Bắc Kạn: Thu hồi bổ sung đất lúa phục vụ các dự án

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 17/04/2015

(TN&MT) - Từ cuối năm 2014, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 41 danh mục các dự án cần thu hồi đất trong năm 2015. Bước vào quý I/2015, tại một số địa phương đã phát sinh nhiều công trình, dự án cần phải thu hồi đất và chuyển đổi mục đích sử dụng.

Để phục vụ các công trình, dự án và thực hiện theo đúng Luật Đất đai 2013, trên toàn tỉnh có 319 công trình, dự án cần thu hồi đất đã được lập danh mục và được HĐND tỉnh thông qua. Trong đó, thị xã Bắc Kạn có 26 công trình; Chợ Mới 32 công trình; Chợ Đồn 48 công trình; Pác Nặm 14 công trình; Ngân Sơn 41 công trình; Na Rì 40 công trình; Bạch Thông 59 công trình và Ba Bể 59 công trình. Tổng diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ cần chuyển mục đích trong năm 2015 là hơn 476.223 m2 bao gồm hơn 405.223 m2 đất lúa và 71.000 m2 đất rừng phòng hộ.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên trong quý I/2015 đã có nhiều công trình, dự án phát sinh cần phải được thu hồi đất. Theo báo cáo của UBND tỉnh, trên toàn tỉnh có 27 công trình, dự án cần được đăng ký thu hồi đất bổ sung. Cụ thể, thị xã Bắc Kạn thêm 3 công trình; Chợ Mới 3 công trình; Chợ Đồn 1 công trình; Na Rì 6 công trình; Ba Bể 10 công trình; Pác Nặm 3 công trình và Bạch Thông 1 công trình.

Trong nhu cầu thu hồi phát sinh này, có một số dự án đã thi công xong như công trình cầu treo Bản Giềng, xã Dương Quang (thị xã Bắc Kạn). Việc xin thu hồi bổ sung hơn 359 m2 đất gồm đất lúa và các loại đất khác đối với dự án sẽ hoàn thiện hồ sơ để công trình phát huy hiệu quả nhanh chóng. Các công trình, dự án cần thu hồi đất bổ sung đều có ý nghĩa lớn và đáp ứng đòi hỏi bức thiết trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể như, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ thiêu hủy công suất 3 tấn/giờ (thị xã Bắc Kạn); khắc phục sạt lở thôn Khuổi Lót, xã Thanh Bình (Chợ Mới); nước sinh hoạt tập trung thôn Nà Mạ, Nà Chiêng, xã Quang Phong (Na Rì); bãi rác Khuổi Ken, xã Kim Lư (Na Rì); khu di tích lịch sử Phiêng Chì, xã Thượng Giáo (Ba Bể)…

Dự án cầu treo Bản Giềng thu hồi bổ sung hơn 359m2 đất gồm đất lúa và các loại đất khác
Dự án cầu treo Bản Giềng thu hồi bổ sung hơn 359m2 đất gồm đất lúa và các loại đất khác

Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp danh mục dự án cần thu hồi đất báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua. Theo đó, tổng diện tích đất lúa và đất rừng phòng hộ cần chuyển đổi là hơn 51.681 m2, bao gồm hơn 47.680 m2 đất lúa và hơn 4.000 m2 đất rừng phòng hộ. Trong đó, thị xã Bắc Kạn chuyển hơn 150 m2 đất lúa sang đất giao thông. Chợ Mới chuyển 30 m2 đất lúa sang đất công trình năng lượng. Chợ Đồn chuyển hơn 4.000 m2 đất rừng phòng hộ sang đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản. Pác Nặm chuyển 1.000 m2 đất lúa sang đất giao thông. Bạch Thông chuyển 37.000 m2 đất lúa sang đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản. Ba Bể chuyển 9.500 m2 đất lúa sang đất giao thông và đất có di tích lịch sử - văn hóa.

Số diện tích đất bị thu hồi, chuyển đổi là khá lớn nên dễ dẫn đến tình trạng sử dụng đất không hiệu quả, gây lãng phí. Do đó, các ngành chức năng cần rà soát, đối chiếu danh mục các dự án bảo đảm tính thống nhất, nhất là đối với nguồn kinh phí phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, trong đợt thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất bổ sung lần này có một số dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư; một số dự án hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Cụ thể như, dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ thiêu kết tại thị xã Bắc Kạn mới cấp giấy chứng nhận đầu tư cuối tháng 12/2014; khai thác quặng chì, kẽm bằng phương pháp hầm lò của Công ty TNHH Việt Trung tại khu vực Lũng Váng, xã Bằng Lãng và thị trấn Bằng Lũng (Chợ Đồn); nhà máy sản xuất viên nén gỗ của Công ty cổ phần tập đoàn Sao Đông Bắc tại Ba Bể mới cấp giấy chứng nhận đầu tư cuối tháng 1/2015; dự án xây dựng nhà máy luyện Fero Mangan tại xã Cẩm Giàng (Bạch Thông) của Công ty cổ phần khoáng sản Tây Giang Bắc Kạn.

Thực tế trước đây tại Bắc Kạn đã có những dự án nhận đất về nhưng không sử dụng gây lãng phí. Do đó, trong thời gian tới cần theo dõi chặt chẽ, đánh giá tiến độ triển khai và sắp xếp các dự án, công trình theo tính cấp thiết của từng dự án...

Để các dự án, công trình sử dụng đất chuyển đổi đạt hiệu quả, đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận đối với những người dân bị thu hồi đất; tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế, chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định cư đối với người dân trong diện giải phóng mặt bằng, bảo đảm có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ nhất là với người dân đã mất đất sản xuất.

Tuấn Sơn