Quy định đóng cửa mỏ khoáng sản: Chặt chẽ và khả thi

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 18/08/2015

(TN&MT) - Khai thác khoáng sản gây những tác động trực tiếp, tiêu cực đến môi trường trong và xung quanh khu vực khai thác song thực tế còn nhiều khu vực đã kết thúc khai thác nhưng chưa được tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ theo quy định. Thực tế này đòi hỏi các quy định của pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản phải chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.

Điều chỉnh để sát thực tế hơn

Nghĩa vụ đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường khi kết thúc khai thác khoáng sản đã được quy định trong Luật Khoáng sản năm 1996 và hiện nay, trách nhiệm này được quy định tại Khoản 4 Điều 58 và Điều 73 Luật Khoáng sản năm 2010. Để thực thi có hiệu quả quy định này, Thông tư số 16/2013/TT-BTNMT ngày 29/11/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn thực thi khá đầy đủ và chi tiết. Theo đó, Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản phải phản ánh hiện thực khai trường khai thác cũng như các công trình phụ trợ tại thời điểm đóng cửa. Khi lập Đề án phải làm rõ:  Các công trình phục hồi môi trường đã thực hiện đến thời điểm lập Đề án (nếu có); hiện trạng các công trình khai thác mỏ và các công trình phụ trợ khai thác; tổng hợp trữ lượng khoáng sản đã khai thác, hiện trạng trữ lượng khoáng sản còn lại tại thời điểm lập Đề án. Trên cơ sở đó, nội dung Đề án phải xác định: Thống kê các công trình khai thác, các công trình phụ trợ, các bãi thải đất đá cần phải thực hiện cải tạo phục hồi môi trường (CTPHMT); khối lượng, kinh phí tương ứng cho mỗi hạng mục công việc;  các khu vực khai thác phải xử lý, đưa về trạng thái an toàn và ổn định lâu dài, khối lượng và kinh phí thực hiện; thống kê, kiểm kê trữ lượng đã khai thác, trữ lượng khoáng sản còn lại tính đến thời điểm đóng cửa để xác định hình thức đóng cửa. Trên cơ sở đó xác định tổng chi phí, thời gian, tiến độ thực hiện Đề án đóng cửa mỏ để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đóng cửa mỏ là khâu quan trọng phục hồi môi trường sau khai khoáng
Đóng cửa mỏ là khâu quan trọng phục hồi môi trường sau khai khoáng

Như vậy, nội dung của Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản đã bao hàm cả nội dung công tác CTPHMT cần thực hiện tại thời điểm đóng cửa. Điểm khác biệt cơ bản đó là các công trình cần CTPHMT, khối lượng, kinh phí thực hiện trong Phương án CTPHMT chỉ là dự tính, dự báo, còn các công trình cần CTPHMT, khối lượng, kinh phí thực hiện trong Đề án đóng cửa mỏ là hiện thực. Do đó, theo quy định hiện hành, việc kiểm tra, xác nhận hoàn thành Phương án CTPHMT sẽ thực hiện đồng thời với công tác nghiệm thu việc thực hiện Đề án đóng cửa mỏ.

Cũng theo quy định của Luật khoáng sản 2010, kinh phí thực hiện Đề án đóng cửa mỏ do tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chi trả. Sau khi hoàn thành việc thực hiện Đề án, đã được kiểm tra, nghiệm thu và cơ quan có thẩm quyền cấp phép ra quyết định đóng cửa mỏ thì tổ chức, cá nhân được hoàn trả toàn bộ tiền đã ký quỹ phục hồi môi trường (PHMT) trước đó.

Nhiều chuyển biến khi có luật

Đến nay, quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật về Bảo vệ môi trường đã quy định khá đầy đủ, cụ thể và có tính khả thi về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trong công tác CTPHMT khai thác khoáng sản và đóng cửa mỏ khoáng sản. Nhờ đó, thời gian gần đây, việc thực hiện trách nhiệm này của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã cải thiện đáng kể. Hầu hết các tổ chức, cá nhân đang khai thác khoáng sản đã lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Dự án/Đề án/Phương án CTPHMT trong khai thác khoáng sản và thực hiện nghĩa vụ ký quỹ PHMT theo quy định. Đến nay đã có hàng trăm tỷ đồng được ký tại Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và gần 600 tỷ đồng được ký tại Quỹ Bảo vệ môi trường của gần 60 tỉnh, thành phố cả nước. Một số tỉnh có số tiền ký quỹ cao như: Quảng Ninh: 328,14 tỷ đồng; Đồng Nai: 27,71 tỷ đồng; Hải Dương: 24,49 tỷ đồng; Yên Bái: 13,45 tỷ đồng v.v..

Một số mỏ khi kết thúc khai thác (đóng cửa mỏ) đã hoàn phục môi trường và chuyển mục đích sử dụng với giá trị cao hơn, bảo đảm môi trường, môi sinh (mỏ đá xây dựng Bửu Long - Đồng Nai), mỏ đá xây dựng của Cty 627 (TP. Hồ Chí Minh); nhiều mỏ đã thực hiện tốt công tác CTPHMT ngay trong quá trình khai thác như: mỏ đá xi măng Tràng Kênh - Hải Phòng, một số mỏ than vùng Quảng Ninh, một số mỏ titan tại Hà Tĩnh, Bình Định v.v... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mỏ đã kết thúc khai thác nhưng chưa thực hiện công tác đóng cửa mỏ, CTPHMT đúng Đề án đã duyệt; chỉ làm mang tính đối phó, không thực hiện đầy đủ các khối lượng công việc cần thực hiện; việc thẩm định, phê duyệt Dự án/Đề án/Phương án CTPHMT tại một số địa phương chưa sát thực tế, do đó tổng tiền đã duyệt để ký quỹ rất thấp không đủ thực hiện công tác CTPHMT khi đóng cửa mỏ.

Theo các chuyên gia khoáng sản, để nâng cao hiệu quả công tác thẩm định, phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, trong thời gian tới cơ quan chức năng cần nghiên cứu, hoàn thiện quy định của pháp luật trong thẩm định, phê duyệt Phương án CTPHMT để phản ánh đúng bản chất của công tác này, đồng thời phù hợp với các quy định của pháp luật về khoáng sản trong thẩm định, phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản; Tăng cường sự phối hợp trong thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản và môi trường; thu hồi tối đa khoáng sản trong quá trình khai thác; thực hiện tốt trách nhiệm xã hội đối với địa phương và người dân nơi có mỏ được khai thác.

Bài và ảnh: Thanh Minh