Chồng lấn ranh giới Đắk Lắk - Khánh Hòa: 40 năm chưa giải quyết xong

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 05/03/2017

(TN&MT) - Năm 1976 cùng với việc sát nhập 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên thành tỉnh Phú Khánh, tỉnh Phú Khánh đã chuyển giao huyện Khánh Dương (nay là huyện M’Đrắk) cho tỉnh Đắk Lắk quản lý. Do việc phân định địa giới không rõ ràng nên đã xảy ra tranh chấp 9.300 ha đất rừng tại xã Ea Trang, huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk giáp ranh với xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Hai tỉnh đều dành quản lý

Đã 40 năm trôi qua, với hàng chục cuộc họp bàn giải quyết việc tranh chấp 9.300 ha đất rừng gần đèo Phượng Hoàng để phân định địa giới hành chính giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa nhưng không có kết quả.

Đoàn công tác làm việc với 2 tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa tìm phương án phân định ranh giới vùng tranh chấp 9.300ha.
Đoàn công tác làm việc với 2 tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa tìm phương án phân định ranh giới vùng tranh chấp 9.300ha.

Mới đây, Đoàn công tác của Bộ Nội vụ đã tổ chức hội nghị ghi nhận ý kiến của 2 tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa về quan điểm giải quyết chồng lấn ranh giới 9.300ha nằm giữa xã Ea Trang (huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk) và xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) để phân định địa giới hành chính. Thế nhưng hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa vẫn chưa có tiếng nói chung.

Về phía tỉnh Đắk Lắk, ông Võ Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh nêu ý kiến: Năm 1977 sau khi thành lập huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Lâm trường M’Đrắk để quản lý tài nguyên rừng, đất đai bao gồm 9.300 ha đất này. Từ năm 1996 đến năm 2015, hàng năm tỉnh Đắk Lắk được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất bao ngồm khu vực này. Thực trạng khu vực đất chồng lấn hiện do 4 đơn vị của tỉnh Đắk Lắk quản lý gồm: Ban quản lý dự án rừng phòng hộ núi Vọng Phu, Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp M’Đrắk, Công ty TNHH Tam Phát và UBND xã Ea Trang. Trong 9.300 ha này chủ yếu là rừng tự nhiên, rừng trồng và một phần nhỏ người dân canh tác.

Ông Phan Văn Hùng - Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ đề nghị hai tỉnh Đắk Lắk – Khánh Hòa cần sớm đưa ra quan điểm chung về phân định ranh giới vùng tranh chấp.
Ông Phan Văn Hùng - Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ đề nghị hai tỉnh Đắk Lắk – Khánh Hòa cần sớm đưa ra quan điểm chung về phân định ranh giới vùng tranh chấp.

Trên diện tích rừng này, có 20 gia đình đồng bào buôn M’gơm và buôn Ea Thị, xã Ea Trang huyện M’Đrắk đang canh tác ổn định từ trước tới nay. Giữa các đơn vị của tỉnh Đắk Lắk được giao quản lý sử dụng và nhân dân canh tác không có sự tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến quản lý, sử dụng đất. Ở đây cũng chưa hình thành khu dân cư.

Về phía tỉnh Khánh Hòa, ông Ngô Truyện - Giám đốc Sở Nội vụ lại cho rằng: Năm 1976, cùng với việc sát nhập 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên thành tỉnh Phú Khánh, thì tỉnh Phú Khánh đã chuyển giao huyện Khánh Dương cho tỉnh Đắk Lắk quản lý (nay là huyện M’Đrắk). Tại thời điểm đó, địa giới hành chính giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Phú Khánh phải là địa giới giữa huyện Khánh Dương và huyện Ninh Hòa cũ.

Năm 1995, 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk đã hiệp thương phân định ranh giới nhưng 2 bên không thống nhất. Năm 1996, Bộ trưởng Trưởng Ban tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) đã có công văn nêu rõ: Các bản đồ đã phân rõ địa giới hành chính giữa 2 tỉnh phân định bởi các đỉnh núi cao, phân chia 2 dòng phân lưu rõ ràng, 1 bên chảy về Khánh Hòa, 1 bên chảy về Đắk Lắk. Khu vực này trước đây có nhiều hộ dân định cư. Năm 1978 theo chủ trương chung tỉnh Khánh Hòa đã chuyển người dân xuống phía dưới thành lập 2 buôn. Từ năm 2004 có 1 nhà này thủy điện được xây dựng và cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp cho thị xã Ninh Hòa. Khu vực này, tỉnh Khánh Hòa giao cho Lâm trường Ninh Hòa quản lý. Năm 2006, lâm trường Ninh Hòa tiến hành trồng rừng thì phát hiện Lâm trường M’Đrắk cũng đang thực hiện nên tạm dừng lại chờ giải quyết cụ thể.

