Quản lý đa dạng sinh học: Thiếu trầm trọng lực lượng có chuyên môn

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 06/10/2015

(TN&MT) - Sau 7 năm thực thi, Luật Đa dạng sinh học 2008 đã góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ và duy trì hệ sinh thái của đất nước. Tuy nhiên, đến nay, các địa phương vẫn lúng túng trong thành lập bộ phận chuyên môn quản lý đa dạng sinh học để tổ chức triển khai Luật.

Vắng bóng lực lượng chuyên trách

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước có 166 Khu bảo tồn được phân hạng bao gồm 31 Vườn quốc gia, 64 Khu dự trữ thiên nhiên, 16 Khu bảo tồn loài – sinh cảnh và 55 Khu bảo vệ cảnh quan. Bộ đang phối hợp với các đơn vị có liên quan đề xuất nâng cấp 1 Khu dự trữ thiên nhiên Núi Phia Oắc thành Vườn quốc gia Phia Đén – Phia Oắc; nâng cấp 1 Khu bảo tồn loài sinh cảnh Lung Ngọc Hoàng và 2 Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ và Cù Lao Chàm thành Khu dự trữ thiên nhiên. Mặc dù, có nhiều khu bảo tồn nhưng lực lượng cán bộ làm công tác này lại rất thiếu. Chỉ một số ít Ban quản lý các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn đã hình thành Phòng Bảo tồn thiên nhiên, hay Phòng Khoa học kết hợp với công tác bảo tồn, nhưng hoạt động bảo tồn vẫn theo tư duy truyền thống là các hoạt động bảo vệ của lực lượng kiểm lâm.

 Có tới 55/63 tỉnh có khu bảo tồn thiên nhiên và rừng quốc gia. Tuy nhiên, tại  Chi cục Bảo vệ môi trường của 55 tỉnh này, chưa có đơn vị nào đã thành lập Phòng Quản lý bảo tồn và Đa dạng sinh học. Riêng tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ thành lập Phòng Truyền thông môi trường và Đa dạng sinh học; tỉnh Bắc Ninh hiện nay cũng đang trình xin thành lập thêm Phòng Truyền thông môi trường và Đa dạng sinh học. Về số lượng công chức làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học của các Chi cục Bảo vệ môi trường và các Phòng Tài nguyên và Môi trường tại 55 tỉnh này rất ít. Ở cấp huyện, có 672/675 quận, huyện thành lập Phòng Tài nguyên và Môi trường nhưng chưa có huyện nào phân công trực tiếp cho công chức chuyên trách về công tác bảo tồn và đa dạng sinh học, mà chỉ là công chức làm kiêm nhiệm về công tác môi trường nói chung.

Các địa phương vẫn lúng túng trong quản lý đa dạng sinh học. Ảnh: MH
Các địa phương vẫn lúng túng trong quản lý đa dạng sinh học. Ảnh: MH

Đặc biệt, như tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Đắk Lắc, An Giang, Kiên Giang, Bình Thuận, Đà Nẵng... là những tỉnh có Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, nhưng tại các Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh đều không có công chức chuyên trách về bảo tồn và đa dạng sinh học cũng như không có công chức được đào tạo về chuyên ngành này. Ở cấp xã, huyện, cán bộ làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học càng hạn chế hơn và hầu như không có.

Cần quan tâm, đào tạo  đội ngũ chuyên môn

Theo ông Nguyễn Kim Tuyển – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Môi trường): Về chức năng, nhiệm vụ, các Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như các Chi cục Bảo vệ môi trường đều có chức năng, nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền ban hành. Tuy nhiên, hầu  hết các Sở cũng như Chi cục Bảo vệ môi trường chưa đề cập đến nội dung bảo tồn đa dạng sinh học hoặc các nội dung này chỉ được nêu hết sức hạn chế, chưa rõ về công tác quản lý, điều hành thực tế về đa dạng sinh học tại các địa phương.

Các tỉnh, thành phố lớn như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các nội dung đa dạng sinh học cũng chưa được đề cập một cách đầy đủ, chi tiết. Vì vậy, để thực thi Luật Đa dạng sinh học, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học ở các địa phương cần thành lập phòng chuyên môn quản lý Nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học.

Các Sở Tài nguyên và Môi trường nên bổ sung biên chế cho Chi cục Bảo vệ môi trường để tăng cường số công chức làm nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học để thành lập thêm 1 phòng có chức năng quản lý đa dạng sinh học. Phân bổ và tăng biên chế cho Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, cán bộ chuyên trách cho cấp xã của các địa phương nơi có đa dạng sinh học để cấp huyện và cấp xã có đủ nhân lực thực thi triển khai Luật Đa dạng sinh học theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương.

Hiện nay, việc bảo tồn đa dạng sinh học chưa hiệu quả, ngoài việc thiếu bộ phận chuyên môi quản lý còn các quy định của pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học thiếu tính đồng bộ; chồng chéo về chức năng giữa các Bộ, ngành. Để bảo đảm tính thống nhất cần chuyển giao và sát nhập một số các đơn vị có chức năng quản lý như: Chi cục Kiểm lâm và Chi cục Khai thác quản lý nguồn lợi thủy sản về Sở Tài nguyên và Môi trường. Từ đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét: Xác định rõ tỷ lệ kinh phí từ nguồn sự nghiệp môi trường dành cho bảo tồn đa dạng sinh học tại các địa phương cũng như các đối tượng được cấp kinh phí, trong đó có Ban Quản lý các Khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.

Linh Chi