Tích tụ ruộng đất: Đảm bảo lợi ích 3 bên

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 01/06/2017

(TN&MT) - Nhằm tạo điều kiện tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, bảo đảm sử dụng hiệu quả tài nguyên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa chỉ đạo việc thực hiện tích tụ, tập trung đất đai phải trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của người nông dân.

Nhiều trở ngại

Theo Bộ TN&MT, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã xây dựng nhiều chính sách, pháp luật khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện cho người sử dụng đất tập trung, tích tụ đất đai theo quy mô lớn và yên tâm hơn trong việc đầu tư vào đất đai, bước đầu thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp...

Đã có nhiều mô hình và phương thức thực hiện có hiệu quả, đóng góp tích cực cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Cụ thể như một số mô hình liên kết sản xuất kinh doanh đã tạo thành công với các cánh đồng mẫu lớn ở An Giang, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp kinh tế hộ cũng phát triển mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội...

Tuy vậy, quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra còn chậm. Đất đai manh mún đang là yếu tố làm chậm tiến trình chuyển dịch nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, giảm hiệu quả sử dụng đất, năng suất lao động mà theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng ADB cho thấy, sản lượng nông nghiệp bình quân trên mỗi lao động ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Indonesia và chưa bằng 1/2 so với Thái Lan và Philippines.

Tạo điều kiện cho người sử dụng đất tập trung, tích tụ đất đai theo quy mô lớn. Ảnh: MH
Tạo điều kiện cho người sử dụng đất tập trung, tích tụ đất đai theo quy mô lớn. Ảnh: MH

Điều này đặt ra yêu cầu phải có những đổi mới về thể chế, chính sách để thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn với hình thức đa dạng, phù hợp với quy hoạch và điều kiện của từng vùng, địa phương, đặc điểm của từng sản phẩm và nhu cầu thị trường.

Tại Hội thảo "Chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn” khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, việc tích tụ tập trung ruộng đất hiện nay gặp nhiều khó khăn bởi đất đai vẫn được coi là tài sản quan trọng, cơ chế chính sách phối hợp khi chuyển đất cho doanh nghiệp thực hiện chưa rõ ràng nên người dân rất e ngại bán đất nông nghiệp, hay nói cách khác là cho doanh nghiệp thỏa thuận đầu tư trên đất của mình.

Đảm bảo hài hòa lợi ích các bên

Để tạo điều kiện để tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, bảo đảm sử dụng hiệu quả tài nguyên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa chỉ đạo việc thực hiện tích tụ, tập trung đất đai phải trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của người nông dân. Đồng thời, phải đi đôi với phát triển công nghiệp, dịch vụ nói chung, phát triển ngành nghề ở nông thôn nói riêng, tạo công ăn, việc làm để từng bước giảm lao động trong nông nghiệp, đồng thời đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và cơ giới hóa nhằm tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tích tụ, tập trung đất đai phải dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải gắn với việc cơ cấu các ngành kinh tế nói chung, tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói riêng; gắn với nhu cầu của thị trường và năng lực sản xuất. Đặc biệt, phải phù hợp với đặc điểm về đất đai, địa hình, khí hậu, văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng, từng khu vực, từng địa phương.

Trên cơ sở các mục tiêu và quan điểm đề ra, Phó Thủ tướng đề nghị, thời gian tới, các Bộ, ngành, cơ quan và địa phương cần tiếp tục nghiên cứu và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương tiếp tục khảo sát, tổng hợp, đánh giá chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai để xác định rõ các quy định hiện không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn về tích tụ, tập trung đất đai để báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương cùng với quá trình sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI; trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 cho phù hợp.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất quy trình thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững; vấn đề đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong các dự án nông nghiệp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện thế chấp tài sản hợp pháp gắn liền với đất để huy động vốn đầu tư.Trên cơ sở các mục tiêu và quan điểm đề ra, Phó Thủ tướng đề nghị, thời gian tới, các Bộ, ngành, cơ quan và địa phương cần tiếp tục nghiên cứu và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương tiếp tục khảo sát, tổng hợp, đánh giá chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai để xác định rõ các quy định hiện không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn về tích tụ, tập trung đất đai để báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương cùng với quá trình sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI; trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 cho phù hợp.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố tổ chức công bố công khai quỹ đất nông nghiệp, nhu cầu chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất. Trên cơ sở đó hình thành quỹ đất nhằm chủ động kêu gọi đầu tư, cùng với doanh nghiệp tổ chức xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp; phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật về đất đai, đặc biệt là quy định về các quyền, nghĩa vụ cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức lại các mô hình sản xuất nông nghiệp (kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp...) cho phù hợp với trình độ của nền kinh tế và tình hình thực tế của địa phương; trong đó cần chú ý vai trò chủ lực của doanh nghiệp để tạo ra những đột phá trong phát triển nông nghiệp…

Tuyết Nhi