Đừng để người dân khổ vì phân định ranh giới.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, trên cơ sở bản đồ do Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp và kết luận của Ban thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk, đưa ra phương án chia đôi cho tỉnh Khánh Hòa hơn 4.670 ha, tỉnh Đắk Lắk hơn 4.620 ha. Phương án này sẽ không làm xáo trộn cuộc sống của người dân và lợi ích 2 bên; không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của các tổ chức, cá nhân. Đặc biệt là đời sống và vấn đề tâm linh của đồng bào được ổn định. Tuy nhiên, phương án này sẽ làm phần diện tích của các cơ quan đơn vị tỉnh Đắk Lắk chuyển về Khánh Hòa quản lý, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội huyện M’Đrắk.

Bản đồ địa giới tỉnh Đắk Lắk vẽ vùng tranh chấp theo quan điểm cả hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa.
Bản đồ địa giới tỉnh Đắk Lắk vẽ vùng tranh chấp theo quan điểm cả hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa.

Phương án mà tỉnh Đắk Lắk đưa ra, Ngô Truyện - Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng: Sẽ gây bất lợi cho tỉnh Khánh Hòa, bởi đây là khu vực đầu nguồn, toàn bộ dòng chảy xuôi về thị xã Ninh Hòa. Do vậy, nếu có sự tác động đến rừng thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, môi sinh và nguồn nước hoạt cho 20.000 dân và sản xuất của 28.000 ha đất nông nghiệp.

Cũng theo ông Truyện: Năm 2013, 2 tỉnh đã tổ chức hiệp thương và Khánh Hòa đề xuất phương án là cắt 1.900 ha toàn bộ núi Vọng Phu cho Đắk Lắk. Hai bên thống nhất về xem xét phương án này và tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất nhưng phía Đắk Lắk không thấy phản hồi.

Trong đợt hiệp thương này, tỉnh Khánh Hòa đưa ra phương án chia cho tỉnh Đắk Lắk quản lý 131,8 ha diện tích đất tự nhiên, cắt giữa đỉnh núi Vọng Phu.

Với phương án này, tỉnh Đắk Lắk cho rằng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của đồng bào các dân tộc xã Ea Trang và các đơn vị đang trực tiếp sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nơi đây. Quan trọng nhất, sẽ không có đường giao thông để xuống Ninh Hòa, muốn đến khu vực này phải đi vòng qua xã Ea Trang, gây khó khăn, phức tạp trong quản lý địa giới hành chính và dân cư.

Phân định ranh giới hai tỉnh đừng làm phiền Trung ương.

ông Y Biêr Niê - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk nêu quan điểm: “Vụ việc tranh chấp ranh giới trong 9.300ha này đã kéo dài quá lâu, chúng ta cứ ngồi tới, ngồi lui quá nhiều lần. Vấn đề là mỗi tỉnh lại đưa ra một cách phân định khác nhau, không chịu nghe nhau nói, không chịu ngồi xuống làm việc để Trung ương phải thành lập đoàn công tác độc lập là không nên. Nếu hai tỉnh vẫn không thống nhất được việc phân định ranh giới trong 9.300 này, tôi đề nghị đoàn công tác nghiên cứu, đưa ra phương án phân định ranh giới tránh làm xáo trộn đời sống của người dân trong vùng. Tôi nghĩ, vấn đề này cần có sự quyết định từ trung ương chứ để 2 tỉnh tự thỏa thuận sẽ khó có hồi kết”.

Thay mặt đoàn công tác của Bộ Nội vụ, ông Phan Văn Hùng - Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương - chủ trì hội nghị nêu: Đoàn công tác đã nghe báo cáo, tiếp nhận các tài liệu chứng cứ mới và đi kiểm tra thực địa khu vực này rồi báo cáo cho cấp trên. 2 tỉnh đã thống nhất cao sự cần thiết phải đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương xác định khu vực chồng lấn. Hai bên cần sớm đưa ra các phương án phân định ranh giới phù hợp thực tế, thấu tình đạt lý. Chúng ta cần đổi mới tư duy trong giải quyết vấn đề, không đặt nặng “đất của anh hay đất của tôi” mà giao cho đơn vị nào quản lý thì phù hợp với lợi ích quốc gia, lợi ích nhân dân. Việc này để đến Chính phủ hay phải trình Quốc hội quyết định là không cần thiết bởi dù đơn vị nào quản lý cũng là lãnh thổ quốc gia, cái chính là quản lý khai thác phù hợp và đem lại lợi ịch cho nhân dân và làm giàu cho đất nước.

“Chúng tôi không mong muốn mình phải chủ trì để soạn thảo văn bản trình cấp trên, rồi trình đến Quốc hộ xem xét vì Quốc hội có rất nhiều việc để làm, việc của địa phương thì nên tự mình giải quyết không nên để trung ương phải can thiệp”. Ông Hùng nói./.

Bài và ảnh: Đình Thắng