Thái Nguyên: Đề xuất gỡ vướng thi hành Luật Đất đai
Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 13/08/2015
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Thái Nguyên Nguyễn Hồng Sơn, trên địa bàn tỉnh có nhiều hộ gia đình, cá nhân làm nông nghiệp, có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên mảnh đất tự khai phá, chưa được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp có được hiểu là họ, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không? Bởi, theo quy định tại Khoản 30, Điều 3, Luật Đất đai năm 2013 chỉ quy định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, do đó, dẫn đến vướng mắc việc thực hiện cấp Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất trong hạn mức đối với hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, còn cho thuê đất đối với hộ không phải trực tiếp sản xuất nông nghiệp và khi bồi thường giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, do chậm tiến độ thực hiện dự án nên UBND tỉnh đã thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư. Nay, để thu hồi đất phải tiến hành kiểm tra, thanh tra xác định vi phạm, khi xác định có vi phạm, trường hợp này có được gia hạn sử dụng 24 tháng theo quy định tại Điểm i, Khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai năm 2013 để tiếp tục thực hiện dự án không ? hay thực hiện thu hồi đất ngay. Vì trường hợp này đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư nên không được phép tiếp tục đầu tư dự án.
Triển khai Luật Đất đai ở Thái Nguyên còn nhiều vướng mắc cần giải quyết. Ảnh: MH |
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2, Điều 11, Nghị định 45/2014/NĐ-CP hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi theo danh mục các xã đặc biệt khó khăn, khi được Nhà nước cấp Giấy Chứng nhận lần đầu đối với đất do chuyển mục đích sử dụng từ đất không phải là đất ở sang đất ở do tách hộ được miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở. Theo quy định này, đối với trường hợp là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thì Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất lần đầu, chuyển mục sử dụng từ đất không phải là đất ở sang đất ở không phải do tách hộ thì chưa được quy định cụ thể có được miễn giảm tiền sử dụng đất hay không được miễn giảm tiền sử dụng đất, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đề nghị, có quy định bổ sung trường hợp nêu trên để làm cơ sở thực hiện?
Đối với việc trích lục, trích đo, chỉnh lý bản đồ địa chính phục vụ cho công tác thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, quy định tại Điều 3 và Điều 18 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT của Bộ TN&MT việc trích đo địa chính được hiểu là trích đo địa chính thửa đất, tuy nhiên trên thực tế việc thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng của các công trình, dự án phần lớn các khu vực trích đo có quy mô diện tích và số lượng thửa đất lớn, do đó để thuận lợi cho việc tổ chức triển khai thực hiện, đề nghị quy định cụ thể hơn đối với công tác trích đo địa chính khu đất và lập phương án thi công, thiết kế kỹ thuật - dự toán.
Ngoài ra, bản đồ địa chỉnh ở nhiều địa phương trước đây được thành lập bằng công nghệ truyền thống (đo bằng máy kinh vĩ quang cơ, biên vẽ bản đồ tính diện tích bằng phương pháp thủ công) nên bản đồ có độ chính xác thấp. Để thực hiện các dự án phải thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng trong trường hợp khu vực thu hồi đất, giải phóng mặt bằng có cả các thửa phải chỉnh lý, không phải chỉnh lý (trích lục) và có cả các thửa phải trích đo (do biến động nhiều hoặc trước đây đo bao) thì việc biên tập bản đồ phục vụ công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phải thực hiện như thế nào để bảo đảm độ chính xác, tính pháp lý và đáp ứng tiến độ thực hiện các dự án? Đề nghị được bổ sung hướng dẫn cụ thể trong Thông tư.
Về độ chính xác của bản đồ địa chính Khoản 5, Điều 7, Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ TN&MT quy định: “Sai số tương hỗ vị trí điểm của 2 điểm bất kỳ trên ranh giới thửa đất biểu thị trên bản đồ địa chính dạng số so với khoảng cách trên thực địa được đo trực tiếp hoặc đo gián tiếp từ cùng một trạm máy không vượt quá 0,2 mm theo tỷ lệ bản đồ cần lập, nhưng không vượt quá 4 cm trên thực địa đối với các cạnh thửa đất có chiều dài dưới 5m”. Tuy nhiên, trong thực tế thi công đo đạc thành lập bản đồ địa chính, để bảo đảm độ chính xác theo quy định trên đối với các cạnh thửa đất có chiều dài dưới 5m là rất khó thực hiện, nhất là khi đo vẽ những thửa đất không có ranh giới cố định, rõ nét như đất nông nghiệp, đất ở có vườn, ao cùng thửa chưa xây tường rào và các loại đất khác. Độ chính xác quy định như trên chỉ có thể áp dụng đối với đất ở, đất có giá trị kinh tế cao khi đo vẽ bản đồ ở các tỷ lệ 1:200, 1:500. Do vậy, đề nghị xem xét chỉnh sửa nội dung quy định về độ chính xác khi đo vẽ cạnh thửa đất có chiều dài dưới 5m cho các đối tượng cụ thể để phù hợp với thực tế.
Trường Tuyết