Giữ rừng bằng chính sách chi trả DVMTR ở Lào Cai

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 17/11/2016

(TN&MT) - Từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng và hộ nhận khoán rừng ở Lào Cai từng bước được nâng cao. Đặc biệt, chính sách này đã góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân sống gần rừng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Người dân được hưởng lợi từ việc chăm sóc và bảo vệ rừng.
Người dân được hưởng lợi từ việc chăm sóc và bảo vệ rừng

Chính sách chi trả DVMTR được thực hiện tại tỉnh Lào Cai từ năm 2010 Sau hơn 5 năm tổ chức và triển khai thực hiện, chính sách chi trả DVMTR đã khẳng định hướng đi đúng đắn, từng bước đi vào cuộc sống người dân, tạo lập nguồn tài chính mới ngoài ngân sách; mang tính ổn định, bền vững, phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng, góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống kinh tế xã hội, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số.

Theo thống kê từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lào Cai, tính đến tháng 10/2016, tổng số hộ và đơn vị tham gia nhận giao khoán, bảo vệ rừng trên toàn tỉnh được nhận DVMTR là 13.681 chủ rừng và các hộ nhận khoán, với số tiền DVMTR là 31.958 triệu đồng, đạt 107% so cùng kỳ năm 2015; và đã có 158.580,54 ha rừng được bảo vệ; thu nhập bình quân hàng năm của các hộ từ nhận khoán bảo vệ rừng là 2 triệu đồng/hộ/năm. Thu nhập tăng, đời sống của người dân được cải thiện đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

Trước đây, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng ở các huyện trong tỉnh Lào Cai gặp rất nhiều khó khăn do người dân chưa có ý thức bảo vệ rừng, còn tư tưởng trông chờ ỷ lại. Từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR, rừng ở đâu cũng có chủ, người dân đã gắn cuộc sống của mình với rừng, tự giác hơn trong công tác bảo vệ rừng, tuần tra bảo vệ rừng thường xuyên. Rừng đã tạo tiền đề cho người dân trong tỉnh tiếp tục phát huy nguồn lợi từ rừng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo động lực vững chắc cho phát triển kinh tế, xã hội.

Nhiều huyện, xã đã xây dựng qui ước, hương ước bảo vệ rừng. Nhờ đó, tổng diện tích rừng của tỉnh Lào Cai tăng lên đáng kể, từ 334.893 ha năm 2012 tăng lên 348.327 ha năm 2015 (tăng 13.434 ha). Độ che phủ rừng tăng từ 51,3% lên 53,3% năm 2015. Số vụ vi phạm trong quản lý và bảo vệ rừng có xu hướng giảm, từ 283 vụ năm 2012 xuống 208 vụ năm 2015; số vụ cháy rừng giảm từ 37 vụ năm 2012 xuống 12 vụ năm 2015.

Diện tích rừng tại Lào Cai luôn được chăm sóc và bảo vệ tốt
Diện tích rừng tại Lào Cai luôn được chăm sóc và bảo vệ tốt

Ông Nguyễn Thanh Lĩnh, PGĐ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lào Cai  khẳng định: “Chính sách chi trả DVMTR đã đem lại hiệu quả thiết thực, tỷ lệ độ che phủ rừng ngày càng tăng, tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép giảm, đời sống của người dân được hưởng lợi từ rừng cũng ngày càng cao. Người dân đã có ý thức hơn trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; giờ đây những cánh rừng tự nhiên, rừng trồng luôn được bảo vệ và phát triển xanh tốt”.

Để chính sách chi trả DVMTR tiếp tục mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đến đông đảo nhân dân các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là các hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các hộ trong việc kiểm tra, kiểm soát, nhằm kịp thời phát hiện các hành vi gây hại đến rừng.

“Thực hiện chính sách chi trả DVMTR là bước đột phá trong việc giải quyết nhiều vấn đề, trong đó, trọng tâm là 3 vấn đề cơ bản về môi trường, kinh tế và xã hội, góp phần giảm thiểu mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao chất lượng rừng, làm tăng khả năng phòng hộ của rừng, đảm bảo cân bằng sinh thái giảm thiểu biến đổi khí hậu, hạn chế hạn hán, lũ lụt”- Ông Nguyễn Thanh Lĩnh cho biết thêm.

               Bài &ảnh : Bích Hợp