"Nhùng nhằng" từ một hợp đồng "đổi đất lấy công trình" ở Nghệ An

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 29/06/2015

(TN&MT) - Thi công dang dở, thiếu đồng bộ dẫn đến quy hoạch theo kiểu “râu ông này cắm cằm bà kia” đã ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình phát triển chung của địa phương. Thực trạng nói trên cùng với nhiều bất cập từ một hợp đồng kinh tế đang xảy ra tại xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An hơn chục năm nay những vẫn chưa đưa ra được giải pháp khả quan.

“Đổi đất lấy công trình”

Cách đây 15 năm, để thực hiện đồng bộ hóa đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đường giao thông nông thôn cũng như chiến lược khơi dậy, phát triển vùng du lịch biển Quỳnh, UBND xã Quỳnh Bảng đã ký một hợp đồng “đổi đất lấy công trình” cho một doanh nghiệp trên địa bàn. Theo đó, Công ty TNHH Xuân Quỳnh có trụ sở trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu lúc bấy giờ đã trở thành chủ đầu tư thực hiện dự án nói trên. Tại bản hợp đồng được đại diện bên chủ đầu tư là ông Nguyễn Cảnh Doạt và ông Phạm Hoàng Liên – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng ký kết với nhau vào ngày 20 tháng 7 năm 2000 nêu rõ: “Điều 1: UBND xã Quỳnh Bảng đồng ý đổi đất lấy công trình cơ sở hạ tầng ở khu vực bãi biển Quỳnh Bảng với Công ty TNHH Xuân Quỳnh trên cơ sở tạo nền móng ban đầu cho việc phát triển khu du lịch cảnh quan biển Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu”.

Theo như hợp đồng kinh tế số 01 này thì UBND xã Quỳnh Bảng đồng ý đổi lâu dài 29.000m2 đất tại khu vực hai bên đường trung tâm bãi biển Quỳnh Bảng để lấy một con đường cấp phối đá dăm dài 2 km từ ngã tư UBND xã đến bãi biển. Công ty TNHH Xuân Quỳnh cũng đồng ý bỏ tiền đầu tư xây dựng thêm một con đường cấp phối mới ven biển dài 0,6 Km. Hợp đồng cũng ghi rõ tổng giá trị chuyển đổi đất là 770.000.000 đồng.

Những lều quán tạm bợ, xập xệ ở biển Quỳnh Bảng
Những lều quán tạm bợ, xập xệ ở biển Quỳnh Bảng

Sau khi hợp đồng được đại diện bên A (UBND xã Quỳnh Bảng) và bên B (Công ty TNHH Xuân Quỳnh) ký kết, đến năm 2001, hơn 2,6km đường cấp phối lu nền, trải đá dăm đã được hoàn thiện bàn giao cho địa phương và đưa vào sử dụng. Về phía bên B trong thời gian thi công đường cũng đã tiến hành thi công, đầu tư xây dựng, cải tạo diện tích đất được giao theo như hợp đồng đã ký kết với các hạng mục như nhà hàng, nhà nghỉ, khu vực ăn uống…với kinh phí hơn 500 triệu đồng.

Để thực hiện như cam kết trong hợp đồng, ngày 16/12/2001, UBND xã Quỳnh Bảng đã làm tờ trình gửi UBND huyện Quỳnh Lưu đề nghị cấp GCNQSD đất cho bên B. Tiếp đó, ông Chu Xuân Thắng – Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu lúc bấy giờ đã ký nháy vào tờ trình của UBND xã Quỳnh Bảng gửi lên với nội dung: “Chuyển phòng TN - MT huyện làm thủ tục cấp GCN QSDĐ cho Công ty TNHH Xuân Quỳnh”. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, hợp đồng “đổi đất lấy công trình” đã được bàn giao, thực hiện nhưng thủ tục cấp GCNQSD đất cho Công ty TNHH Xuân Quỳnh vẫn chưa thể thực hiện theo như cam kết ban đầu.

Chuyển đất rừng phòng hộ cho doanh nghiệp?

Không thể hoàn thiện hồ sơ cấp GCNQSD đất đồng nghĩa với việc doanh nghiệp muốn đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch biển Quỳnh bị dở dang. Cũng từng ấy thời gian cho đến nay, đã 15 năm trôi qua, Công ty TNHH Xuân Quỳnh cũng không thể có đủ cơ sở pháp lý để đầu tư các hạng mục công trình kiên cố mà chỉ là những lều quán tạm bợ, xập xệ.

