Miền Trung: Nguy cơ mất mùa do thiếu nước sản xuất

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 23/02/2016

(TN&MT) - Những ngày qua, nông dân tại các tỉnh miền Trung đang đứng ngồi không yên trước tình trạng khô hạn, thiếu nước sản xuất xảy ra trên diện rộng.
Trước thực trạng thiếu nước sản xuất vụ mùa cho bà con nông dân trong tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các hồ chứa nước hạn chế xả nước phát điện
Trước thực trạng thiếu nước sản xuất vụ mùa cho bà con nông dân trong tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các hồ chứa nước hạn chế xả nước phát điện

Với lượng mưa sụt giảm trong năm 2015, khiến cho việc triển khai chống hạn ngay trong mùa mưa đã trở nên quen thuộc với người dân cùng với các cấp chính quyền các tỉnh miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. Nắng hạn kéo dài, lượng mưa ít suốt năm 2015 nên hiện nay, trên 70% số hồ chứa nước thủy lợi ở Quảng Nam đang thiếu nước nghiêm trọng.

Trước thực trạng thiếu nước sản xuất vụ mùa cho bà con nông dân trong tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các hồ chứa nước hạn chế xả nước phát điện tại Công văn số 205/UBND-KTN ngày 15/01/2016. Hồ chứa A Vương không thực hiện vận hành xả nước qua phát điện đến hết ngày 31/01/2016 nhằm nâng cao mực nước lên cao trình tối thiểu. Hồ chứa Sông Bung 4 hạn chế xả nước phát điện để nâng mực nước lên cao trình mực nước dâng bình thường để tích trữ thêm khoảng 20 triệu m3 nước cho phát điện và bổ sung lượng nước thiếu hụt vào mùa khô năm 2016. Đồng thời, UBND tỉnh cũng khuyến khích hồ chứa Đăk Mi 4 nâng mực nước lên cao trình mực nước dâng bình thường.

Nông dân tại các tỉnh miền Trung đang đứng ngồi không yên trước tình trạng khô hạn, thiếu nước sản xuất xảy ra trên diện rộng
Nông dân tại các tỉnh miền Trung đang đứng ngồi không yên trước tình trạng khô hạn, thiếu nước sản xuất xảy ra trên diện rộng

Dù đang trong mùa mưa, mùa phát điện, nhưng trước tình hình thiếu nước sản xuất nghiêm trọng và hiện tượng El Nino đang đe dọa đến đời sống và kinh tế của người dân, tỉnh Quảng Nam cũng đã mạnh dạn đề xuất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam có giải pháp chống hạn, đặc biệt yêu cầu các nhà máy thủy điện đóng trên địa bàn phải phối hợp thực hiện nghiêm các biện pháp chống hạn cho hạ du.

Theo đó, thủy điện Sông Bung 4 đã quyết định xả nước 10 ngày với hơn 32 triệu m3 nước về hạ du để cứu mặn hạ du sông Vu Gia và TP. Đà Nẵng. Trước đó, từ ngày đầu tháng 1 đến nay, hồ thủy điện Sông Bung 4 đã xả về hạ du sông Vu Gia 110 triệu m3 nước trong tình hình khó khăn chung, công ty không đặt nặng lợi ích kinh tế từ phát điện mà cố gắng vận hành bảo đảm hài hòa lợi ích kinh tế, xã hội giữa thủy điện và người dân ở hạ du.

Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cũng đã cho phép thủy điện Sông Bung 4 vào lại thị trường phát điện cạnh tranh nhưng điều hành xả nước phát điện ở mức độ vừa phải, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước của hạ du và dự trữ để phục vụ xả nước phát điện trong thời gian cao điểm mùa nắng nóng (tháng 4, 5 và 6/2016).

Nhà máy nước Cầu Đỏ (Đà Nẵng) đang lao đao trong việc xử lý nguồn nước
Nhà máy nước Cầu Đỏ (Đà Nẵng) đang lao đao trong việc xử lý nguồn nước

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng cho biết, tình hình thời tiết vụ Đông Xuân năm 2015-2016 tại Đà Nẵng có thể xảy ra khô hạn, thiếu nước; dung tích trữ của các hồ chứa còn thiếu. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp năm 2016 có thể gặp rất nhiều khó khăn, dự kiến khoảng 647ha lúa sẽ bị hạn. Trong khi đó, từ ngày đầu tháng 2/2016 đến nay, tại sông Cầu Đỏ (quận Cẩm Lệ) bị nhiễm mặn nặng, có lúc vượt 2.500 mg/lít (gấp 10 lần mức cho phép). Vụ Đông - Xuân 2015-2016 sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn nước tưới; hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ xảy ra và có khả năng kéo dài gay gắt nhất từ trước đến nay.

Trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sản xuất trầm trọng, nhằm giảm thiểu thiệt hại, ngành nông nghiệp Đà Nẵng đã tăng cường tuyên truyền đến các hộ dân, tổ hợp tác dùng nước, các đơn vị quản lý thủy nông tưới nước tiết kiệm, chủ động các biện pháp chống hạn và có giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để hạn chế thiệt hại. Đồng thời, tổ chức nạo vét kênh mương, tu bổ, đắp kín các đập thời vụ, đập ngăn kênh tiêu trong khu tưới, khắc phục rò rỉ nước kênh mương và đồng ruộng; tổ chức vận động nông dân đắp bờ giữ nước, đắp các đập tạm trên các mương tiêu để lấy nước, sử dụng nước tiết kiệm.

Nông dân đang khốn đốn trong việc sử dụng nguồn nước tưới tiêu và sinh hoạt
Nông dân đang khốn đốn trong việc sử dụng nguồn nước tưới tiêu và sinh hoạt

Còn theo ông Trương Xuân Tý - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam, hiện các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh cũng thiếu hụt nước nghiêm trọng, khó bảo đảm cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trong năm 2016 nếu không có mưa tiểu mãn và mưa bổ sung trong tháng 7, tháng 8/2016.

“Chi cục sẽ lập kế hoạch nhu cầu nước hạ du một cách chi tiết và hiệu quả nhất nhằm tiết kiệm từng “giọt nước” của các hồ thủy điện. Hiện nay, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đặt ra những kịch bản đối phó với các tình huống đặc biệt nhằm giải quyết tình hình thiếu nước chung của tỉnh. Chi cục đã, đang và sẽ tiếp tục có những yêu cầu giảm phát điện để giữ nước, tập trung dự trữ nước cho mùa cạn, nóng, đặc biệt là thời kỳ sử dụng nước gia tăng mùa hè và thu 2016”, ông Trương Xuân Tý nói.

Bài & ảnh: Xuân Lam