Long An: Hiệu quả bước đầu từ mô hình CSDL đất đai tập trung

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 11/10/2016

(TN&MT) - PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Phan Nhân Duy – Giám đốc Sở TN&MT Long An về những hiệu quả bước đầu của việc đầu tư xây dựng cơ sở dữ...

 

(TN&MT) - Long An là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giáp với TP.HCM, công nghiệp và dân cư đô thị phát triển nhanh nên tình hình biến động đất đai tương đối lớn. PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Phan Nhân Duy – Giám đốc Sở TN&MT Long An về những hiệu quả bước đầu của việc đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai theo mô hình tập trung của ngành TN&MT Long An.

 

Ông Phan Nhân Duy – Giám đốc Sở TN&MT Long An
Ông Phan Nhân Duy – Giám đốc Sở TN&MT Long An

PV: Xin ông cho biết kết quả bước đầu của việc đầu tư xây dựng CSDL đất đai theo mô hình tập trung?

Ông Phan Nhân Duy: Đến năm 1997, tỉnh Long An đã cơ bản hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính trên phạm vi toàn tỉnh gắn với hệ tọa độ quốc gia với tổng diện tích là 449.493,78 ha, với 1.245.479 thửa đất; trên cơ sở đó đã thực hiện kê khai đăng ký và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) được tổng cộng 1.203.840 thửa đất, tương ứng diện tích 385.058,58 ha (tổng diện tích cần cấp 397.778,78 ha), đạt tỷ lệ 96,80% so với tổng diện tích cần cấp. Việc đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký cấp Giấy chứng nhận nêu trên được lập thành hồ sơ địa chính (dạng giấy) đáp ứng cơ bản công tác quản lý Nhà nước về đất đai tại địa phương.

Tại Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011 và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có chỉ đạo: “Tập trung để thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính gắn với cấp Giấy chứng nhận và xây dựng CSDL đất đai, hoàn thành dứt điểm cho từng đơn vị hành chính cấp huyện; triển khai thực hiện Dự án xây dựng CSDL đất đai theo mô hình tập trung, thống nhất từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, nhằm xây dựng mô hình quản lý đất đai hiện đại, đáp ứng yêu cầu thông tin đất đai của các ngành, lĩnh vực và giao dịch của người sử dụng đất.”

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT, Sở TN&MT đã tham mưu và trình UBND tỉnh Long An phê duyệt Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và CSDL quản lý đất đai tỉnh Long An (tại Quyết định số 1783/QĐ-UBND ngày 08/6/2012) làm cơ sở triển khai thực hiện. Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp tục đầu tư thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính gắn với đăng ký cấp Giấy chứng nhận, hoàn thiện hồ sơ địa chính trên phạm vi 65 xã, phường, thị trấn thuộc 09 huyện của tỉnh. Hiện nay, Sở TN&MT được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư tiếp tục đang triển khai thực hiện tại 10 xã, thị trấn thuộc địa bàn 02 huyện: Bến Lức và Đức Hòa.

Tính đến ngày 15/9/2016, toàn tỉnh Long An đã xây dựng hoàn thành CSDL địa chính của 55 xã, phường, thị trấn; trong đó có 02 huyện: Châu Thành và Tân Trụ được thực hiện theo mô hình tập trung (xây dựng bằng phần mềm ViLIS 2.0) - CSDL đất đai được tích hợp tập trung tại Sở TN&MT, kết nối trực tiếp đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tại huyện thông qua đường truyền mạng Internet tốc độ cao, việc sử dụng, vận hành, khai thác, cập nhật, chỉnh lý CSDL đất đai tại cấp huyện được thực hiện trên cơ sở được phân quyền cho người có thẩm quyền để thực hiện.

Năm 2015, từ khi Văn phòng Đăng ký đất đai 01 cấp được thành lập theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì việc đầu tư xây dựng CSDL đất đai theo mô hình tập trung nêu trên tại huyện Châu Thành cho thấy phát huy hiệu quả bước đầu trong quá trình tiếp nhận, rút ngắn giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai, nhất là trong việc quản lý, theo dõi và viết in cấp Giấy chứng nhận; quản lý, theo dõi lịch sử thông tin từng thửa đất; kho hồ sơ scan quét lưu trữ trong cùng hệ thống, giúp người dân, tổ chức dễ dàng tra cứu thông tin đất đai đảm bảo được thuận lợi, nhanh chóng thời gian, tiết kiệm chi phí và công khai, minh bạch tại địa phương.

