Phản ánh vi phạm đất đai: Tiếp nhận nhiều xử lý ít

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 23/03/2017

(TN&MT) - Theo Quyết định của Bộ TN&MT về thành lập đường dây nóng tiếp nhận và xử lý phản ánh vi phạm pháp luật đất đai từ giữa năm 2016, đến nay, Tổng cục Quản lý đất đai và hầu hết các địa phương đã triển khai và cơ bản hoàn thành. Tuy vậy, kết quả xử lý ở cấp địa phương còn chậm. 

Chậm xử lý

Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, theo kết quả tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng, tính đến cuối tháng 2/2017, cả nước còn 6 tỉnh chưa có báo cáo về việc thành lập đường dây nóng là Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Hậu Giang. Các tỉnh đã lập đường dây nóng đều chưa có báo cáo kết quả tiếp nhận, giải quyết các thông tin phản ánh ở địa phương gửi về Tổng cục Quản lý đất đai theo Kế hoạch 07/KH-BTNMT.

Hiệu quả tiếp nhận, xử lý thông tin ở một số địa phương còn thấp
Hiệu quả tiếp nhận, xử lý thông tin ở một số địa phương còn thấp

Trong 2 năm 2015 - 2016, Tổng cục đã tiếp nhận 2.556 trường hợp phản ánh qua đường dây nóng, đơn thư, email và qua báo chí… Trong đó, có 682 trường hợp phản ánh rõ nội dung sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, có địa chỉ cụ thể, đã được Tổng cục đã chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền của địa phương giải quyết theo quy định tại khoản 5, Điều 199 của Luật Đất đai và báo cáo kết quả về Tổng cục… Thế nhưng đến nay, mới có 259/682 trường hợp có báo cáo phản hồi (chiếm 37,98 %); trong đó, có 110 trường hợp đã giải quyết xong; 149 trường hợp còn đang giải quyết; còn 423 trường hợp chưa có báo cáo kết quả giải quyết.

Tổng cục đã kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc giải quyết tại 15 tỉnh, thành phố đối với 87 trường hợp phản ánh cho thấy, tỷ lệ đã và đang được các cơ quan thẩm quyền xem xét giải quyết là khá cao (có 76/87 trường hợp, chiếm 87%); nhưng tiến độ giải quyết còn chậm (chỉ có 18 trường hợp giải quyết xong (đạt 23,7%); còn 20/76 trường hợp giải quyết chưa phù hợp quy định, chiếm 26,3%, như: chuyển nhượng nhưng bị mất GCN làm thủ tục cấp lại GCN cho bên đã chuyển nhượng; đã nộp đơn xin chuyển mục đích nhưng vẫn yêu cầu đăng ký nhu cầu chuyển mục đích để đưa vào kế hoạch rồi mới giải quyết; cấp GCN lần đầu thửa đất có nguồn gốc nhận chuyển quyền xác định diện tích đất ở theo hạn mức của thửa đất gốc trước chuyển quyền; cấp GCN cấp không đúng đối tượng nhận thừa kế lại hướng dẫn ra Tòa để quyết định thu hồi GCN.

Kết quả kiểm tra của Tổng cục tại một số địa phương cho thấy, hiệu quả tiếp nhận, xử lý thông tin ở một số địa phương còn thấp. Cụ thể, số lượng thông tin tiếp nhận ít; việc giải quyết thông tin phản ánh còn chậm; cơ quan tiếp nhận thông tin không nắm được tình hình, kết quả giải quyết.

Lý giải nguyên nhân, Tổng cục cho rằng, một phần do cơ quan tiếp nhận thông tin ở địa phương không có cán bộ thường trực tiếp nhận thông tin; khi chuyển thông tin cho cơ quan liên quan giải quyết không yêu cầu báo cáo phản hồi kết quả và không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết; cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thực hiện đúng trách nhiệm theo quy định tại khoản 5, Điều 199 của Luật Đất đai.

Từ 1/4, sẽ công khai các trường hợp địa phương không giải quyết

Để nâng cao hiệu quả công tác xử lý các vi phạm pháp luật đất đai theo phản ánh của người dân, Tổng cục Quản lý đất đai đề nghị các Sở TN&MT chưa công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh về vi phạm pháp luật đất đai, cần thực hiện ngay việc công bố đường dây nóng để người dân biết; các Sở đã công bố đường dây nóng mà lượng thông tin tiếp nhận còn hạn chế, cần thông báo lại cho người dân biết; đồng thời, rà soát, đánh giá và kiện toàn lại việc tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin phẩn ánh để nâng cao hiệu quả xử lý thông tin.

Đồng thời, cơ quan lập đường dây nóng phải có cán bộ thường trực tiếp nhận thông tin phản ánh và phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết và tổng hợp báo cáo kết quả giải quyết thông tin. Các cơ quan, đơn vị có liên quan đến thông tin phản ánh có trách nhiệm giải quyết triệt để, dứt điểm vấn đề mà người dân phản ánh và gửi báo cáo cho cơ quan tiếp nhận thông tin.

Bên cạnh đó, các Sở TN&MT chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết các trường hợp phản ánh và tổng hợp, báo cáo kết quả tiếp nhận, giải quyết các thông tin phản ánh vi phạm pháp luật đất đai ở địa phương gửi về Tổng cục Quản lý đất đai trước ngày 30/11 hàng năm để tổng hợp báo cáo.

Đối với các địa phương không thực hiện, kể từ 1/4/2017, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ thực hiện công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và Tổng cục về các trường hợp mà Tổng cục đã tiếp nhận thông tin và chuyển về địa phương giải quyết, nhưng đã quá hạn mà không có báo cáo tình hình giải quyết.

Mới đây, Bộ TN&MT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về báo cáo kết quả giải quyết các trường hợp phản ánh về sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai. Theo đó, Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo UBND các huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc và các cơ quan, đơn vị liên quan đến các trường hợp phản ánh có trách nhiệm khẩn trương kiểm tra, thanh tra, xem xét giải quyết các trường hợp phản ánh và báo cáo kết quả về Tổng cục Quản lý đất đai trước ngày 31/3/2017 để theo dõi, tổng hợp báo cáo.

Trường Giang