm, tình trạng khai thác cát trái phép đang diễn ra trên địa bàn xã Đắk Nông như báo chí đề cập là có cơ sở. Hiện tại chúng tôi cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm tra, xử lý nạn khai thác cát trái phép đó. Giải pháp của huyện là xin chủ trương UBND tỉnh cho quy hoạch, đấu giá các điểm khai thác cát, nhưng chi phí một điểm khai thác lớn nên không có đơn vị nào chịu đấu thầu.

Nói là vậy, nhưng sau thời gian dài, chúng tôi ghé lại những điểm khai thác trái phép trên, vẫn thấy máy móc và phương tiện của “cát tặc” hoạt động như không có chuyện gì xảy ra?. Rất mong cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sớm có biện pháp ngăn chặn kịp thời để hạn chế sạt lở vùng bờ, giảm ô nhiễm nguồn nước, tránh thất thoát tài nguyên khoáng sản quốc gia.

Bài & ảnh: Võ Hà - Tuấn Anh