Đối với các huyện chưa xây dựng hoàn thành CSDL đất đai, để đảm bảo rút ngắn giải quyết thủ tục hành chính tại Văn phòng Đăng ký đất đai 01 cấp hiện nay, Sở TN&MT đã chỉ thực hiện tiếp nhận thẩm định hồ sơ bằng phần mềm ViLIS 2.0 qua đường truyền mạng và viết in Giấy chứng nhận tại Sở TN&MT đã thực hiện được tộng cộng 9/15 huyện.

Long An cấp Giấy chứng nhận quyền sử đất đạt trên 96%
Long An cấp Giấy chứng nhận quyền sử đất đạt trên 96%

PV: Vậy ngành TN&MT Long An cần phải thực hiện nhiệm vụ quan trọng nào trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Phan Nhân Duy: Để hoàn thành mục tiêu hiện đại hóa công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Long An, bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của ngành TN&MT, cần có sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp, chặt chẽ của các ngành có liên quan và sự đồng thuận, thống nhất của người dân. Thời gian tới, Sở TN&MT thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, hoàn thành xây dựng và vận hành CSDL đất đai đa mục tiêu trên cơ sở kiến trúc hệ thống, hạ tầng đồng bộ, phần mềm thống nhất theo mô hình tập trung, đảm bảo tính liên thông giữa các cấp và các ngành có liên quan.

Hai là,tiếp tục kiện toàn hệ thống Văn phòng Đăng lý đất đai 1 cấp đảm bảo đủ nguồn lực, cơ sở hạ tầng, quy chế hoạt động và cơ chế chia sẻ để vận hành, quản lý hệ thống thường xuyên, ổn định và hiệu quả. Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ quản lý đất đai, tổ chức khai thác dữ liệu, thông tin đất đai.

Ba là, nâng cao năng lực, nguồn lực quản lý và vận hành hệ thống CSDL đất đai; đào tạo đội ngũ cán bộ để đảm bảo tác nghiệp kỹ thuật thường xuyên, cập nhật, chỉnh lý biến động kịp thời. Việc xây dựng CSDL và các hạ tầng thông tin về đất đai giúp cho các cán bộ quản lý dần thay đổi cách quản lý hồ sơ từ phương thức truyền thống chuyển sang ứng dụng những tiến bộ của khoa học và công nghệ hiện đại.

Bốn là, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích đăng ký quyền sử dụng đất, đăng ký biến động đất đai và sử dụng dịch vụ công đất đai (mức độ 3, 4).

Năm là, CSDL đất đai - những hiệu quả mang lại bước đầu, do đó, Sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh Long An xem xét đảm bảo dành tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng, tiền thuê đất để đầu tư cho công tác đo đạc, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng CSDL đất đai và đăng ký biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính thường xuyên.

Ngành TN&MT cũng sẽ tập trung thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính, quản lý, vận hành, khai thác CSDL đất đai hiện có một cách có hiệu quả theo chỉ đạo của UBND tỉnh Long An tại Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 08/6/2016 về tăng cường công tác cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính.

Đặc biệt, hiện nay Sở TN&MT tập trung tham mưu UBND tỉnh Long An triển khai dự án “Tăng cường quản lý đất đai và xây dựng CSDL đất đai” - gọi tắt là dự án VILG, vay vốn Ngân hàng Thế giới (tại Quyết định số 1236/QĐ-BTNMT ngày 30/5/2016 của Bộ TN&MT) mà tỉnh Long An là 1 trong 33 tỉnh được Trung ương chọn tham gia Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và xây dựng CSDL đất đai”, với tổng kinh phí 4.875,01 nghìn đô la Mỹ (tương đương 106,89 tỷ đồng), Chính phủ hỗ trợ cấp phát một phần và cho vay lại một phần từ nguồn vốn vay ưu đãi của Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) - Ngân hàng Thế giới (WB); thời gian thực hiện 05 năm (2017-2022), dự kiến bắt triển khai trong đầu năm 2017.

Đồng thời, ngành TN&MT cũng phải chủ động và tích cực phối hợp thực hiện nhiệm vụ, nội dung của dự án góp phần hoàn thành mục tiêu, kế hoạch của dự án đề ra; qua đó, góp phần tiếp cận thông tin đất đất đai, cải cách thủ tục hành chính về đất đai và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Long An...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Tường Tú (thực hiện)