Dự án thủy điện Pắc-Beng của Lào: Uy hiếp môi trường xuyên biên giới

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 01/06/2017

(TN&MT) - Qua rà soát Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và các tài liệu đi kèm của Dự án thủy điện Pắc-Beng trên dòng chính sông Mê Kông, Tổ chức Sông ngòi Quốc tế vừa đưa ra kết luận: Các tài liệu này thiếu căn cứ thuyết phục về tính khả thi của các giải pháp giảm nhẹ tác động môi trường và xã hội tiềm tàng, đặc biệt, sơ suất trong đánh giá tác động xuyên biên giới và tác động tích lũy của dự án.

Thiếu căn cứ nghiêm trọng

Trước đó, Tổ chức Sông ngòi Quốc tế đã ủy thác 4 chuyên gia đánh giá độc lập rà soát ĐTM của dự án thủy điện Pak Beng và các tài liệu đi kèm, gồm: Đánh giá tác động môi trường và xã hội xuyên biên giới; Đánh giá tác động tích lũy; Đánh giá tác động xã hội; Kế hoạch hành động tái định cư; Báo cáo thiết kế đường di cư cho cá. Đây là những tài liệu do nhà phát triển đập là Công ty Năng lượng Datang thực hiện.

Theo các chuyên gia, dữ liệu trong báo cáo về thủy sản, thủy văn và trầm tích… chủ yếu được trích dẫn từ các nghiên cứu năm 2011 và các năm trước đó, ít xem xét đến thông tin gần đây và những thay đổi của sông Mê Kông, bao gồm cả việc xây dựng 2 đập Xayaburi và Don Sahong.

Báo cáo có những thiếu sót lớn về thông tin xác định các nguồn cá đang đối mặt với rủi ro, phục vụ đánh giá tác động dự kiến của đập Pắc-Beng với cá sông Mê Kông trong khu vực dự án, cũng như thượng lưu và hạ lưu con đập. Vì vậy, không thể kiểm chứng và đánh giá hiệu quả các biện pháp đề xuất để giảm thiểu tác động đối với luồng di cư cá. Các kế hoạch giảm nhẹ tác động, bồi thường đối với các cộng đồng buộc phải tái định cư và người dân ở thượng, hạ nguồn dự án đều dựa trên giả định chưa được chứng minh và phi thực tế, phụ thuộc nhiều vào các mô hình được sử dụng cho các dự án thủy điện quy mô lớn khác ở Lào, mà phần lớn đều thất bại trong việc thực hiện các cam kết phục hồi sinh kế hoặc giảm thiểu thiệt hại môi trường.

Dự án thủy điện Pắc-Beng trên dòng chính sông Mê Kông. Ảnh: MH
Dự án thủy điện Pắc-Beng trên dòng chính sông Mê Kông. Ảnh: MH

Đối với các tác động xuyên biên giới, báo cáo chưa đánh giá đầy đủ về ảnh hưởng đến các cộng đồng ở Thái Lan do ảnh hưởng của biến động thủy văn đối với dòng sông và cản trở đường di cư của cá; không tham vấn các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi dự án; không có các nghiên cứu về những tác động xuyên biên giới tiềm ẩn tới Campuchia và Việt Nam.

Báo cáo rà soát kết luận, các tài liệu dự án đập Pắc-Beng gửi tới Ủy ban sông Mê Kông (MRC) không đủ để đưa ra những đánh giá có ý nghĩa về các tác động môi trường và xã hội của dự án. Việc không đầy đủ dữ liệu nền đồng nghĩa rằng các biện pháp hạn chế thiệt hại do mất đường di cư của cá và giải quyết các tác động xã hội mà dự án đề xuất là không đáng tin cậy.

Thực tế, những đánh giá trên không nằm ngoài dự đoán của phía Việt Nam. Tại 2 buổi tham vấn Dự án thủy điện Pắc-Beng do Bộ TN&MT tổ chức hồi đầu tháng 5, đại diện nhiều Bộ, ngành, địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các chuyên gia, nhà khoa học đề nghị phải xem xét tác động của các dự án thủy điện dòng chính sông Mê Kông, trong bối cảnh Trung Quốc phát triển mạnh mẽ thủy điện trên sông Lan Thương với sức điều tiết lớn kết hợp với các hiện tượng khí hậu cực đoan sẽ gây những tác động bất lợi khôn lường về hạn hán, xâm nhập mặn đối với ĐBSCL. Đặc biệt với tình trạng thiếu số liệu của lưu vực Mê Kông và Dự án thủy điện Pắc-Beng, rất nhiều ý kiến đề nghị quá trình tham vấn cần có thêm thời gian thu thập, bổ sung số liệu, đánh giá đầy đủ các tác động lũy tích và tác động xuyên biên giới của Thủy điện Pắc - Beng; nghiên cứu kỹ lưỡng các biện pháp giảm thiểu tác động để ra các quyết định hợp lý trên cơ sở khoa học nhằm sử dụng và phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông.

Phải làm lại ĐTM

Do những thiếu sót nghiêm trọng trong các báo cáo tác động của dự án đập Pắc - Beng, Tổ chức Sông ngòi Quốc tế yêu cầu các nhà phát triển dự án cần thực hiện một Báo cáo Đánh giá tác động môi trường mới, sử dụng các dữ liệu thu thập trong 10 năm gần đây cũng như các nghiên cứu cập nhật về thủy sản, thủy văn và các tác động xuyên biên giới.

Báo cáo mới cần thu thập dữ liệu về cá tất cả các mùa ít nhất 2 năm gần đây, nghiên cứu kỹ lưỡng đặc tính của các loài cá di cư và không di cư; nghiên cứu toàn diện về các tác động xã hội tiềm tàng ở phía thượng lưu và hạ lưu khu vực dự kiến xây đập, cả trực tiếp và gián tiếp; định lượng số lượng các cộng đồng bị ảnh hưởng.

Các cơ chế giải quyết thỏa đáng tác động xã hội bao gồm cơ chế cho các cộng đồng sẽ phải di dời và những người vốn sống dựa vào sông này bị gián đoạn sinh kế do xây đập. Một cơ chế đánh giá độc lập về phân bổ đất đai cho tái định cư cần được triển khai cấp bách với sự tham gia của những người dân buộc phải tái định cư. Điều này vô cùng cần thiết để đảm bảo công ty xây dựng đập hoặc các cơ quan chức năng có trách nhiệm giải trình, trong trường hợp các cam kết bồi thường và các phúc lợi tái định cư không được hiện thực hóa, hoặc các tác động của dự án xấu hơn so với dự kiến trong thỏa thuận và văn kiện dự án. Cần tiếp tục nghiên cứu về các tác động của đập Pắc-Beng ở Thái Lan dựa trên các dữ liệu nền đầy đủ về thủy sản và sinh kế của các cộng đồng người Thái. Báo cáo cũng nên xem xét mô hình kinh tế mới để bù đắp những tổn thất về nguồn cá và các nguồn lợi thủy sản khác. Tham vấn một cách thực chất với các cộng đồng bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi đập Pắc - Beng, bao gồm cộng đồng ở các quốc gia láng giềng, phải được thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc tế trước khi quyết định triển khai dự án.

Các nghiên cứu dự án cập nhật phải được trình lên MRC để hoàn tất thủ tục tham vấn trước. Việc đưa ra quyết định, quá trình chuẩn bị và ký các thỏa thuận dự án cho đập Pắc Beng phải tạm dừng cho đến khi có đủ thông tin để đánh giá tác động của dự án một cách cẩn trọng trong bối cảnh hiện tại của lưu vực sông Mê Kông.

Khánh Ly