Hà Nội: Vẫn thiếu nước sạch trong mùa hè

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 06/05/2015

(TN&MT) – Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, từ tháng 5 đến tháng 10/2015, nền nhiệt độ trên phạm vi cả nước phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 đến 1,0 độ C; nắng nóng ở Bắc và Trung bộ sẽ xuất hiện nhiều hơn, do đó, dự báo nhu cầu sử dụng nước của nhân dân sẽ tăng cao, đặc biệt là tại các quận nội thành Hà Nội.

Tuy nhiên, do tổng sản lượng nước cung cấp từ mạng cấp nước tập trung thành phố cơ bản không tăng thêm, trong khi nguồn nước ngầm có chiều hướng suy giảm, vì vậy tình hình sản xuất, cung cấp nước mùa hè năm 2015 tại Hà Nội được đánh giá là hết sức khó khăn.

Sẽ xảy ra thiếu nước cục bộ

Theo dự báo của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội một số khu vực có cốt nền cao như Thanh Lương, Nguyễn Khoái, Trần Khát Chân, Lĩnh Nam… Quận Cầu Giấy có khu vực phường Quan Hoa, quận Long Biên có khu vực Đức Giang, Sài Đồng… hoặc các điểm ngoài đê tại khu vực quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai… có thể bị rơi vào tình trạng thiếu nước sạch trong những ngày nắng nóng năm nay. Ngay cả ở những phố Tràng Thi, Quán Sứ, Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn, Phố Huế, Hàng Tre, Hàng Bè, Hàng Buồm… thuộc quận trung tâm Hoàn Kiếm, hoặc phố Văn Cao, Thụy Khuê, đường Âu Cơ, An Dương Vương thuộc quận Ba Đình cũng sẽ chịu chung tình trạng này.

Trong khi đó, các địa bàn thuộc quận Thanh Xuân, một phần Hoàng Mai, Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm, với khoảng 70.000 khách hàng do Công ty cổ phần Viwaco cung ứng nước, vẫn lâm vào tình trạng thiếu nước do đường ống truyền dẫn thứ hai vẫn chưa thể triển khai. Viwaco cũng không thể tăng công suất cung cấp nước do lo sợ nguy cơ vỡ đường ống truyền dẫn từ Nhà máy Nước Sông Đà về Hà Nội như trước đây.

Để đáp ứng nhu cầu về nước sạch của người dân nội đô, Công ty NSHN đã triển khai nhiều giải pháp như khoan thay thế giếng, nâng công suất các trạm Đồn Thủy, Bạch Mai, Kim Liên, Ngô Sỹ Liên hay vận hành mạng để bảo đảm cấp nước cho các điểm cốt nền cao, cuối nguồn theo giờ; thậm chí cấp nước bằng xe stec... Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp tình thế, tình hình cấp nước sạch cho người dân khu vực nội thành sẽ vẫn hết sức khó khăn trong mùa hè này.

Nước sạch trở nên khan hiếm mỗi khi hè tới

Giữa năm 2016 mới có đường ống nước sông Đà số 2

Tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 5/5, các công ty cung cấp nước sạch trên địa bàn Hà Nội đã báo cáo kế hoạch cấp nước trong mùa hè năm 2015. Trong đó, đại diện Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex nói rõ sự “chậm trễ” trong việc khởi công, hoàn thành tuyến đường ống nước sạch sông Đà số 2.

Ông Nguyễn Văn Tốn – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex - cho biết, đường ống độc đạo dài 47km, trải dài qua các vùng địa chất phức tạp nên khi sự cố xảy ra khó tránh khỏi bị gián đoạn cấp nước tạm thời. Để hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân Thủ đô, công ty đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý sự cố nhanh nhất. Ngoài ra, đội phản ứng nhanh các sự cố và quy trình xử lý nhanh sự cố tuyến ống nước sạch sông Đà - Hà Nội thường xuyên ứng trực 24/24 giờ.

Tuyến đường dẫn nước sạch sông Đà số 2, dù UBND Thành phố Hà Nội nhiều lần thúc, nhưng đến nay Vinaconex chưa khởi công. Ông Tốn cho biết, hiện công ty này đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục đầu tư đến sớm triển khai dự án. Do tính chất cấp bách của dự án, Vinaconex đã gửi công văn lên Thủ tướng Chính phủ để xin cơ chế đặc thù. Do không được chấp thuận nên công ty đã triển khai thủc tục đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành.

“Mặc dù phía công ty đã thu xếp được nguồn vốn, nhưng chúng tôi vẫn phải làm theo đúng trình tự, quy chế đấu thầu vì nhà nước vẫn giữ 51% nguồn vốn của Vinaconex. Chủ đầu tư luôn làm hết sức mình, nhưng vẫn phải thực hiện theo quy định. Qua đó thời gian thực hiện không thể nhanh hơn so với mong đợi và dự kiến kế hoạch của chủ đầu tư” – ông Tốn nói.

Ông Thân Thế Hà - Phó Tổng Giám đốc Vinaconex - cho biết, đến tháng 6 tới đơn vị này sẽ trình hồ sơ thiết kế tuyến đường dẫn ống nước sạch sông Đà số 2 về Hà Nội lên Bộ Xây dựng. Sau khi Bộ Xây dựng thẩm định xong (dự kiến khoảng gần 1 tháng), đến đầu tháng 8 đơn vị này sẽ khởi công và sẽ hoàn thành tuyến đường ống này vào giữa năm 2016.

Chi phí đầu tư dự án cấp nước sạch sông Đà giai đoạn II, nâng công suất của hệ thống từ 300.000m3 ngày đêm lên 600.000m3, vào khoảng 4.850 tỷ đồng. Trong đó, Vinaconex ưu tiên nguồn vốn đầu tư tuyến đường truyền dẫn số 2 bằng gang dẻo với tổng số tiền khoảng 1.200 tỷ đồng.

Phạm Thu Hà