Điện Biên: Giữ rừng nhờ chính sách chi trả DVMTR
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 05/12/2016
Người dân Điện Biên giữ rừng nhờ chính sách chi trả DVMTR |
Diện tích tự nhiên của tỉnh Điện Biên là 954.125,06ha, trong đó, diện tích có rừng là 367.469,51ha, độ che phủ rừng là 38,5%. Đa số diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh Điện Biên đều được chi trả DVMTR. Việc hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR không chỉ giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế, mà còn trực tiếp giúp cho các cán bộ cơ quan chuyên môn nâng cao năng lực quản lý bảo vệ rừng.
Để huy động nguồn thu cho việc thực hiện chính sách, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các sở, ban, ngành lên quan, Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh phối hợp với các đơn vị sử dụng DVMTR trong toàn tỉnh tổ chức thực hiện tốt việc ký kết hợp đồng ủy thác. Tính đến hết năm 2015, đã ký kết 13 hợp đồng ủy thác, trong đó: Thủy điện 10 hợp đồng với 12 cơ sở kinh doanh điện; nước sạch 2 hợp đồng với 7 cơ sở kinh doanh nước; 1 hợp đồng với đơn vị kinh doanh du lịch.
Tính từ năm 2011 đến hết 2015, đã thu được 421,52 tỷ đồng, đạt 104% so với kế hoạch. Lũy kế đến ngày 30/6/2016, tỉnh Điện Biên đã phê duyệt 23 phương án trồng rừng thay thế của 23 dự án có diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác. Đối với một số dự án không có điều kiện trồng rừng, UBND tỉnh cho phép nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên. Tính đến nay, tổng số tiền đã nộp để thực hiện kế hoạch trồng rừng thay thế năm 2016 gần 12 tỷ đồng, tương ứng với diện tích 180,09ha rừng.
Tại những khu vực được hưởng chính sách chi trả DVMTR đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ rừng, các bộ phận nhận khoán bảo vệ rừng với chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững; phòng chống các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, hạn chế đáng kể tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép... Nâng số hộ tham gia trực tiếp bảo vệ rừng từ 33.997 hộ (năm 2013) lên 41.292 hộ (năm 2015); đồng thời còn huy động được một nguồn nhân lực lớn cho công tác tuần tra bảo vệ rừng một cách thường xuyên.
Trên 2.400ha rừng của xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên được hưởng chính sách chi trả DVMTR. |
Ghi nhận tại huyện Điện Biên, năm 2016, huyện Điện Biên đã thực hiện chi trả DVMTR cho 8 xã, tổng diện tích được chi trả là 13.626,37ha, cho 273 chủ rừng với số tiền trên 3,8 tỷ đồng.
Ông Bùi Hải Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên chia sẻ: Nhờ chính sách chi trả DVMTR, ý thức bảo vệ rừng của những người dân được hưởng lợi từ chính sách đã có những chuyển biến tích cực. Qua đó, gắn được trách nhiệm và lợi ích của người dân đối với rừng, từ đó có những biện pháp ngăn chặn hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Nguồn thu nhập từ DVMTR góp phần ổn định đời sống, giảm thiểu tệ nạn xã hội, tình trạng mất trật tự an ninh trên địa bàn. Đồng thời, bảo vệ được diện tích rừng hiện có, rừng được phục hồi làm tăng khả năng phòng hộ, đảm bảo cân bằng sinh thái, giảm thiểu biến đổi khí hậu, hạn chế cháy rừng. Độ che phủ rừng của huyện Điện Biên tương đối cao với 49,7%.
Từ khi được hưởng chính sách chi trả DVMTR, nhiều hộ dân, chủ rừng đã cam kết bảo vệ tốt diện tích rừng đã được giao, tiếp tục khoanh nuôi tái sinh rừng, đăng ký trồng mới rừng tại các khu đất trống đồi trọc, nương rẫy... Đây là những hiệu quả thiết thực mà chính sách chi trả DVMTR mang lại.
Ông Quàng Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Nà Nhạn cho biết: Năm 2016, xã Nà Nhạn đã tổ chức trồng mới được 40ha, trong đó có 4,6ha rừng trồng thay thế. Đến nay trên 2.400ha rừng của xã Nà Nhạn đủ tiêu chuẩn để hưởng chính sách chi trả DVMTR.
Có thể thấy, chính sách chi trả DVMTR là một chính sách có hiệu quả phát triển kinh tế rừng bền vững, nhằm thu hút, tạo thêm điều kiện để người dân được hưởng thụ khi sinh sống bằng nghề rừng và tham gia bảo vệ rừng, góp phần tích cực vào xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Để nâng cao hiệu quả của chính sách chi trả DVMTR, trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu được vai trò của chính sách chi trả DVMTR, từ đó nâng cao nhận thức của người dân trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tăng cường nâng cao nhận thức của các cấp, ngành trong việc kiểm tra, giám sát, thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Đồng thời, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng để trước mắt giữ diện tích rừng hiện còn và tăng độ che phủ rừng trong thời gian tới.
Bài & ảnh: Trần Hương - Hà Thuận