Hàng trăm ngàn người dân Kiên Giang khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 14/07/2015

(TN&MT) - Ông Mai Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang nói: "Tôi kêu gọi người dân TP Rạch Giá hết sức tiết kiệm nước. Nhà nào có giếng khoan...

 

(TN&MT) - Kiên Giang là một trong những tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng biến đổi khí hậu. Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn từ đầu tháng 7/2015 đến nay tình hình thủy văn trên kênh Rạch Giá –Long Xuyên diễn biến rất phức tạp, nguồn nước ngọt từ thượng lưu đổ về Kiên Giang rất yếu, xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng, có nơi vào sâu đến trên 20 km so với cửa sông. Kể từ năm 1990 đến nay, đây là lần nhiễm mặn cao nhất trong lịch sử.

Hồ Dương Đông ở đảo Phú Quốc cũng cạn trơ đáy vào mùa khô.
Hồ Dương Đông ở đảo Phú Quốc cũng cạn trơ đáy vào mùa khô.

Thiếu nước do bị xâm nhập mặn

Ông Lê Thanh Hiền – Phó Giám đốc Đài khí tượng thuỷ văn Kiên Giang – cho biết: “Năm 2015 này tình hình thời tiết diễn biến hết sức bất thường. Theo số liệu thống kê hàng năm từ năm 1990 của Đài khí tượng thuỷ văn Kiên Giang thì độ mặn trong tháng 7 hàng năm chỉ đạt 4%0. Nhưng theo kết quả quan trắc độ mặn trên kênh Rạch Giá – Long Xuyên (tuyến kênh duy nhất cung cấp nước thô cho nhà máy của Kiwaco) mới đây của Đài khí tượng thuỷ văn Kiên Giang trên kênh Rạch Giá - Long Xuyên là 7.2%0  tại cửa sông Kiên và độ nặm 4%0  đi sâu vào kênh Rạch Giá - Long Xuyên từ 20 đến 22 km sang đến địa bàn huyện Thoại Sơn  tỉnh An Giang. Ngoài ra, mực nước đầu nguồn trên các sông tại Tân Châu và Châu Đốc cũng thấp hơn cùng kỳ từ 0,3 – 1m.

Đại diện Chi cục Thuỷ lợi Kiên Giang cho biết trước tình hình nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng có nơi tới 30km, cơ quan này đã yêu cầu đóng toàn bộ 18 cửa cống ngăn mặn chạy dài từ Hòn Đất tới Rạch Giá. Việc đóng cống nhằm tăng áp lực dòng chảy ép nước mặn trên 2 tuyến kênh Rạch Giá – Hà Tiên và Rạch Giá – Long Xuyên trở ra biển, nhưng rất tiếc đã không mang lại kết quả như mong muốn.

Hồ chứa nước còn lại chỉ đủ cung cấp cầm chừng
Hồ chứa nước còn lại chỉ đủ cung cấp cầm chừng

Ông Lê Thanh Hiền cho biết thêm: Theo dự báo từ nay đến cuối tháng 7 sẽ ít có khả năng có mưa trên diện rộng, do đó độ mặn trên các kênh dọc và hệ thống kênh ngang nội đồng của các huyện Tân Hiệp, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành và TP Rạch Giá sẽ còn tiếp tục ở mức cao.

Không chỉ cứ nắng hạn liên tục, kéo dài mới thiếu nước sinh hoạt mà hiện nay đang là mùa mưa mà việc thiếu nước sinh hoạt cũng rất đáng báo động, khi tình hình xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt, Rạch Giá một thành phố hỗ trợ trung chuyển cho các vùng du lịch nổi tiếng của tỉnh Kiên Giang, như Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương… với lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng ngày một cao. Nếu lượng nước cấp phục vụ cho sinh hoạt của thành phố bị thiếu hụt, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân mà hoạt động du lịch chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Xe phân phối của Kiwaco đang chở nước đi phân phối
Xe phân phối của Kiwaco đang chở nước đi phân phối

Khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt

Tình trạng thiếu nước trước nhu cầu nước sinh hoạt hiện nay tại thành phố Rạch Giá và huyện Hòn Đất của Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Kiên Giang (Kiwaco) đang hết sức căng thẳng. Hiện nay, hàng ngày trên địa bàn thành phố Rạch Giá và huyện Hòn Đất đang thiếu nước sinh hoạt rất nghiêm trọng. Nhiều người dân cho biết họ hoàn toàn bất ngờ trước thông tin hồ chứa của nhà máy nước bị cạn, bởi lẽ đây đã là giữa mùa mưa. Đến trưa 13/7, sau khi đi làm về nhiều người dân mới té ngửa khi thấy trong nhà không còn giọt nước nào.

