Đồng Nai: Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 05/05/2015

(TN&MT) - Sở TN&MT Đồng Nai đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định về quản lý, bảo vệ khoáng sản; thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản; trình tự, thủ...
(TN&MT) - Để thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đạt hiệu quả cao, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định về quản lý, bảo vệ khoáng sản; thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản; trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản... Qua đó, tỉnh Đồng Nai đã kịp thời chấn chỉnh, đưa hoạt động khoáng sản đi vào nề nếp.
 
Khai thác hiệu quả
 
Khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chủ yếu là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Đến cuối năm 2014, UBND tỉnh Đồng Nai đã cấp 58 Giấy phép thăm dò khoáng sản, gồm 44 Giấy phép thăm dò đá xây dựng; 9 Giấy phép thăm dò cát xây dựng; 4 Giấy phép thăm dò sét gạch ngói; 1 Giấy phép thăm dò vật liệu san lấp. 
 
Tính đến cuối năm 2014, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 31 doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng với 45 mỏ, tổng diện tích 1.747 ha, tổng trữ lượng 422.644.000 nghìn m3, trong đó có 6 Giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp và 39 Giấy phép do UBND tỉnh Đồng Nai cấp. 
 
Cụ thể, có 32 mỏ đá xây dựng với tổng diện tích 1.241 ha, tổng trữ lượng 401.192.000 m3; 3 mỏ sét gạch ngói với tổng diện tích 81 ha, tổng trữ lượng 7.070.000 nghìn m3; 5 mỏ cát xây dựng với tổng diện tích 303 ha, tổng trữ lượng 4.299.000 nghìn m3; 3 mỏ đá ốp lát với tổng diện tích 10 ha, tổng trữ lượng 322.000 nghìn m3; 1 mỏ Laterít với tổng diện tích 74 ha, tổng trữ lượng 2.149.000 nghìn m3; 1 mỏ Puzơland với tổng diện tích 38ha, tổng trữ lượng 7.612.000 nghìn m3.
 
Theo ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, kết quả hoạt động khai thác khoáng sản trong 5 năm 2010 – 2014 cho thấy, sản lượng khai thác, doanh thu, các khoản nộp ngân sách nhà nước bình quân hàng năm về khai thác, tiêu thụ đá xây dựng, sét gạch ngói, cát xây dựng, vật liệu san lấp là hơn 11.813 nghìn m3, doanh thu 1.500 tỷ đồng, nộp ngân sách 220 tỷ đồng và tạo việc làm cho hơn 3.000 người, riêng năm 2014 thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được 96 tỉ đồng.
 
Tăng cường kiểm tra, xử phạt
 
Năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại 40 mỏ hoạt động khoáng sản. Qua  kiểm tra đã phát hiện 14 trường hợp vi phạm và buộc ký quỹ phục hồi môi trường bổ sung 3,1 tỉ đồng. Các trường hợp vi phạm đang được Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, xử lý theo đúng quy định. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành kiểm tra phát hiện 184 trường hợp, trong đó có 104 trường hợp khai thác cát không phép, 80 trường hợp khai thác đất san lấp không phép, các trường hợp này đã được các Sở, ngành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản với tổng số tiền là trên 3,7 tỷ đồng và tịch thu 123 phương tiện bơm hút cát không phép, 3 xe cần cuốc, 13 xe tải.
 
Ông Nguyễn Ngọc Thường cho biết, công tác thanh, kiểm tra trong lĩnh vực khoáng sản được cơ quan chức năng của Đồng Nai thực hiện định kỳ theo kế hoạch hàng năm và thường xuyên tổ chức kiểm tra đột xuất để chấn chỉnh, xử lý các sai phạm. Kết quả thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trong thời gian vừa qua cho thấy, việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tích cực hơn, qua đó đã góp phần hạn chế các sai phạm trong hoạt động khoáng sản. 
 
 
Hoạt động khai thác khoáng sản ở Đồng Nai
Hoạt động khai thác khoáng sản ở Đồng Nai
 
 
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản của các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản cũng đã được nâng cao, từ đó các doanh nghiệp đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm thiếu tác động xấu đến môi trường. Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản nhất là khai thác đá xây dựng có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hàng năm đều có tập huấn kỹ thuật an toàn trong khai thác mỏ, trang bị bảo hộ lao động cho công nhân, xây dựng nội quy, hướng dẫn an toàn lao động trong khai thác khoáng sản. 
 
Tuy nhiên, còn một vài doanh nghiệp thực hiện chưa tốt việc trồng cây xanh xung quanh khu vực mỏ, chưa thực hiện thường xuyên việc tưới nước giảm thiểu bụi phát tán trong quá trình khai thác mỏ. Các vi phạm này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động hoặc cùng phối hợp cùng các Sở ngành có liên quan kiểm tra, xử lý kịp thời. 
 
Quy hoạch đến năm 2020
 
Sau khi Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Đồng Nai đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 được HĐND tỉnh thông qua và điều chỉnh bổ sung, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định điều chỉnh, bổ sung phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020.
 
Thực hiện Quyết định trên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức công bố quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Đồng Nai đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 trên trang thông tin điện tử của Sở và bàn giao hồ sơ quy hoạch cho Sở Xây dựng, Sở Công thương và UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa để phối hợp tổ chức thực hiện.
 
Đồng thời, hoàn thành việc cắm mốc bổ sung các khu vực quy hoạch khoáng sản trên địa bàn tỉnh, bàn giao cho địa phương quản lý với tổng số 55 mốc, thuộc địa bàn các huyện: Vĩnh Cửu, Long Thành, Xuân Lộc, Định Quán, Thống Nhất, Cẩm Mỹ và thành phố Biên Hòa; phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện khảo sát khoanh định 85 khu vực với tổng diện tích 1.517 ha không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh và trình UBND tỉnh phê duyệt các Quyết định về khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.  
 
Để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục lập Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Đồng Nai giai đoạn từ 2016 đến 2020, tầm nhìn đến 2030 để báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua vào cuối năm 2015.
 
Tú Nguyễn