Lâm Đồng minh bạch hóa khai thác khoáng sản
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 25/10/2015
Ngày 6/10, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 2147/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản (KTKS) năm 2015. Trưởng phòng Khoáng sản (KS), Sở TN&MT - ông Huỳnh Thiên Tính cho biết: Căn cứ vào Luật KS năm 2010, đây là phương thức lần đầu tiên được triển khai và trong tháng 10 này Sở TN&MT và Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá (TTDVBĐG) tỉnh sẽ khẩn trương phối hợp triển khai thực hiện.
Rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ
Luật KS năm 2010 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Theo đó, 2 Nghị định của Chính phủ ra đời: Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 9/3/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật KS, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/4/2012; Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 quy định về đấu giá quyền KTKS và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2012. So với trước, hiện nay các văn bản này có nhiều điểm mới. Đó là: Thời gian cấp GPKT KS phụ thuộc vào trữ lượng KS được phê duyệt và công suất khai thác; GPKT KS có thời hạn không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm. Khu vực thăm dò KS phải nằm trong quy hoạch KS và khu vực không đấu giá quyền KTKS. Tiền cấp quyền KTKS phải nộp trước ngày 31/3 hàng năm. Vốn sở hữu trong thăm dò, KTKS ít nhất bằng 50% tổng vốn đầu tư thăm dò và 30% vốn đầu tư khai thác. Tổ chức, cá nhân KTKS phải báo cáo định kỳ hoạt động KS 1 năm 1 lần vào cuối kỳ báo cáo (từ 15/12 đến 31/12). GPKT KS bị thu hồi là sau 12 tháng, kể từ ngày cấp GP có hiệu lực nhưng chưa xây dựng cơ bản mỏ hoặc chưa tiến hành khai thác, trừ trường hợp bất khả kháng... UBND cấp tỉnh chỉ cấp giấy phép thăm dò (GPTD), KTKS làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn; các loại KS còn lại thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT cấp... Hành vi xử phạt vi phạm hành chính nay được mở rộng ra và tăng hình phạt cao hơn, trong đó mức phạt mỗi hành vi đối với DN cao gấp đôi so với cá nhân..., mức phạt cao nhất có thể lên đến 2 tỷ đồng.
Tại buổi đối thoại với các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực KS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo Sở TN&MT đã cam kết: Tất cả các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về KS đều được Sở này giải quyết giảm so với quy định của Luật KS. Đơn cử: Cấp GPTD KS 90 ngày (giảm 3 ngày); Gia hạn GPTD KS 40 ngày (giảm 8 ngày); Trả lại GPTD KS hoặc trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò KS 36 ngày (giảm 12 ngày); Phê duyệt trữ lượng KS 122 ngày (giảm 61 ngày); Cấp GPKT KS 82 ngày (giảm 11 ngày); Gia hạn GPKT KS 43 ngày (giảm 5 ngày)...
Có 15 khu vực đấu giá khai thác
Tại khoản 1, điều 78 Luật KS năm 2010 quy định: “Đấu giá quyền KTKS thực hiện ở các khu vực hoạt động KS, trừ khu vực được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khoanh định là khu vực không đấu giá quyền KTKS”. Quyết định số 2147/QĐ-UBND của tỉnh Lâm Đồng công bố năm 2015 toàn tỉnh có 15 khu vực đấu giá quyền KTKS. Bao gồm 10 mỏ đá sau: N’Thôl Hạ, Đức Trọng (2 mỏ); Tân Nghĩa, Di Linh; Đạ Oai, Đạ Huoai; Đạm B’ri, Bảo Lộc; Hòa Nam, Di Linh (2 mỏ); Phú Sơn, Lâm Hà; Đại Lào, Bảo Lộc; Tu Tra, Đơn Dương; 3 mỏ cát: sông Đạ M’ri, xã Phước Lộc, Đạ Huoai; suối Cam Ly, xã Bình Thạnh, Đức Trọng; sông Đạ Dâng, xã Gia Hiệp, Di Linh và xã Đan Phượng, Lâm Hà và 2 mỏ đất tại xã Đạ Kho, Đạ Tẻh. 15 khu vực này đều nằm trong quy hoạch thăm dò, KTKS đến năm 2020, đã được tỉnh phê duyệt.
Để thực hiện, UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT có trách nhiệm: nghiệm thu và xác nhận hồ sơ mời đấu giá quyền KTKS; phối hợp với TTDVBĐG tỉnh triển khai đấu giá,... Đối với TTDVBĐG, quyết định số tiền đặt trước; chịu trách nhiệm về kết quả của phiên đấu giá; cung cấp biên bản phiên đấu giá… Các UBND huyện, thành phố nơi có khu vực KS đưa ra đấu giá và các sở liên quan như KH&ĐT, Tư pháp, Tài chính, Công thương, Xây dựng phối hợp thực hiện.
Nếu trong năm 2015 chưa thực hiện đấu giá quyền KTKS hết các khu vực mỏ đã được phê duyệt nêu trên thì các mỏ còn lại sẽ được chuyển sang đấu giá quyền KTKS trong các năm tiếp theo. Năm 2014, UBND tỉnh Lâm Đồng cấp 15 GPTD KS làm vật liệu xây dựng thông thường cho các tổ chức, cá nhân và Bộ TN&MT cấp 1 GPTD cao lanh và chuyển nhượng 1 GPTD vàng. Cũng trong năm 2014, UBND tỉnh cấp 9 GPKT KS. Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Ngọc Phúc cho biết, năm 2016, toàn tỉnh Lâm Đồng sẽ có 64 giấy phép hoạt động KS hết hạn.
Phối hợp tăng cường giám sát và quản lý
Năm 2014, Sở TN&MT Lâm Đồng phối hợp cùng các cơ quan, ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương đã kiểm tra phát hiện một số địa bàn KTKS trái phép. Đó là, khai thác cao lanh tại xã Lộc Châu, TP.Bảo Lộc; khai thác thiếc tại địa bàn xã Đạ Sar và xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương và khai thác vonfram tại địa bàn xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm. Nguyên nhân chính do công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên KS chưa khai thác của chính quyền cấp huyện, xã, đơn vị chủ rừng nơi có KS chưa chặt chẽ, buông lỏng, xử lý không kiên quyết ngay từ đầu và không báo cáo về cơ quan cấp trên để chỉ đạo xử lý.
Tình hình KTKS trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn còn những diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều hình thức, nhất là khai thác cao lanh, vàng, thiếc, cát , đá xây dựng, đất san lấp... Vì vậy, nếu UBND các xã, phường, thị trấn, các đơn vị chủ sử dụng đất, UBND các huyện, thành phố buông lỏng công tác kiểm tra, giải tỏa và không kiên quyết xử lý ngay từ đầu sẽ trở thành điểm nóng. Theo quy định của pháp luật về KS, UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh và UBND các xã, phường, thị trấn có thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về KS như thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên KS, môi trường, bảo đảm an ninh trật tự xã hội tại khu vực có KS và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật. Thực tế cho thấy, thời gian qua, chính quyền cấp huyện, xã chưa làm hết thẩm quyền của mình. Mặt khác, công tác hậu kiểm vẫn còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ và còn chồng chéo giữa các sở, ngành liên quan và các chính quyền địa phương. Hi vọng từ bây giờ, khi có Quyết định 2147/QĐ-UBND của UBND tỉnh, tình hình quản lý KS sẽ càng chặt chẽ và càng minh bạch.
Theo Báo Lâm Đồng