Cần có cơ chế chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 02/05/2017

(TN&MT) - Theo Bộ NN&PTNT, thực hiện các chủ trương của Đảng Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ về khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thông qua việc mở rộng quy mô sản xuất phù hợp, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và hình thành các vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường… Để làm được điều đó cần có cơ chế chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai

Tích tụ đất đai - hình thành các vùng chuyên canh gắn với thị trường

Hiệu quả của việc tích tụ tập trung đất đai trong nông nghiệp đã thấy rõ. Chúng ta có thể kể đến: Trong trồng trọt, sản xuất đã chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền. Đẩy mạnh áp dụng KHCN để tăng hiệu quả sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu  .

Với ngành chăn nuôi, đã từng bước chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để tăng hiệu quả sản xuất. Chăn nuôi công nghiệp từng bước được phát triển.

Theo Bộ NN&PTNT, khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp cần có cơ chế chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai. Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Theo Bộ NN&PTNT, khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp cần có cơ chế chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Trong thủy sản, đã giảm dần khai thác tăng nuôi trồng bền vững. Trong hoạt động khai thác đã giảm khai thác ven bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ, tập trung khai thác các sản phẩm chủ lực (cá ngừ, mực, bạch tuộc…) và nâng cao hiệu quả khai thác. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đa dạng hóa đối tượng nuôi và phương thức nuôi với cơ cấu diện tích và sản lượng phù hợp với từng vùng kinh tế, sinh thái trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của từng sản phẩm  .

Ở lĩnh vực lâm nghiệp, đã thay thế dần diện tích đất trống, đồi núi trọc   và cải tạo diện tích rừng nghèo kiệt, kém hiệu quả bằng rừng trồng có năng suất cao; tăng tỷ lệ rừng kinh tế trong tổng diện tích rừng; bước đầu chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ nhỏ (dăm gỗ) xuất khẩu sang khai thác gỗ lớn, từng bước chủ động được nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu...

Vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế

Vẫn theo Bộ NN&PTNT, việc thực hiện các chủ trương, định hướng trên đang gặp một số trở ngại do: Ruộng đất được phân chia cho hộ gia đình nên phân tán, manh mún đang cản trở việc ứng dụng cơ giới hóa, khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp;

Quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất diễn ra rất chậm   làm ảnh hưởng đến chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; Nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có khả năng và muốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn gặp rất nhiều khó khăn…

Những cản trở đó đang đòi hỏi phải có những đổi mới về thể chế, chính sách để thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn với hình thức đa dạng, phù hợp với quy hoạch và điều kiện của từng vùng, địa phương, đặc điểm của từng sản phẩm và nhu cầu thị trường...

Cần tháo gỡ từ chính sách quản lý đất đai

Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nêu trên, Bộ NN&PTNT đề xuất cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới chính sách để tạo thuận lợi và thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn và thực hiện Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Bộ NN&PTNT cho rằng: Cần sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về đất đai để phù hợp với yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ cấu lại nền nông nghiệp. Cụ thể: Đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, các văn bản dưới luật theo hướng khắc phục những hạn chế, vướng mắc hiện nay, để hỗ trợ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để sử dụng đất hiệu quả hơn;  

Nâng cao chất lượng, bảo vệ đất canh tác nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội và phát triển bền vững; Phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.

Tiếp tục thực hiện giao đất, cho thuê đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân có thời hạn nhưng có thể kéo dài hơn để khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng và yên tâm đầu tư sản xuất.

Đồng thời mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, từng giai đoạn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất, từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp; bổ sung chính sách để hình thành thị trường giao dịch quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Sửa đổi, bổ sung các quy định đảm bảo công khai, minh bạch hơn trong việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất…

Bên cạnh đó cần sửa đổi bổ sung những điều khoản cụ thể của Luật Đất đai và văn bản dưới luật có liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể Đề nghị xem xét nới lỏng quy định về đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, cho phép các tổ chức, cá nhân có đủ tiềm lực về vốn, công nghệ được nhận quyền chuyển nhượng đất nông nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Bỏ hoặc nới lỏng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp (không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất   hay không quá 30 ha đối với khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu long, 20 ha đối với các tỉnh còn lại) như hiện nay...

Bỏ quy định giới hạn việc chỉ được phép chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng xã phường thị trấn  . Xây dựng cơ chế tính giá trị của các thửa đất để tạo thuận lợi và xây dựng căn cứ cho các hộ đổi đất với nhau.

Xây dựng cơ chế đối với đất thuê từ 5 năm trở lên thì cá nhân, tổ chức đi thuê đất được thế chấp bằng giá trị thuê để vay vốn sản xuất nông nghiệp. Xây dựng khung pháp lý để bảo lãnh tín dụng dựa trên tài sản trên đất…

Cần có cơ chế chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai

Về tổ chức chỉ đạo thực hiện, Bộ NN&PTNT cho rằng, trước hết cần trình Quốc hội sửa đổi Luật đất đai theo hướng: Giao đất nông nghiệp lâu dài để tạo điều kiện thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, bao gồm: Nghiên cứu ban hành Nghị định về cơ chế, chính sách tích tụ đất nông nghiệp để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; Hình thành thị trường giao dịch quyền sử dụng đất nông nghiệp; tổ chức hỗ trợ pháp lý cho người dân góp vốn bằng đất cho doanh nghiệp...

Trước đó, tại Hội nghị mới đấy nhất bàn về công tác tích tụ đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu trong thời gian tới các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến đất đai, tập trung vào các vấn đề như giao đất lâu dài, kéo dài thời hạn thuê đất, mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp… trong đó nhiệm vụ cần thiết nhất đó là, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đất đai như các chính sách liên quan đến giao đất nông nghiệp lâu dài, kéo dài thời hạn thuê đất, mở rộng hạn mức nhượng chuyển quyền sử dụng đất...

“Phải xây dựng cơ chế, thể chế, chính sác nhằm đảm bảo hài hòa quyền bình đẳng giữa doanh nghiệp và người dân trong tích tụ ruộng đất và sản xuất nông nghiệp. Doanh nghiệp sai thì xử lý doanh nghiệp, người dân sai thì xử lý người dân chứ không phải nương nhẹ cho doanh nghiệp hay cho người dân… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn đang quan tâm đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo ra sự thay đổi quan trọng, tuy nhiên vai trò của những doanh nghiệp nhỏ hơn cũng là rất quan trọng”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Hải Ngọc - Châu Tuấn