Một điểm cấp nước lưu động trên đường Nguyễn Trung Trực, TP Rạch Giá.
Một điểm cấp nước lưu động trên đường Nguyễn Trung Trực, TP Rạch Giá.

Khi được hỏi về tình trạng nước sinh hoạt trong những ngày qua vào chiều ngày 13/7, ông Ong Việt Thanh, ngụ số 45/1 đường Bạch Đằng, phường Vĩnh Thanh (TP Rạch Giá) đang múc nước bên bờ sông Kiên cho PV biết:  “Đã 2 ngày nay tui đều phải đạp xe lôi hơn 5km để chở gần 100 lít nước múc dưới sông Kiên lên cho con dâu buôn bán và sinh hoạt. Sông Kiên mỗi ngày chỉ ngọt trong khoảng 1 giờ đồng hồ nên phải canh để múc nước. Biết là không đảm bảo vệ sinh, nhưng do con dâu tui chỉ tưới hoa cho tươi nên múc đại vì đâu còn cách nào khác” - ông Thanh vừa đưa nước lên xe lôi vừa quay lại phân trần với PV.

Còn bà La Thị Mỹ Lan, ngụ phường Vĩnh Thanh Vân (TP Rạch Giá) cho biết thêm rằng: Đã  từ 3 ngày nay gia đình bà đã phải thay nhau đi chở nước từ nhà bà con có giếng khoan về dùng. Nhiều hộ dân ở nhà trọ gần nhà bà Lan còn khốn đốn hơn khi không có bồn chứa nước dự trữ cũng như không có người thân nào ở gần để xin nước. Không ít cư dân ở trọ đã phải mua nước đóng chai loại bình 20 lít về để nấu ăn, tắm rửa.

Người dân dùng mọi vật dụng, phương tiện để chở nước về gia đình 
Người dân dùng mọi vật dụng, phương tiện để chở nước về gia đình

Theo người dân trong nhiều khu vực nội ô thành phố Rạch Giá thì mấy ngày nay do thiếu nước nghiêm trọng, nên nhiều người đã phải đi mua nước tinh khiết về để nấu cơm. Bình thường mỗi thùng nước tinh khiết 20 lít chỉ có giá 8.000đ, nhưng nay tăng dần lên 10.000đ, 12.000đ rồi 15.000đ và đến ngày 13/7 là 18.000đ. Nhiều gia đình còn phải thông báo cho cả nhà của mình rằng nên hạn chế… đi vệ sinh, ưu tiên nhường nước cho sinh hoạt.

Không chỉ người dân bình thường, mà việc thiếu nước còn ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của hàng ngàn doanh nghiệp, mà nặng nề nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn đóng trên địa bàn TP Rạch Giá. Một quản lý khách sạn trên đường Lạc Hồng, phường Vĩnh Lạc (TP Rạch Giá) chia sẻ với PV rằng: “Hệ thống bồn chứa của khách sạn có tổng dung tích 2.000 lít, mấy ngày nay mỗi ngày chỉ bơm chưa tới 1.000 lít. Thiếu nước nên nhiều khách lưu trú la ó phản đối, có người chịu không được đã trả phòng bỏ đi”.

Nguồn nước dự trữ chỉ “cầm cự” được nửa tháng

Theo ông Nguyễn Đức Hiền – Giám đốc Kiwaco – cho biết đến sáng 13/7, lượng nước trong hồ chứa 500.000m3 đã cạn kiệt, chỉ còn lại khoảng 50.000m3 trong hồ dự phòng tại nhà máy nước Rạch Giá, và nhà máy này cũng sẽ ngưng hoạt động vào cuối ngày 13/7. Hiện tại, Kiwaco đã huy động 10 xe chuyên dụng chở nước phân phát miễn phí cho dân Rạch Giá, cố gắng mỗi ngày 1 tuyến đường sẽ có 1 lượt xe chở nước đi qua, trong đó ưu tiên cho 3 bệnh viện lớn của tỉnh là: Bệnh viện đa khoa Kiên Giang mỗi ngày cấp 1.000m3, bệnh viện Bình An mỗi ngày khoảng 100m3 và bệnh viện y học cổ truyền mỗi ngày chừng 60m3.

