Gian nan trữ ngọt

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 18/10/2016

(TN&MT) - Trữ nước ngọt tại các vùng thấp trũng là giải pháp chiến lược của tỉnh Cà Mau, nhằm giải quyết khó khăn về nguồn nước trước những tác động tiêu cực...
(TN&MT) - Trữ nước ngọt tại các vùng thấp trũng là giải pháp chiến lược của tỉnh Cà Mau, nhằm giải quyết khó khăn về nguồn nước trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Tuy vậy, thách thức đến từ hệ thống thủy lợi chưa hoàn thiện, sự gia tăng nhu cầu khai thác nước ngầm, ý thức người dân chưa cao… khiến giải pháp này chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn.
 
Vùng ngọt cũng khốn đốn
 
Tỉnh Cà Mau đã quy hoạch vùng ngọt hoá chủ yếu nằm trên địa bàn các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, một phần huyện Thới Bình và TP. Cà Mau. Trong đó, phần lớn diện tích thuộc huyện U Minh và Trần Văn Thời, với hệ sinh thái rừng tràm, sản xuất lúa 2 vụ và nuôi thuỷ sản nước ngọt. Những năm gần đây, tỉnh đã chú trọng xây dựng hệ thống đê bao quanh vùng ngọt và hàng loạt các cống ngăn mặn chống tràn, các đập lớn nhỏ nhằm ngăn mặn, tiêu úng, xổ phèn bảo vệ sản xuất của người dân. Tuy vậy, qua trận đại hạn mặn 2015 - 2016 vừa qua, thực tế mục tiêu này chưa thể đạt được khi diện tích vùng ngọt bị xâm mặn ngày càng tăng lên.
 
Sạt lở đê biển Tây làm tăng nguy cơ nhiễm mặn vùng ngọt hóa (Ảnh: Nguyễn Phú)
Sạt lở đê biển Tây làm tăng nguy cơ nhiễm mặn vùng ngọt hóa (Ảnh: Nguyễn Phú)
 
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, tuyến đê biển Tây hiện đã có dấu hiệu xuống cấp, nhiều đoạn công trình không đảm bảo so với mực nước triều, phải khắc phục tạm thời bằng việc đắp thêm bờ rộng khoảng 1,5 m trên mặt đê. Trong tổng số 59 cống, 14 đập lớn, nhỏ tham gia bảo vệ vùng ngọt hoá 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời, đã có đến 23 cống, đập bị rò rỉ mặn. Nghiêm trọng nhất là tại cống Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời). Độ mặn đo được hồi tháng 3 tại miệng cống khoảng 20%o, và nước mặn 5%o tiến vào vùng ngọt khoảng 3,2 km bên trong đê, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân các xã: Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Hưng và Khánh Hải. 
 
Đó là tại vùng ngọt hóa được quan tâm đầu tư. Trên phạm vi toàn tỉnh, hệ thống thủy lợi chỉ mới triển khai xây dựng nhiều ở 7/23 tiểu vùng, trong đó mới cơ bản hoàn thành 1 tiểu vùng. Nguyên nhân chủ yếu do kinh phí đầu tư cho hệ thống thủy lợi chỉ đạt khoảng 15% so với yêu cầu quy hoạch được duyệt. 
 
Nhiều tiểu vùng chưa khép kín, khả năng ngăn mặn, trữ ngọt rất kém nên sản xuất nông nghiệp tỉnh Cà Mau chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn hàng năm. Báo cáo của Sở NN&PTNT Cà Mau cho thấy, trong giai đoạn 2015 - 2016, độ mặn trên kênh rạch tăng cao từ 30 - 40% so với các năm trước, trong vuông tôm tăng từ 40 - 50%. Hơn 51 nghìn ha lúa bị thiệt hại (trong đó thiệt hại 30 - 7 0% là 18.363 ha; trên 70% là 32.711 ha). Do thiếu nước ngọt sản xuất, từ năm 2005 - 2015, có tới 158 nghìn ha đất trồng lúa và đất vườn toàn tỉnh đã phải chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản.
 
Nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt cũng đang trên đà sụt giảm. Ông Mai Hữu Chinh, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Cà Mau cho biết: Mực nước ngầm ở tỉnh Cà Mau giảm từ 40 - 70cm/năm do nhu cầu sử dụng nước tăng lên. Lượng nước khai thác trung bình hiện tại khoảng trên 150.000 m3/ngày đêm. Dự báo nhu cầu sử dụng nước vào năm 2020 của tỉnh Cà Mau vào khoảng 230.000 m3/ngày đêm, năm 2030 sẽ lên khoảng 350.000 m3/ngày đêm (theo Quy hoạch cấp nước vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long).
 
“Trong vòng 25 năm tới, nếu tiếp tục gia tăng khai thác nước ngầm thì tốc độ sụt đất dự báo sẽ tăng lên 90 cm và còn tăng lên đến 120 cm trong 50 năm tới, sẽ làm cho địa hình tỉnh Cà Mau ngày càng thấp xuống. Cộng thêm nguy cơ nước biển dâng, tỷ lệ bị ngập của tỉnh Cà Mau càng lớn hơn”, ông Chinh nhấn mạnh.
 
Quy hoạch các hồ chứa nước ngọt 
 
Cà Mau vẫn đang tích cực triển khai việc dự trữ nguồn nước mưa tại chỗ bằng các hồ, kênh mương trong vùng ngọt hóa U Minh hạ, Trần Văn Thời để phục vụ sản xuất, phòng chống cháy rừng và góp phần cung cấp nước sinh hoạt cho cả tỉnh, giảm tỷ lệ sử dụng nước ngầm. 
 
Tuy vậy, giải pháp này khó hiệu quả vào mùa khô, đồng thời, lượng nước trữ được cũng hạn chế, không đủ để cung cấp cho tất cả các vùng còn lại. 
 
Ông Mai Hữu Chinh cho biết, phương án trữ ngọt lâu dài mà tỉnh Cà Mau xác định là tạo đường dẫn để lấy nước ngọt từ sông Hậu về vùng trữ ngọt và hoàn thiện tuyến đê biển Tây để đóng kín vùng trữ ngọt, thuộc Dự án Cấp nước vùng liên tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Do chi phí cao, tỉnh vẫn đang tích cực kêu gọi hỗ trợ nguồn vốn đầu tư.
 
Tại Hội nghị Thích ứng với BĐKH, quản lý tổng hợp tài nguyên nước, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khẳng định: Để nâng cao hiệu quả trữ ngọt, tỉnh Cà Mau sẽ tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thủy lợi theo quy hoạch; xây dựng hệ thống công trình từng tiểu vùng đảm bảo yêu cầu điều tiết, quản lý chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất cho cả vùng hệ sinh thái ngọt, lợ và mặn. Đặc biệt là tiếp tục hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi thuộc dự án ngọt hóa Quản lộ - Phụng Hiệp. 
 
Công trình hồ chứa nước ngọt khu vực Vườn Quốc gia U Minh Hạ sẽ được khẩn trương hoàn thiện theo quy hoạch để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân, kết hợp phòng cháy, chữa cháy rừng. Quan trọng hơn cả, đó là khẩn trương đầu tư xây dựng hệ thống đê biển Đông và nâng cấp đê biển Tây đảm bảo yêu cầu ngăn mặn, bảo vệ và phát triển sản xuất và đảm bảo tính mạng, tài sản của hàng ngàn hộ dân cư ở phía trong đê.
 
Khánh Ly