Điều tra khí Hydrat trên biển Việt Nam: Chủ động, hiệu quả, tránh điều chỉnh dự toán

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 14/05/2015

(TN&MT) - Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển trong cuộc họp báo cáo tiến độ và vướng mắc trong việc triển khai dự án điều tra Hydrat trên vùng biển Việt Nam chiều 13/5 tại Hà Nội.

Được biết, ngày 3/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 796/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản về tiềm năng khí hydrate ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam”. Tuy nhiên, sau thời gian dài chuẩn bị, dự án mới bắt đầu triển khai vào đầu năm 2014.

Toàn cảnh cuộc họp
Toàn cảnh cuộc họp

Theo quyết định, Chương trình trên gồm những nội dung chủ yếu là nghiên cứu, điều tra cơ bản khí hydrate nhằm xác định tiềm năng nguồn tài nguyên này ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam; nghiên cứu, điều tra cơ bản về tiềm năng tài nguyên khí hydrate phải mang tính kế thừa, có chọn lọc, tiếp thu những thành tựu công nghệ mới của thế giới.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết lãnh đạo Bộ TN&MT  luôn thống nhất quan điểm đây là dự án hết sức quan trọng và được Bộ TN&MT quyết liệt triển khai.  Thứ trưởng cũng đánh giá đây là dự án được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, công phu, thận trọng song khi đi vào triển khai lại vẫn không tránh khỏi khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt là công tác điều tra  chuyên sâu do thiếu thiết bị và nhân lực nên phải thuê các đối tác. Tuy nhiên, Thứ trưởng chỉ đạo, phải tuân thủ theo đúng Dự án đã được phê duyệt là chỉ có năm đầu thực hiện phải đi thuê để học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, còn từ nay trở đi phải tự chủ động, mục tiêu là làm để chủ động khoa học công nghệ và nâng cao trình độ cho cán bộ, chuyên viên làm công tác khảo sát, điều tra biển

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng đề nghị, về dự án điều tra, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam phải phải tự làm, nếu có hợp tác phải hợp tác với Tổng cục địa chất, và không có thay đổi gì về  dự toán;  Trung tâm điều tra tài nguyên môi trường biển  là nòng cốt để triển khai, xây dựng phương án chủ động cao nhất; Các thiết bị nào đã về cần khẩn trương làm thủ tục bàn giao để Trung tâm đưa vào chạy thử; Cải hoán tàu để lắp đặt thiết bị khảo sát, phối hợp với nhà cung cấp thiết bị và ban quản lý dự án để chạy thử; Cần lên phương án triển khai  trình Bộ TN&MT phê duyệt sớm để cuối năm  có thể điều tra thực địa nhưng trên tinh thần không thay đổi về giá, tránh điều chỉnh nhiều lần song phải đảm bảo tiến độ dự án đã cam kết với Chính phủ.

Kim Liên