Bình Dương: Tăng cường quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 01/06/2017

(TN&MT) - UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Văn bản số 2088/UBND-KTN về việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông.

 

(TN&MT) - UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Văn bản số 2088/UBND-KTN về việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo đó, qua xem xét Báo cáo số 1663/BC-STNMT ngày 4/5/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông trong thời gian qua và tham mưu UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục chỉ đạo công tác quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông trong thời gian tới; UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau:

Các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố: Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản; Thông báo số 161/TB-VPCP ngày 20/3/2017 về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị về phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi; Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 18/10/2012 của Tỉnh ủy Bình Dương, Quyết định số 1394/QĐ-UBND ngày 11/6/2013 của UBND tỉnh Bình Dương…

Duy trì, cũng cố các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh và cấp huyện, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc khai thác cát, bến bãi tập kết kinh doanh mua bán cát; nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông không phép. Kịp thời tổ chức kiểm tra, làm rõ những thông tin báo chí nêu, trường hợp có sai phạm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thực hiện nghiêm quy chế phối hợp số 1125/QCPH-BD-ĐN ngày 2/5/2012 về hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển sạn, cát, sỏi trên sông Đồng Nai đoạn giáp ranh giữa Đồng Nai và Bình Dương và Quy chế phối hợp số 1416/QCPH-TN-BD ngày 25/5/2012 về kiểm tra hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tập kết cát trên sông Sài Gòn và lòng hồ Dầu Tiếng đoạn giáp ranh giữa Tây Ninh và Bình Dương; triển khai có hiệu quả Quy chế phối hợp số 37/QCPH-TPHCM-BRVT-ĐN-BD-TN-LA-TG-BP ngày 6/1/2017 của UBND các tỉnh, thành phố trong lưu vực sông Đồng Nai.

Thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Văn bản số 4648/VPCP-CN ngày 8/5/2017 của Văn phòng Chính phủ, tạm dừng cấp mới các dự án xã hội hóa nạo vét luồng đường thủy nội địa, kết hợp với tận thu sản phẩm và tạm dừng thực hiện đối với các dự án xã hội hóa nạo vét đã phê duyệt, cấp phép nhưng chưa thi công.

Triển khai thực hiện Văn bản số 3845/BNN-TCTL ngày 10/5/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc tăng cường công tác quản lý các hoạt động trong phạm vi bảo vệ hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa; tạm dừng hoạt động khai thác cát, tổ chức kiểm tra, phát hiện và chấn chỉnh vi phạm pháp luật về khai thác cát xây dựng trong lòng hồ Dầu Tiếng.

Sở Tài nguyên và Môi trường: Triển khai việc thực hiện quản lý, cấp phép khai thác cát xây dựng chặt chẽ theo Quy hoạch khoáng sản; Quy hoạch vùng cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản đã được duyệt và các quy hoạch khác có liên quan. Xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt để thống nhất thực hiện.

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác cát, sỏi của các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định sau cấp phép; trường hợp các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác cát, sỏi thực hiện không đúng theo Giấy phép khai thác, tham mưu UBND tỉnh Bình Dương đình chỉ và thu hồi Giấy phép khai thác theo quy định.

Tham mưu UBND tỉnh Bình Dương thành lập Đội liên ngành kiểm tra đột xuất về lĩnh vực tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh để phát hiện xử lý các vi phạm. Thiết lập và công khai rộng rãi đường dây nóng tiếp nhận những phản ánh về vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết cát, sỏi lòng sông để chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương nhằm xử lý, giải quyết kịp thời các hành vi vi phạm…

Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Cảnh sát giao thông đường thủy nằm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác trái phép thác cát, sỏi trên sông; kết hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý các phương tiện và chủ phương tiện khai thác, vận chuyển và kinh doanh cát, sỏi vi phạm các quy định của pháp luật. Đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần, cố tình vi phạm, vi phạm có hệ thống, đã áp dụng xử phạt hành chính ở mức độ tối đa của khung phạt thì đề xuất xử lý hình sự theo quy định.

Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố; xã, phường, thi trấn tăng cường lực lượng tuần tra, nhất là vào ban đêm để phát hiện ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác cát không phép trên các sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Thị Tính, sông Bé, lòng hồ Dầu Tiếng. Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các xe, ghe, thuyền vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp và vượt quá khổ, quá tải trọng, hết thời hạn sử dụng phương tiện…

Sở Giao thông Vận tải: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, địa phương kiểm tra, kiểm soát xây dựng các bến bãi dọc các tuyến sông, rạch, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những bến bãi hoạt động không phép, thu hồi giấy phép hoạt động đối với những bến bãi hoạt động không đúng quy định…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ động tổ chức kiểm tra, giám sát các dự án nạo vét, duy tu các công trình thủy lợi, sông, suối. Đơn vị nào không thực hiện nạo vét, duy tu công trình như thiết kế mà chỉ chú trọng việc tận thu cát thì cương quyết đình chỉ hoạt động, trình UBND tỉnh Bình Dương thu hồi dự án.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chủ trì trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh Bình Dương nếu để xảy ra sai phạm. Tăng cường việc tổ chức kiểm tra các hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trái phép. Nơi nào để tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép và các bãi tập kết cát, sỏi không phù hợp với quy hoạch kéo dài thì người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ khoáng sản; phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng, cộng đồng dân cư trong việc tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, kinh doanh cát sỏi trái phép, đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng trong công tác kiểm tra, ngăn chặn và xử lý vi phạm. Chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tổ chức giám sát, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi khai thác cát, sỏi trái phép trong địa bàn quản lý.

Tường Tú