Thả hơn 2 triệu cá giống xuống hồ Trị An

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 11/07/2015

(TN&MT) - Sáng 11/7, Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai đã tổ chức buổi lễ thả cá vào hồ Trị An, với số lượng hơn 2 triệu con cá giống các loại.

 

(TN&MT) - Sáng 11/7, Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai đã tổ chức buổi lễ thả cá vào hồ Trị An, với số lượng hơn 2 triệu con cá giống các loại.

Hồ Trị An có diện tích trên 32.000 ha, là hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai. Ngoài nhiệm vụ chính là phát điện, phân lũ, điều tiết nước phục vụ cho nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho vùng hạ du, phát triển du lịch, hồ còn tạo ra nguồn tài nguyên thủy sản to lớn để ngành thủy sản Đồng Nai phát triển. Nguồn lợi thủy sản hồ Trị An rất đa dạng và phong phú với các loài cá có giá trị kinh tế và khoa học với trên 100 loài cá, 12 loài tôm nước ngọt điển hình như: cá Mơn, cá Sóc, cá Ngựa xám, cá Duồng xanh, cá Măng rỗ, cá Chiên …

Hằng năm, gần 5.000 tấn sản phẩm thủy sản được khai thác và nuôi trồng trên hồ, đem lại cuộc sống ổn định, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng ngàn hộ dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của nhân dân sinh sống ven hồ.

Năm 2008, hồ Trị An – sông Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt thuộc Quy hoạch nằm trong hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa cấp tỉnh và là vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai hiện nay.

Năm 2015, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định quản lý bảo tồn và phát triển bền vững vùng đất ngập nước hồ Trị An. Trong đó, giao Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai là đơn vị quản lý trực tiếp hồ Trị An và  đã có chỉ đạo về Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020, nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản của địa phương và định hướng khai thác theo hướng bền vững. 

Với tầm quan trọng của hồ mang lại, từ năm 2010 đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã cho phép Khu bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai trích một phần kinh phí từ nguồn thu quản lý hồ Trị An để thả bổ sung vào hồ khoảng 2 triệu con cá giống các loại/năm, gồm các loài chủ yếu như: cá Chép, cá Trôi, cá Trắm, cá Mè… nhằm tái tạo, ổn định nguồn lợi thủy sản. Đây là, việc làm thường xuyên và thiết thực, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, vừa góp phần tái tạo, phục hồi các loài thuỷ sản, cải tạo môi trường, cân bằng hệ sinh thái, vừa tạo ý thức bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trong nhân dân.

                                                                Thục Vy – Hiệp Nguyễn