Đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên sông và nhu cầu sử dụng nước tối thiểu ở hạ du

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 14/04/2016

(TN&MT) - Đây là ý kiến của ông Hoàng Văn Bẩy – Cục trưởng Cục quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường về tầm quan trọng của việc xây dựng và thực hiện quy trình việc vận hành liên hồ chứa mùa cạn ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Ông Hoàng Văn Bảy - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước
Ông Hoàng Văn Bảy - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước

PV: Xin ông đánh giá việc xây dựng và thực hiện quy trình việc vận hành liên hồ chứa mùa cạn ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên?

Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy: Đến nay, trên 11 lưu vực sông lớn, quan trọng của nước ta (trừ khu vực đồng bằng sông Cửu Long) đã có Quy trình vận hành liên hồ được Thủ tướng Chính phủ ban hành và các hồ đang thực hiện vận hành theo quy định của Quy trình.

Đây là năm đầu tiên các hồ chứa lớn ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên thực hiện chế độ vận hành trong mùa cạn theo Quy trình vận hành liên hồ, lại trong bối cảnh mùa lũ năm 2015 hầu như không xuất hiện lũ, tại thời điểm đầu mùa cạn nhiều hồ chứa không tích đủ mức nước tối thiểu theo quy định, lại bị ảnh hưởng của El nino, kéo theo tình trạng hạn hán, thiếu nước có tính lịch sử trên nhiều lưu vực sông. Tuy nhiên, chúng ta đã tích cực, chủ động thực hiện các cơ chế vận hành tương đối linh hoạt mà Thủ tướng Chính phủ đã quy định trong các Quy trình như: Ưu tiên tích nước, hạn chế xả nước xuống hạ du trong thời kỳ đầu mùa cạn đối với các hồ không tích đủ mức yêu cầu tối thiểu; cân đối nguồn nước của từng hồ theo từng giai đoạn 10 ngày một; điều chỉnh giảm lưu lượng, thời gian vận hành xả nước xuống hạ du đối với những trường hợp không bảo đảm mực nước hồ theo quy định.... Cùng với đó, nhờ sự theo dõi sát sao, chỉ đạo, hướng dẫn, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam và các địa phương nên từ đầu mùa cạn đến nay, mặc dù còn một trường hợp vận hành chưa đúng quy định, nhưng về cơ bản phần lớn các hồ đã thực hiện vận hành theo Quy trình, qua đó, phát huy hiệu ích tổng hợp của các hồ chứa, vừa bảo đảm sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu và hiệu quả nguồn nước, vừa bảo đảm dự trữ nguồn nước của các hồ để điều tiết, cấp nước cho hạ du đến cuối mùa cạn.

Kết quả theo dõi số liệu vận hành của các hồ chứa lớn, quan trọng (vận hành theo Quy trình liên hồ) trên các lưu vực sông ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên vào thời điểm hiện nay (ngày 13/4/2016) cho thấy: Hiện có 6 lưu vực sông, gồm sông Hương, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Kôn - Hà Thanh, sông Sê San, sông SrêPôk và sông Đồng Nai, lượng nước còn lại, có thể điều tiết đến cuối mùa cạn của các hồ chứa vượt so với mức yêu cầu tối thiểu của Quy trình (theo quy định cần khoảng 2,9 tỷ m3, hiện tại đang còn khoảng 4,6 tỷ, vượt yêu cầu tối thiểu 1,6 tỷ m3. Cụ thể, sông Hương vượt khoảng 146 triệu m3, sông Vu Gia - Thu Bồn 130 triệu m3, sông Kôn 100 triệu m3, sông Sê San 24 triệu m3, sông SrêPôk 47 triệu m3 và sông Đồng Nai vượt 1.150 triệu m3). Có 2 lưu vực sông đang bị thiếu hụt so với mức tối thiểu theo quy định của Quy trình, đó là sông Ba thiếu khoảng  33 triệu m3, sông Trà Khúc thiếu khoảng 19 triệu m3.

Như vậy, nếu không xảy ra tình huống bất thường thì vấn đề điều tiết, cấp nước cho hạ du ở các lưu vực sông miền Trung, Tây Nguyên sẽ vẫn được đảm bảo từ nay đến cuối mùa cạn.

PV: Trong quy trình vận hành liên hồ chứa mùa cạn ở miền Trung, Tây Nguyên, theo ông, nguyên tắc nào là quan trọng nhất đã được áp dụng có tác động lớn nhất giải quyết tình hình hạn hán ở miền Trung?

Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy: Không chỉ với các Quy trình vận hành liên hồ chứa ở miền Trung, Tây Nguyên mà tất cả 11 Quy trình liên hồ, nguyên tắc cơ bản, quan trọng nhất là "Đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên sông và nhu cầu sử dụng nước tối thiểu ở hạ du", bất kể là hồ chứa thủy điện hay thủy lợi và có nhiệm vụ này hay không. Căn cứ nguyên tắc đó, Quy trình đã quy định quy chế vận hành của từng hồ chứa trong từng thời gian, trường hợp cụ thể, kể cả cơ chế xử lý các vấn đề phát sinh trong tình huống hạn hán thiếu nước nghiêm trọng như năm nay.

