Chưa thu hút được nguồn nhân lực KTTV và BĐKH
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 12/11/2015
1 khóa có… 6 sinh viên
Hiện nay, bậc đại học, cao đẳng trong lĩnh vực khí tượng thủy văn ở nước ta đang được đào tạo ở 3 trường trực thuộc Bộ tài nguyên và Môi trường: Đại học Tài nguyên và môi trường Hà Nội, Đại học Tài nguyên và môi trường TP Hồ Chí Minh, Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường miền Trung. Ngoài ra, Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, Đại học Thủy lợi và một số trường đại học địa phương cũng mở chuyên ngành đào tạo liên quan. Riêng lĩnh vực biến đổi khí hậu mới duy nhất có trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội mở chuyên ngành Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, đã tuyển sinh được 2 khóa.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng tuyển sinh hằng năm ở các trường rất khiêm tốn. Theo TS. Nguyễn Quang Hưng, Khoa Khí tượng Thủy văn và hải dương học, Trường Đại học khoa học Tự nhiên, vấn đề thu hút sinh viên theo học các ngành Khí tượng, Thủy văn, Hải dương của trường đều gặp khó khăn. Hằng năm, tổng số sinh viên tuyển được ở cả 3 ngành này nằm trong khoảng từ 50 -100 sinh viên, ít hơn so với chỉ tiêu đặt ra là 120 sinh viên. Mùa tuyển sinh năm 2015, ngành Thủy văn chỉ tuyển được… 6 sinh viên.. Trường đại học tài nguyên và Môi trường Hà Nội số lượng tuyển sinh ổn định hơn, khoảng 500 sinh viên cả hệ đại học và cao đẳng, nhưng vẫn ít hơn so với các chuyên ngành khác.
ảnh minh họa: Cần có cơ chế thu hút người học trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu |
Nguyên nhân là do cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường chủ yếu là làm việc trong các cơ quan nhà nước, thu nhập thấp so với các ngành nghề khác, trong khi kiến thức chương trình đào tạo thuộc loại khó nên sinh viên không an tâm với nghề, tỷ lệ sinh viên ra trường bám ngành thường chỉ dưới 50%.
Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu là những ngành có tính chất chuyên môn đặc thù, biến đổi hậu lại là lĩnh vực mới, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kinh tế, luật… Trong khi đó, chất lượng tuyển sinh đầu vào lại thấp, sinh viên chỉ học mang tính chất đối phó nên rất khó tạo sự say mê với nghề.
Nguy cơ thiếu hụt đội ngũ cán bộ giảng dạy trình độ cao trong tương lai cũng là một thách thức cho các trường. “Xét tổng thể, số lượng giảng viên hiện tại đang thiếu so với nhu cầu đào tạo và nghiên cứu, chương trình đào tạo tuy đã được cập nhật nhưng vẫn còn nhiều khoảng cách so với yêu cầu thực tiễn của ngành”, TS. Nguyễn Thế Hưng, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Cần hỗ trợ tăng chất lượng đào tạo
Nhu cầu đào tạo KTTV&BĐKH vẫn còn nhiều tiềm năng bởi lĩnh vực này đòi hỏi phải có nghiệp vụ chuyên môn, biến đổi khí hậu còn khá mới và đang được Nhà nước chú trọng nhưng chưa có nhiều người nghiên cứu chuyên sâu. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các cơ quan quản lý Nhà nước về biến đổi khí hậu thuộc nhiều Bộ, ngành, địa phương hoặc tham gia vào các tổ chức phi chính phủ về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng và lĩnh vực môi trường nói chung. Theo Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, nhân lực công tác trong hai lĩnh vực này ở cấp Trung ương đang có khoảng 4.000 người, dự báo trong giai đoạn 2015 – 2020 cần thêm khoảng 600 – 1000 người, chủ yếu để bổ sung, thay thế đội ngũ cán bộ nghỉ hưu. Chưa kể tại nhiều địa phương, do đặc thù chuyên ngành nên số cán bộ, công chức quản lý rát ít, có trình độ đại học còn hạn chế. Ở cả hai cấp tỉnh và huyện đều chưa có cán bộ được giao chuyên trách công tác quản lý mà hầu hết là kiêm nhiệm.
ảnh minh họa: Cần có cơ chế thu hút người học trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu |
Làm thế nào để hấp dẫn sinh viên, mở rộng các chuyên ngành đào tạo, bổ sung nguồn lao động chất lượng cao cho lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu? Theo TS. Nguyễn Quang Hưng, Nhà nước cần có những chính sách tăng thu nhập cho cán bộ công tác trong ngành, đầu tư mạnh mẽ vào các cơ sở làm việc và tạo có những chế độ ưu đãi thu hút sinh viên, tạo điều kiện ổn định nguồn nhân lực đầu vào. Bộ Tài nguyên và Môi trường nên hỗ trợ các trường đại học trong việc tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên sinh viên đi thực tập, thực địa tại các cơ sở của ngành; hỗ trợ sinh viên các nguồn số liệu nghiên cứu và học tập, vận động xây dựng quỹ học bổng cho các sinh viên có thành tích học tập và nghiên cứu khoa học tốt.
Các trường cũng cần tăng cường đào tạo nhân lực tham gia giảng dạy, cùng các cơ quan chức năng có chính sách thiết thực để thu hút nhân sự tham gia giảng dạy, cũng như đào tạo để nâng cao trình độ giảng viên, tăng cường sự nghiên cứu phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước. Điều quan trọng là các cơ sơ đào tạo nhân lực và cơ quan sử dụng nguồn nhân lực nên tăng cường mối liên kết chặt chẽ, hợp tác thường xuyên, có sự trao đổi thông tin, đặc biệt là đối với các nội dung, chủ đề mới mà cơ quan sử dụng nguồn lực cần tăng cường, phát triển mới, từ đó có những định hướng để học viên an tâm bám nghề.
Khánh Ly