Hải Phòng: Hội nghị phòng, chống vi phạm pháp luật trong khai thác cát

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 01/06/2017

(TN&MT) - Ngày 1/6/2017, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức hội nghị về phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản cát trên địa bàn thành...

 

(TN&MT) - Ngày 1/6/2017, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức hội nghị về phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản cát trên địa bàn thành phố, do Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Sơn chủ trì. Tham dự hội nghị gồm lãnh đạo các Sở, ngành liên quan và các giám đốc doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản cát trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng phát biểu tại hội nghị.
Ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết: Hiện nay, hoạt động khai thác khoáng sản cát trái phép, không phép trên các tuyến sông diễn biến hết sức phức tạp nhất là các tuyến sông giáp giữa các tỉnh, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng dòng chảy, hành lang thoát lũ, gây mấy an toàn các tuyến đê sông, đê biển, an toàn đường thủy. Các phương tiện vào hút cát, khai thác cát rất hiện đại, thủ đoạn rất tinh vi như tầu đỗ một vị trí khác nhưng lại hút cát ở chỗ khác.  Vừa qua ở huyện Kiến Thụy xảy ra tranh chấp giữa các hộ nuôi với hoạt động khai thác cát diễn ra phức tạp, mất an ninh trật tự, tuy nhiên lực lượng công an, bộ đội biên phòng có mặt kịp thời nếu không sẽ rất phức tạp... Vùng nuôi ngao ven biển huyện Kiến Thụy nằm trong quy hoạch nuôi trồng hải sản của thành phố Hải Phòng đến năm 2020, quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016- 2025 định hướng đến 2030, diện tích nuôi thủy sản nước lợ, mặn của huyện là 1.100 ha. Tuy nhiên, hiện nay do chưa phân định được ranh giới, địa giới hành chính trên biển, chưa cập nhật quy hoạch sử dụng đất đối với diện tích trên (đất có mặt nước ven biển) do đó chưa có cơ sở pháp lý để cho thuê đất với diện tích nuôi ngao. Các hộ nuôi ngao là hoàn toàn tự phát. Mặt khác một số khu vực thành phố cấp phép khai thác cát chồng lấn với các khu vực nuôi ngao, nguy cơ xảy ra tranh chấp giữa người nuôi ngao với các tổ chức được thành phố cấp phép khi các tổ chức này tiến hành hoạt động khai thác cát, dẫn đến mâu thuẫn, gây mất an ninh trật tự.

Đối với Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 30/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, về thẩm quyền xử phạt hành chính rất rộng, từ các thanh tra chuyên ngành của ngành tài nguyên và môi trường và các thanh tra chuyên nghành khác của Bộ Công Thương, thẩm quyền của UBND tỉnh, các cấp xã, cấp huyện…đều có thể xử phạt được...

Các đại biểu tham dự Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Phương - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Phòng cho biết: Khoáng sản cát lòng sông, ven biển trên địa bàn thành phố Hải phòng ước tính khoáng 142.110.000,0m3, phân bố chủ yếu tại các khu vực lòng sông Cấm, sông Văn Úc, sông Lạch Tray và các khu vực cửa sông, ven biển như phía Nam Đình Vũ, cửa Lạch Huyện, ven biển Đồ Sơn, cửa sông Văn Úc.

UBND thành phố Hải phòng đã cấp 23 giấy phép khai thác khoáng sản cát làm vật liệu san lấp cho 19 doanh nghiệp gồm: Khu vực cửa Lạch Huyện (huyện Cát Hải) đã cấp 7 giấy phép khai thác khoáng sản với diện tích 695,1 ha; trữ lượng 28,89 triệu m3; hiện có 3 doanh nghiệp đã hoạt động khai thác khoáng sản cát.

Khu vực phía Nam Đình Vũ (quận Hải An) đã cấp 7 giấy phép khai thác khoáng sản với diện tích 627,3 ha; trữ lượng 25,83 triệu m3; hiện có 3 doanh nghiệp đã và đang hoạt động khai thác khoáng sảncát.

Khu vực cửa sông Văn Úc (huyện Kiến Thụy) đã cấp 5 giấy phép khai thác khoáng sản với diện tích 479,9 ha; trữ lượng 21,50 triệu m3; hiện có 1 doanh nghiệp đã và đang hoạt động khai thác khoáng sản cát.

Khu vực ven biển quận Đồ Sơn; đã cấp 3 giấy phép khai thác khoáng sản diện tích 154,3 ha; trữ lượng 6,43 triệu m3; hiện có 1 doanh nghiệp đã và đang hoạt động khai thác khoáng sản cát.

Khu vực bãi Soi Mờ, huyện An Lão; cấp một giấy phép khai thác khoáng sản.

Về kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Phòng đề xuất với UBND thành phố Hải Phòng xét xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với 9 doanh nghiệp và đề xuất thu hồi 4 Giấy phép khai thác khoáng sản cát đã cấp cho 4 doanh nghiệp; UBND đã ban hành quyết định số 2907/QĐ- UBND ngày 23/11/2016 thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản của công ty Cổ phần TM Xuất nhập khẩu vật tư giao thông tại khu vực Đèn Nơm, phía Nam Đình Vũ, quận Hải An.

 Theo chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký kết Quy chế phối hợp về kiểm tra, xử lý hành vi  vi phạm trong hoạt động khai thác cát trên các tuyến sông giáp ranh các tỉnh, thành phố; Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Quảng Ninh.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức như; mở các lớp tập huấn về Luật Khoáng sản, luật bảo vệ môi trường, Luật đất đai, Luật Tài nguyên nước...

Đại biểu phát biểu tại Hội nghị
Đại biểu phát biểu tại Hội nghị

Về những khó khăn tồn tại, ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Phòng cho biết một số doanh nghiệp sau khi được cấp phép khai thác khoáng sản cát, trong 12 tháng doanh nghiệp chưa triển khai thực hiện ký hợp động thuê mặt nước, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thả phao tiêu xác định ranh giới khu vực được cấp phép khai thác, lập thiết kế mỏ, bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ…

Bên cạnh đó, hoạt động khai thác khoáng sản không phép của một số tổ chức, cá nhân tuy có giảm nhưng vẫn còn như khai thác cát không phép trên các sông Văn Úc, Lạch Tray , sông Cấm.Một số doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản cát chưa tuân thủ đúng thiết kế thi công khai thác đã xác định trong thiết kế cơ sở, thiết kế mỏ được phê duyệt; còn có khu vực, doanh nghiệp khai thác ngoài ranh giới, vượt công xuấ, trữ lượng được phép khai thác....

Từ đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND thành phố Hải Phòng kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan sớm ban hành Quyết định phê duyệt các dự án thăm dò, khai thác khoáng sản thực hiện bằng vốn ngân sách nhà nước (khoản 2 Điều 5 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP); kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về quản lý cát, sỏi lòng sông (khoản 3 Điều 26) quy trình, phương pháp biểu mẫu thống kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế (khoản 4 Điều 42); quy định về phương pháp xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả, phương thức hoàn trả; quy chế độ thu, quản lý, sử dụng chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản do nhà nước đầu tư ( khoản 4 Điều 3 Nghị định số 158/2016NĐ-CP).

Hà Thuý