Để bảo đảm an toàn cấp nước cho cả mùa cạn, trong điều kiện năng lực dự báo còn hạn chế, hệ thống hạ tầng phục vụ chỉ đạo, điều hành phối hợp vận hành các hồ còn thiếu và chưa đồng bộ, Quy trình đã quy định việc cân đối, dự trữ nguồn nước của các hồ theo từng giai đoạn 10 ngày một chứ không phải cho cả mùa cạn để làm căn cứ xử lý, điều chỉnh chế độ vận hành trong từng giai đoạn 10 ngày một, nếu không đạt mức yêu cầu... Có thể nói, đó là những nguyên tắc quan trọng nhất đã được áp dụng trên thực tế và đã góp phần bảo đảm an toàn cấp nước cho hạ du trong thời gian qua.

Đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên sông và nhu cầu sử dụng nước tối thiểu ở hạ du là nguyên tắc hàng đầu trong vận hành các hồ chứa theo Quy trình liên hồ
Đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên sông và nhu cầu sử dụng nước tối thiểu ở hạ du là nguyên tắc hàng đầu trong vận hành các hồ chứa theo Quy trình liên hồ (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

PV: Làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa người dân ở hạ du với sự phát triển của các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn, thưa ông?

Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy: Riêng về mùa cạn có thể hình dung, nếu chúng ta không có các hồ thủy điện lớn ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên như hiện nay thì toàn bộ lượng nước tích được cuối mùa lũ của 8 lưu vực sông nói trên (khoảng 8,3 tỷ m3 nước) đã chảy ra biển. Như vậy, trong thời gian từ đầu mùa cạn đến nay, chúng ta đã không có hàng tỷ m3 nước đó để điều tiết, cấp nước cho hạ du, mà chỉ còn lại phần dòng chảy trên các sông suối.

Thực tế, từ đầu mùa cạn đến nay, các hồ ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã bổ sung thêm cho hạ du khoảng 3,8 tỷ m3 nước. Phải nói rằng, đây là một lượng nước lớn đã góp phần quan trọng để giảm bớt tình trạng căng thẳng về nguồn nước trong điều kiện hạn hán khốc liệt như thời gian vừa rồi.

Vấn đề là làm sao để chúng ta phối hợp tốt việc vận hành xả nước xuống hạ du của các hồ, cũng là phát điện (trừ một số công trình chuyển nước như An Khê - Ka Nak, Đắc Mi 4...), đồng thời phù hợp với yêu cầu lấy nước, mùa vụ của người dân, của các công trình khai thác nước ven sông. Trong trường hợp không phù hợp, phải ưu tiên việc lấy nước của người dân trước, yêu cầu về phát điện phải đặt sau, kể cả phải dừng phát điện như một số nhà máy thủy điện trong thời gian vừa rồi.

Như đã nói ở trên, nguyên tắc quan trong nhất trong các Quy trình liên hồ và cũng là trên thực tế vận hành là đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên sông và nhu cầu sử dụng nước tối thiểu ở hạ du trước cả việc bảo đảm hiệu quả phát điện cũng là để bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân ở hạ du với các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn.

PV: Xin ông cho biết những biện pháp để đảm bảo nhu cầu tối thiểu về nước cho hạ du?

Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy: Các biện pháp để đảm bảo nhu cầu tối thiểu về nước cho hạ du đã được quy định cụ thể, rõ ràng kể cả trong các tình huống bất thường, không lường trước được đã được Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng Quy trình. Vấn đề hiện nay là các chủ hồ cần tuân thủ nghiêm túc các quy định đó đi đôi với việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các Bộ ngành, địa phương.

Về phía Cục Quản lý tài nguyên nước, ngay từ cuối mùa lũ, đầu mùa cạn đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi làm việc, hướng dẫn các chủ hồ, địa phương trong việc thực hiện Quy trình; hướng dẫn, xử lý các trường hợp cụ thể; lập tổ công tác để theo dõi, giám sát việc vận hồ; thiết lập kênh thông tin trực tiếp giữa Cục với các đơn vị quản lý vận hành hồ để cung cấp thông tin số liệu vận hành hằng ngày, kịp thời xử lý các trường hợp phát sinh... Đồng thời, Bộ TN&MT cũng đã thực hiện kiểm tra đột xuất việc vận hành, xử phạt vi phạm hành chính đối với Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 và Srêpôk 4A. Hiện nay, Bộ cũng đang thực hiện kiểm tra đột xuất việc vận hành của Thủy điện An Khê - Ka Nak từ đầu mùa cạn đến nay.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường kiểm tra đột xuất, thanh tra và kiên quyết xử lý vi phạm đối với các trường hợp không tuân thủ Quy trình. Đồng thời, cũng cần tăng cường công tác theo dõi, giám sát việc vận hành của các hồ thông qua việc áp dụng công nghệ giám sát vận hành tự động trực tuyến nhằm bảo đảm việc tuân thủ Quy trình, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, đồng thời nâng cao hiệu quả phối hợp vận hành điều tiết, cấp nước cho hạ du.

Xin trân trọng cảm ơn ông!


Mai Đan (thực hiện)