Bình Định: Ngang nhiên "tùng xẻo" đất trong lòng hồ Thạch Khê

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 17/10/2016

(TN&MT) - Dù chưa được ngành chức năng cấp phép, nhưng một doanh nghiệp (DN) đã ngang nhiên đưa xe đào, xe ben vào khu vực lòng hồ chứa nước Thạch Khê, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân (Bình Định) để khai thác đất.

“Xẻ thịt” lòng hồ

Hồ chứa nước Thạch Khê nằm trên địa bàn thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân) được xây dựng vào năm 1976, có dung tích 6 triệu m3 nước có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 100 ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các xã Ân Tường Đông, Ân Tường Tây và Ân Đức (huyện Hoài Ân).

Khu vực lòng hồ chứa nước Thạch Khê trở nên tan hoang, sâu hoắm sau thời gian bị nạn “đất tặc” băm nát.
Khu vực lòng hồ chứa nước Thạch Khê trở nên tan hoang, sâu hoắm sau thời gian bị nạn “đất tặc” băm nát.

Theo ý kiến phản ánh của người dân: từ ngày 2-10 đến 10-10, trong khu vực lòng hồ chứa nước Thạch Khê, đoạn tiếp giáp với tỉnh lộ 631, bỗng dưng xuất hiện một số cá nhân đưa 2 máy đào vào lòng hồ đào, múc đất và huy động xe ben vào chở đất đi tiêu thụ. Mỗi ngày có khoảng 20 - 30 lượt xe ben vào, ra “ăn đất”. Ngày 13-10, có mặt tại khu vực này, chúng tôi chứng kiến hàng ngàn mét vuông đất trong lòng hồ đã bị đào xới nham nhở. Sau thời gian dài bị tận thu, hàng loạt hố sâu hoắm xuất hiện, tạo thành lòng chảo khá sâu so với mặt bằng xung quanh.

Một hộ dân ở thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông, cho biết: “Tôi thấy xe ben vào hồ Thạch Khê chở đất chạy cả ngày lẫn đêm mà không thấy xã hay cơ quan nào đứng ra ngăn chặn, xử lý. Chúng tôi không biết việc này đã được cơ quan chức năng đồng ý chưa, nếu tự ý khai thác mà không tính toán thì chất lượng hoạt động của công trình sẽ bị ảnh hưởng. Mùa mưa đang tới gần, ngành chức năng không siết chặt khâu quản lý hoạt động khai thác đất ở hồ chứa nước Thạch Khê sẽ dễ xảy ra sự cố vỡ hồ. Hậu quả khi đó sẽ khó lường”.

Đùn đẩy trách nhiệm?

Từ phản ảnh của người dân và thực tế khảo sát, phóng viên liên hệ UBND xã Ân Tường Đông để xác thực. Ông Trần Hữu Lợi, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Chúng tôi đã nắm bắt được sự việc. Xã cử cán bộ xuống hiện trường kiểm tra. Qua đó, chúng tôi xác định đơn vị khai thác đất trái phép trong lòng hồ Thạch Khê là DNTN Lộc Giang (trụ sở ở xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân). Tại buổi kiểm tra, DN này trình bày đã xin ý kiến lấy đất từ đơn vị quản lý hồ Thạch Khê là Trạm Khuyến nông huyện Hoài Ân. Việc đồng ý cho DNTN Lộc Giang lấy đất cụ thể ra sao đó là trách nhiệm của đơn vị quản lý hồ. Xã chỉ biết, doanh nghiệp lấy đất chở về để đổ nâng nền công trình Trạm bơm chống hạn Đồng Trụ ở địa phương với số lượng chừng 100 xe (mỗi xe 4m3 đất) và hoạt động này cũng không ảnh hưởng gì tới lòng hồ (!?)”.

Hồ chứa nước Thạch Khê bị bức tử nặng nề bởi nạn “đất tặc”.
Hồ chứa nước Thạch Khê bị bức tử nặng nề bởi nạn “đất tặc”.

Để rõ hơn vụ việc, trách nhiệm của đơn vị quản lý hồ chứa nước Thạch Khê, phóng viên đã làm việc với ông Tô Kế Thế, Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Hoài Ân. Tại buổi làm việc, ông Thế nói: “DNTN Lộc Giang có xin ý kiến lấy đất ở lòng hồ Thạch Khê để đổ nâng nền Trạm bơm Đồng Trụ ở xã Ân Tường Đông. Tuy nhiên, việc này chúng tôi chưa xem xét và chấp nhận. Bởi, doanh nghiệp này chỉ trình bày bằng miệng, chưa có văn bản chính thức nào. Trường hợp có đầy đủ hồ sơ, thủ tục, chúng tôi mới báo cáo huyện và ngành chức năng để xin ý kiến”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Rô, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Hoài Ân, khẳng định, dù là lý do gì đi nữa, việc DNTN Lộc Giang tự ý khai thác đất trong lòng hồ Thạch Khê khi chưa được ngành chức năng cho phép là sai, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều, Luật Khoáng sản. Để xảy ra việc này, lỗi thuộc về UBND xã Ân Tường Đông và đơn vị quản lý hồ là Trạm Khuyến nông huyện Hoài Ân. “Tuần này, phòng sẽ cử cán bộ về địa phương kiểm tra và làm việc với các bên liên quan. Tôi thấy việc tự ý lấy đất như thế là sai rồi. Ai sai và sai đến đâu sẽ bị lãnh đạo UBND huyện Hoài Ân xử lý đến đó”, ông Rô nêu quan điểm.

Có thể thấy, việc DNTN Lộc Giang tự ý khai thác đất tại hồ chứa nước Thạch Khê, gây thất thoát nguồn tài nguyên, gây ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của công trình, cần được các cơ quan ban ngành của huyện Hoài Ân kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý kịp thời.

Hoàng Nguyên