Đặc biệt, khi tìm hiểu các hồ sơ liên quan tại thời điểm thực hiện hợp đồng kinh tế giữa UBND xã Quỳnh Bảng và Công ty TNHH Xuân Quỳnh đã tự ý đổi đất nằm trong diện tích của rừng phòng hộ ven biển. Vì vậy, sau nhiều năm, thủ tục để cấp GCNQSD đất cho doanh nghiệp bị gác lại. Phòng TN&MT huyện Quỳnh Lưu cũng không thể “phá rào” để làm thủ tục như đã có sự phê duyệt của Chủ tịch UBND huyện lúc bấy giờ.

Biên bản kết luận kiểm tra của UBND huyện Quỳnh Lưu
Biên bản kết luận kiểm tra của UBND huyện Quỳnh Lưu

“Do lúc đó hệ thống cơ sở hạ tầng của xã còn nghèo nàn, lại có chủ trương phát triển khu du lịch của huyện Quỳnh Lưu, nên các cán bộ lãnh đạo lúc bấy giờ đã đồng ý đổi đất lấy công trình với Công ty TNHH Xuân Quỳnh. Sau khi ký hợp đồng Công ty là đơn vị sử dụng, khai thác bãi biển. Nhưng trên thực tế, đất này vẫn thuộc quyền quản lý của UBND xã Quỳnh Bảng kể từ đó cho đến nay” – ông Hồ Đình Quỳnh – Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Bảng cho biết. Như vậy, ngay trong việc xác định nguồn gốc đất nằm trong hợp đồng kinh tế được ký kết giữa địa phương với doanh nghiệp từ năm 2000 đã thể hiện sự “lệch pha” nhau. Phòng TN&MT huyện thì xác nhận diện tích 2,9ha là đất thuộc rừng phòng hộ còn UBND xã Quỳnh Quảng thì lại cho rằng đất do địa phương quản lý?!.

Ông Nguyễn Cảnh Doạt – Giám đốc Công ty TNHH Xuân Quỳnh phân trần: “Lúc đó hưởng ứng chủ trương phát triển du lịch của UBND xã Quỳnh Bảng, lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu, chúng tôi đã đứng ra xây dựng các cơ sở hạ tầng, hạng mục vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, UBND xã Quỳnh Bảng đã không thực hiện được các điều khoản như bản hợp đồng cam kết khiến chúng tôi rơi vào tình trạng khó khăn, vướng mắc. Tiền chúng tôi đã bỏ ra nhưng đất vẫn không được cấp chủ quyền nên không thể đầu tư, xây dựng gì thêm”.

Hợp đồng kinh tế “đổi đất lấy công trình” được ký kết năm 2000
Hợp đồng kinh tế “đổi đất lấy công trình” được ký kết năm 2000

Được biết, sau khi kiểm tra việc thực hiện các dự án phát triển du lịch biển Quỳnh, ngày 27/4/2015, UBND huyện Quỳnh Lưu đã thành lập đoàn kiểm tra tại xã Quỳnh Bảng. Sau khi xem xét tiến độ thực hiện các dự án, đoàn kiểm tra đã kết luận: “Yêu cầu chủ đầu tư lập lại hồ sơ mới và tiến hành hoàn thiện các thủ tục theo quy định trong năm 2015; Yêu cầu UBND xã có văn bản thông báo cho chủ đầu tư lập hồ sơ mới và hoàn thiện thủ tục theo quy định”.

Với kết luận như vậy, phải chăng UBND huyện Quỳnh Lưu lại “hợp thức hóa” cho một hợp đồng kinh tế mà theo dư luận là chưa đủ hiệu lực pháp lý?.

Có thể nói thêm rằng, chưa bàn tới việc đầu tư dở dang của chủ đầu tư tại bãi biển xã Quỳnh Bảng cũng đã thấy rõ sự yếu kém của địa phương trong việc quản lý, xác minh nguồn gốc đất. Và, quan trọng hơn nữa, trước khi thực hiện hợp đồng “đổi đất lấy công trình”, UBND xã Quỳnh Bảng đã “tự ý” chuyển giao phần đất thuộc diện tích rừng phòng hộ ven biển cho doanh nghiệp?. 

Bài & ảnh: Phạm Tuân