Thanh Hóa: "Lấy cớ" chống sạt lở để khai thác đất trái phép?

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 28/04/2017

(TN&MT) - Sau khi Báo TN&MT có bài phản ánh, thực trạng khai thác đất trái phép tại  thôn 8, xã Hà Lâm dừng được một thời gian ngắn, mới đây lại tiếp tục khai thác ồ ạt trở lại. Lợi dụng “lá bùa” xử lý khẩn cấp sạt lở đất núi do Phó chủ tịch huyện ký, công trường khai thác ùn ùn chở đất ra ngoài.

Ồ ạt khai thác đất.

Báo TN&MT điện tử số ra ngày 06/03/2017 có bài: Hà Trung (Thanh Hóa): Bát nháo tình trạng khai thác đất trái phép. Phản ánh về thực trạng: Gần 1 tuần nay lợi dụng việc cải tạo mặt bằng làm xưởng tăm tre, DNTN Hóa Quỳnh ngang nhiên mang máy xúc, xe tải vào chở đất tại thôn 8, xã Hà Lâm  đi bán. Sự việc xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, nằm ngay tỉnh lộ 13, luôn có lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra liên tục nhưng vẫn không hề bị “nhắc nhở”.

Sau khi báo ra, phòng TN&MT huyện Hà Trung đã chỉ đạo lập biên bản, yêu cầu dừng ngay việc vận chuyển đất đi bán. Thế nhưng mấy ngày gần đây thực trạng khai thác đất tại thôn 8, xã Hà Lâm lại ồ ạt trở lại.

Điểm lấy đất ở thôn 8, Hà Lâm dưới vỏ bọc chống sạt lở (trong hình cũng cho thấy không có hộ gia đình nào sinh sống tại điểm chống sạt lở như văn bản của chính quyền Hà Trung)
Điểm lấy đất ở thôn 8, Hà Lâm dưới vỏ bọc chống sạt lở (trong hình cũng cho thấy không có hộ gia đình nào sinh sống tại điểm chống sạt lở như văn bản của chính quyền Hà Trung)

Nhận được phản ánh của người dân, PV Báo TN&MT điện tử có mặt tại điểm lấy đất gần xưởng sản xuất tăm tre của hộ ông Nguyễn Văn Cường. Hàng loạt xe tải vẫn đang xếp hàng vì chưa tới lượt, 2 chiếc máy xúc đang cần mẫn cào đá sang một bên để múc đất lên xe. Ngay điểm ra vào, một phụ nữ trung niên ngồi ghi phiếu xe. Hàng nghìn khối đất đã được đất đã được lấy đi dưới “vỏ bọc” của việc chống sạt lở.

Sau khi thấy người lạ chụp ảnh, máy múc ngừng hoạt động, xe cộ tản đi nhiều hướng nhằm mục đích “lấp liếm”khi sự việc đã diễn ra.

“Lá bùa” khai thác đất trái phép?

Sau khi tiếp cận điểm lấy đất, chúng tôi tìm tới UBND xã Hà Lâm để tìm hiểu rõ sự việc. Thì được ông Trần Thanh Vững – PCT UBND xã cho biết: Anh Nguyễn Mạnh Cường, thôn 8 có xin lấy đất chống sạt lở. Phía UBND xã cũng đã làm tờ trình gửi lên UBND huyện và được đồng ý xử lý chống sạt lở.

Sau khi tiếp cận hồ sơ phía UBND xã Hà Lâm cung cấp, PV nhận thấy tờ trình gửi lên huyện, cũng như công văn đồng ý của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT – TKCN) huyện Hà Trung đều rất chung chung. Không có diện tích cụ thể xin lấy đất chống sạt lở, không tính toán  khối lượng đất lấy đi, không có vị trí đổ đất thải trong quá trình xử lý sạt lở.

Xe chở đất băng băng trên Quốc lộ 1A.
Xe chở đất băng băng trên Quốc lộ 1A.

Khi được hỏi về việc, xã có nắm được vị trí đổ đất thải không, ông Vững cho biết lấy để làm các công  trình trên địa bàn xã. Khi phóng viên cho biết có đủ cơ khẳng định các xe đang vận chuyển đất ra ngoài đi bán. Và được hỏi có phải xã mình trong công tác quản lý tài nguyên còn nhiều lỏng lẻo, để lợi dụng việc chống sạt lở khai thác đất trái phép hay không. Ông Vững ngập ngừng rồi cho biết, xã có biết nhưng không xử lý được.

Văn bản lấy đất chống sạt lở của Ban chỉ huy PCTT – TKCN Hà Trung thực chất có phải là “lá bùa” cho việc khai thác đất trái phép.
Văn bản lấy đất chống sạt lở của Ban chỉ huy PCTT – TKCN Hà Trung thực chất có phải là “lá bùa” cho việc khai thác đất trái phép.

Được biết, sau khi UBND xã Hà Lâm có tờ trình gửi lên, Ban chỉ huy PCTT - TKCN huyện Hà Trung đã có công văn số 03/BCH –PCTT-TKCN ngày 31/03/2017 do đồng chí Lê Tiến Dũng – Phó chủ tịch UBND huyện Hà Trung đồng thời là Phó ban ký, về việc: Sau khi nhận được tờ trình của UBND xã Hà Lâm xin lấy đất phòng chống sạt lở ở thôn 8, qua kiểm tra thực địa. Xét tính chất mức độ nguy hiểm (phá hỏng một số công trình xây dựng, nhà xưởng, nhà ở của nhân dân sống ven rừng) đe dọa trực tiếp tới tính mạng và tài sản của nhân dân. Ban chỉ huy PCTT – TKCN huyện Hà Trung yêu cầu:

Giao UBND xã, Ban chỉ huy PCTT – TKCN xã Hà Lâm khẩn trương huy động động lực lượng và phương tiện xử lý khẩn cấp các điểm sạt lở trước thời kỳ  cao điểm mùa mưa bão, đảm bảo an toàn cho các hộ dân sống ven rừng xung quanh khu vực xảy ra sạt lở. Đồng thời giao UBND xã Hà Lâm xác định vị trí đổ đất thải, kiểm tra và kiểm soát quá trình xử lý sạt lở đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường.

Thế nhưng, qua quá trình thực địa PV nhận thấy khu vực đang lấy đất không có hộ gia đình nào sinh sống, chỉ là một phần núi đã bị lấy nham nhở, sâu từ mặt đường vào cả gần trăm mét. Khối lượng đất lấy đi cả nghìn mét khối. Cũng không có việc nguy hiểm tới tài sản, tính mạng của các hộ dân sống gần khu vực sạt lở như văn bản của đồng chí PCT huyện đã ký.

Liên lạc với ông Lê Tiến Dũng, PCT UBND huyện Hà Trung (người ký văn bản), ông Dũng cáo bận và giới thiệu chúng tôi làm việc với đồng chí Trưởng phòng Nông nghiệp thế nhưng PV cũng nhận được câu trả lời là “bận”.

Câu hỏi nhiều người dân xã Hà Lâm đặt ra: Phải chăng UBND huyện Hà Trung lấy cớ chống sạt lở khẩn cấp để hợp thức hóa, “tiếp tay “cho việc khai thác đất trái phép?. Rất mong các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần sớm điều tra làm rõ vấn đề này, xử lý nghiêm minh những cá nhân, tập thể cố tình vi phạm pháp luật./.

                                                                   Bài và ảnh: Thanh Tâm