Nhiều doanh nghiệp "quên" trách nhiệm bảo vệ môi trường

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 15/09/2015

(TN&MT) - Sau khi Báo Tài nguyên và Môi trường ngày 10/9/2015 đăng bài “Chí Linh – Hải Dương loạn khai thác đất sét”, phóng viên tiếp tục nhận được những phản ánh của người dân, cũng như chính quyền sở tại về việc làm “coi thường luật pháp” của nhiều cơ sở, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp khai thác, chế biến đất sét, sản xuất vật liệu chịu lửa… Họ đã cố tình hoặc phớt lờ quan trắc môi trường định kỳ và làm báo cáo đánh giá tác động môi trường, khiến khu vực này đang ô nhiễm nghiêm trọng.

Phớt lờ trách nhiệm bảo vệ môi trường

Tiếp cận nhiều cơ sở, HTX, doanh nghiệp khai thác, chế biến đất sét, vật liệu chịu lửa… trên địa bàn Thị xã Chí Linh – tỉnh Hải Dương, hầu hết các cơ sở này đều “quên” quan trắc môi trường định kỳ và chế độ giám sát môi trường hàng năm để kịp thời phát hiện, xử lý những nguồn thải ra các chất gây ô nhiễm làm ảnh hưởng tới chất lượng môi trường.

Tại Xí nghiệp Khai thác sét Trúc Thôn Viglacera ở phường Cộng Hòa, sau một thời gian gián đoạn do gặp khó khăn về tài chính, năm 2012 Xí nghiệp này đã hoạt động trở lại và từ đó tới nay, không làm quan trắc môi trường, không lập báo cáo môi trường định kỳ hàng năm. Ông Lê Đức Hoài – Giám đốc Xí nghiệp thừa nhận: 3 năm nay, Xí nghiệp chưa làm quan trắc môi trường, hàng năm cảnh sát môi trường, phòng chức năng có đến kiểm tra nhưng cũng chỉ nhắc nhở, không xử phạt. Có mặt tại Công ty Tâm Thành, câu chuyện vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường còn nhiều nghiêm trọng. Tên Công ty Tâm Thành, nhưng hồ sơ quan trắc môi trường thì mang tên HTX Vận tải hàng hóa hành khách du lịch Chí Linh từ năm 2010, tức là rất lâu rồi họ không làm quan trắc môi trường?! Trong khi, Công ty đi vào hoạt động năm 2004 và giờ Nhà máy chế biến sét mang tên Công ty Tâm Thành đang hoạt động nhờ vào việc “ăn đong” nguyên liệu sét từ mỏ sét Trúc Thôn thuộc Công ty Trúc Thôn.

Sét được doanh nghiệp “ném” ra cả đường gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường
Sét được doanh nghiệp “ném” ra cả đường gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường

Tại Nhà máy chế biến sét của Công ty Tâm Thành, phóng viên phát hiện nguyên liệu sét được đánh đống cao, quăng vạ vật, lấn cả cạnh ruộng lúa của người dân, lại cạnh khu dân cư nên tình trạng gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường là không thể tránh khỏi. Nhiều năm qua, thiếu hoàn toàn các thủ tục pháp lý về môi trường nhưng Công ty vẫn hoạt động bình thường, không một lần bị đình chỉ sản xuất, không biên bản xử phạt, có hay chăng cũng chỉ là biên bản khiển trách, nhắc nhở do UBND phường Cộng Hòa lập.

Tại HTX Côn Sơn, Nhà máy chế biến sét làm tạm bợ, sơ sài như cơ sở gia đình. Không quan trắc môi trường, không báo cáo đánh giá môi trường, không có biện pháp bảo vệ môi trường. Một người quản lý cho biết: Nhà chỉ ký cam kết với phường về bảo vệ môi trường chứ không làm các thủ tục như trên, mong các anh thông cảm, HTX chỉ làm nho nhỏ thôi!?

“Họ xem thường chúng tôi lắm”!

Đó là câu nói quá quen khi về phường Cộng Hòa làm việc về tình trạng khai thác sét, vật liệu chịu lửa, vật liệu xây dựng đang diễn ra phức tạp tại đây. Ông Hoàng Văn Mạnh, Chủ tịch UBND phường Cộng Hòa thừa nhận: Phường chỉ có chức năng lập biên bản, nhắc nhở chứ chưa xử phạt vi phạm hành chính. Sau đó, ông Mạnh đưa cho phóng viên một loạt biên bản làm việc với các cơ sở, HTX, doanh nghiệp khai thác, chế biến sét trên địa bàn liên quan tới môi trường.

Đường bị cày xới, bụi khi trời nắng, lầy lội, nhem nhuốc khi trời mưa đó là những cảnh tượng quá quen với người dân nơi đây. Ông Nguyễn Bá Thanh, phụ trách môi trường phường Cộng Hòa cho biết: Doanh nghiệp chỉ biết múc sét lên xe rồi trở đi và không có biện pháp phun rửa xe trước khi ra khỏi mỏ làm đất bụi vương ra đường.

Theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn Lô Động, phường Cộng Hòa có một doanh nghiệp được cấp 8,1ha mỏ sét và đang khai thác, nhưng doanh nghiệp này cố tình không đền bù một lần mà đền bù theo kiểu lấy khoáng sản tới đâu đền bù đến đó. Với cách làm xem thường pháp luật, người dân mà doanh nghiệp này vẫn được hoàn thiện hồ sơ thiết kế mỏ trình cơ quan chức năng thẩm định và cho tiến hành khai thác, đấy là chưa kể tới hàng loạt các hồ sơ trách nhiệm pháp lý khác? Ngoài ra, doanh nghiệp còn làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của 7 hộ dân, nguy cơ chết người do sạt lở đất xuống đầu người dân là rất cao mà hiện tại doanh nghiệp này mới chịu đền bù thiệt hại cho một hộ dân.

Ông Dương Văn Sinh, Phó Trưởng phòng TN&MT thị xã Chí Linh cho biết: Thực trạng khai thác sét lén lút hầu như hạn chế rất nhiều, chỉ các cơ sở, HTX, doanh nghiệp chưa tuân thủ hết quy định về thủ tục pháp lý bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, khi Phòng đi kiểm tra hay cơ quan liên ngành tiến hành kiểm tra họ đều lấy lý do để né tránh, việc phát hiện, xử lý là rất khó. Tuy nhiên, để xử phạt mang tính chất răn đe với mức phạt quy định cho phép hiện nay thì không thấm vào đâu với doanh nghiệp.

Thiết nghĩ, Thanh tra môi trường, Tổng cục Địa chất Khoáng sản và UBND tỉnh Hải Dương nên vào cuộc xử lý đối với các hành vi vi phạm trên mà Báo Tài nguyên và Môi trường đã nêu.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Doãn Xuân -   Mạnh Hưng