Cũng theo ông Hiền, với lượng nước ít ỏi còn lại Kiwaco có thể cầm cự cấp nước sinh hoạt, ăn uống tối thiểu cho người dân TP Rạch Giá từ 10 – 15 ngày nữa, kể cả các bệnh viện cũng vậy. Không chỉ thiếu nguồn nước cấp mà nguy cơ xâm nhập mặn là rất lớn. Lượng nước đầu nguồn về ít, cộng với triều cường dâng cao dẫn đến độ mặn trong nước cũng sẽ tăng. Có thời điểm, độ mặn trong nước ở trong các kênh thủy lợi đạt gần ngang bằng với nước biển. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước phục vụ người dân. Trong khi nguồn nước sinh hoạt của người dân Thành phố Rạch Giá và huyện Hòn Đất luôn dựa nhiều vào nguồn nước kênh Rạch Giá – Long Xuyên nhưng nay lại thiếu ổn định, do sự cạnh tranh nguồn nước. Đây sẽ là thách thức cho các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Đức Hiền – Giám đốc Kiwaco – cho biết hiện doanh nghiệp này đang triển khai dự án cấp nước Nam Rạch Giá có tổng công suất 40.000m3/ngày. Do thiếu vốn nên Kiwaco phải kêu gọi và hiện đã có một nhà đầu tư góp vốn thành lập công ty cổ phần MeKong – Rạch Giá để thực hiện dự án. Tuy nhiên, do thời gian triển khai quá dài nên đến thời điểm này có lẽ sẽ phải khảo sát lại điểm lấy nước bởi thuỷ văn biến đổi quá nhiều. Ngoài ra, dự án hiện còn đang vướng một số thủ tục phải chờ các cơ quan chức năng giải quyết xong mới triển khai được.

Ông Nguyễn Văn Tâm – Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang – cho biết thêm ngoài tỉnh Kiên Giang, thì Bộ NN&PTNT đang có một dự án xây dựng nhà máy cấp nước vùng ĐBSCL đặt tại tỉnh An Giang. Tuy nhiên dự án này lại được khoanh khoảng thời gian thực hiện từ nay tới năm 2020, và hiện tại có lẽ cũng do kẹt vốn nên dự án vẫn chưa thấy rục rịch gì. Về hệ thống cống, ông Tâm cho hay sau khi cống Sông Kiên hoàn thành, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư cống Kênh Nhánh và cống Kênh Cụt. Nếu cả 3 cống này hoàn thành đưa vào sử dụng thì có thể hy vọng nước mặn sẽ không vào tới điểm thu nước của Kiwaco trên kênh Rạch Giá – Long Xuyên.

Kêu gọi người dân tiết kiệm nước

Trước tình hình nguy cơ thiếu nước trầm trọng như hiện nay, ông Mai Văn Huỳnh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức buổi họp khẩn với các cơ quan chuyên môn của tỉnh vào ngày 13/7 và  yêu cầu Kiwaco và các ngành có liên bằng mọi cách phải duy trì việc cấp nước sinh hoạt, ăn uống ở mức tối thiểu cho dân, bởi một đô thị trung tâm của cả tỉnh mà không có nước là không thể chấp nhận được. Ông Huỳnh yêu cầu Kiwaco huy động tất cả các loại phương tiện, kể cả xe chữa cháy, xe bồn của doanh nghiệp… để chở nước phân phát cho dân.

Về nguồn nước cấp cho hồ chính của Kiwaco, ông Huỳnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên hệ với các chủ phương tiện vận tải thuỷ có thể chở nước để thuê họ đưa nước từ vùng nước ngọt về. “Tôi kêu gọi người dân TP Rạch Giá hết sức tiết kiệm nước. Nhà nào có giếng khoan tay thì chia sẻ cho những nhà xung quanh cùng nhau vượt qua lúc khó khăn này” – ông Huỳnh phát biểu.

Thiết nghĩ, để bảo đảm nguồn nước đảm bảo cho phục vụ sinh hoạt của người dân trước diễn biến của tình trạng biến đổi khí hậu tỉnh Kiên Giang nên lập dự án xây đập kiên cố, bên cạnh đó cần bảo vệ đầu nguồn và tái tạo nguồn nước; quy hoạch bảo vệ nguồn nước, đảm bảo nước lâu dài. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần quản lý chặt vấn đề môi trường ngay đầu nguồn, hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước; Xây dựng nâng cấp nhà máy nước Rạch Giá; các trạm bơm tăng áp, nhằm đảm bảo nguồn nước cung cấp cho người dân trong mùa khô. Đồng thời, khuyến cáo người dân nên trang bị một số dụng cụ tích trữ nước, đề phòng khi lượng nước sinh hoạt bị thiếu hụt trong mùa khô và xâm nhập mặn.

Bài & ảnh: Giang Sơn