Vụ "cát tặc" khoét dòng Thu Bồn: Cơ quan chức năng vào cuộc

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 19/05/2015

(TN&MT) - Báo Tài nguyên & Môi trường ra ngày 21/4 có bài: “Cát tặc” khoét dòng Thu Bồn - phản ánh nạn khai thác cát trái phép lộng hành, khiến dòng sông này ngày đêm bị “đào bới” làm chuyển đổi dòng chảy, sạt lở nghiêm trọng ở đôi bờ. Chính quyền địa phương dường như bất lực trong khâu xử lý, người dân bức xúc bởi mất đất canh tác và sạt lở.

Sau khi báo đăng, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đã triệu tập cuộc họp khẩn với các Sở, ban, ngành liên quan, chỉ đạo quyết liệt, lập đội đặc nhiệm để xử lý và truy bắt tận cùng các đối tượng cát tặc” ngày đêm gây ô nhiễm môi trường, sạt lở đất hoa màu của nông dân, gây thất thoátnguồn tài nguyên khoáng sản như báo nêu.

Chạy đua lợi nhuận

Con sông Thu Bồn chảy qua huyện Duy Xuyên và khu vực giáp ranh với thị xã Điện Bàn của tỉnh Quảng Nam, trong những ngày qua đã bị “cát tặc” đục khoét làm chuyển đổi dòng chảy, bồi lấp cửa sông, ô nhiễm môi trường... Điển hình như tại cầu Câu Lâu bắc qua sông Thu Bồn, nơi giáp ranh giữa huyện Duy Xuyên và Điện Bàn, nhiều chiếc thuyền đầy ắp cát hiên ngang chạy về các điểm tập kết hai bên bờ sông Thu Bồn ở địa bàn thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên) và hai xã Điện Minh, Điện Phương (Điện Bàn).

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam, hiện dự án đường cao tốc qua địa bàn tỉnh đang xây dựng cần 14 triệu mét khối cát, chưa kể hơn 90% nguồn cung ứng vật liệu cát, sỏi cho ngành xây dựng TP.Đà Nẵng đều lấy từ các sông Vu Gia, Thu Bồn. Nhiều năm qua, các địa phương trong tỉnh hầu như không kiểm soát được tình trạng khai thác cát trái phép trên sông. Trong khi ngành thanh tra giao thông đường thủy nội địa thừa nhận, dù biết các đối tượng khai thác cát trái phép tái phạm nhiều lần nhưng do quy định của pháp luật mà không thể tịch thu phương tiện được.

Dòng sông Thu Bồn đang ngày đêm bị nạn “cát tặc” đào xới
Dòng sông Thu Bồn đang ngày đêm bị nạn “cát tặc” đào xới

Được biết, do nguồn vật liệu xây dựng bán trôi nổi trên thị trường thường có giá rẻ hơn nên một số công trình sẵn sàng tiêu thụ mà không cần biết nguồn gốc đầu vào như thế nào. Ông Nguyễn Công Dũng - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, địa phương đã quy hoạch 10 mỏ khoáng sản cát sỏi, trong đó UBND tỉnh đã cấp 5 mỏ. Tuy nhiên, tình hình rất căng thẳng do nhu cầu nguồn nguyên vật liệu cát rất lớn, việc khai thác trái phép đem lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Nghiêm khắc chấn chỉnh

Trước tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đã triệu tập Sở, ban ngành liên quan, chủ trì cuộc họp bàn biện pháp siết chặt công tác quản lý nguồn nguyên vật liệu cát sỏi phục vụ các công trình xây dựng trọng điểm trên địa bàn. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu: Với các dự án đường cao tốc, công trình trọng điểm, cần rút ngắn thời gian về mặt thủ tục, cấp mỏ cho nhà thầu chính nhưng phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Để xảy ra tình trạng lộn xộn như vừa qua, ông Thu phê bình Sở Giao thông Vận tải buông lỏng quản lý phương tiện đường thủy suốt thời gian dài.

Về giải pháp trước mắt, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương tiếp tục duy trì các tổ truy quét cơ động; tỉnh xúc tiến thành lập một tổ cơ động đặc biệt để kiểm tra đột xuất tình trạng khai thác cát sỏi ở lòng sông. Cũng theo ông Thu, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có chủ trương quy hoạch mở mỏ cát, tập trung tại một địa điểm để dễ quản lý, tuy nhiên khi đưa ra lấy ý kiến thì người dân không đồng thuận. Vì vậy, việc mở mỏ tạm thời gác lại. “Có thể vì thế mà cát tặc vẫn lộng hành, chẳng những gây mất an ninh trật tự, hụt khoản thuế của Nhà nước mà còn tốn nhiều tiền của để truy quét” - ông Thu cho biết.

Hiện nay công trường xây dựng nhiều, nhu cầu về vật liệu lớn, tuy nhiên việc mở mỏ chưa thực hiện được, các phương tiện lưu thông trên hệ thống đường thủy qua địa bàn chưa kiểm soát được, toàn bộ hệ thống ghe khai thác cát chưa có giấy phép hành nghê. Trong quá trình truy quét, phương tiện phục vụ, nhất là vào ban đêm trên môi trường sông nước còn nhiều hạn chế nên rất khó để kiểm soát, ngăn chặn. Vì vậy, giải pháp tận gốc là chuyển đổi nghề cho người dân.

Hiện toàn bộ sông Thu Bồn bên bờ Bắc được bồi lấp, nếu hút cát không có sự kiểm soát thì hậu quả sẽ làm sạt lở bờ sông. “Phải tiếp tục tuyên truyền nhân dân, làm việc với các xã có ghe, thuyền họp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và có giải pháp chuyển đổi ngành nghề; sớm tiến hành mở mỏ tập trung để dễ quản lý, giám sát” - ông Thu nêu giải pháp.

Bài và ảnh: Xuân Lam