Thành lập Văn phòng đăng ký đất đai: Địa phương chờ thông tư hướng dẫn

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 09/04/2015

(TN&MT)-Tiến độ thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai (một cấp) ở nhiều địa phương còn chậm. Nguyên nhân là do Thông tư liên tịch giữa 3 Bộ TN&MT, Tài chính, Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động của Văn phòng này vẫn chưa ban hành.

Hiệu quả cao từ mô hình thí điểm

Theo Báo cáo của Tổng cục Quản lý đất đai, trước khi Luật Đất đai và Nghị định 43, mô hình Văn phòng Đăng ký đất đai đã được triển khai thử nghiệm tại một số địa phương đại diện cho cả 3 miền đã thể hiện nhiều ưu điểm nổi bật so với trước đây và đẩy mạnh giảm các thủ tục hành chính về đất đai. Cụ thể, hoạt động đăng ký, cấp GCN đã có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất, có tính chuyên nghiệp hơn. Tại Đà Nẵng, sau khi chuyển thẩm quyền cấp giấy chứng nhận về Sở TN&MT đã phát hiện và xử lý hàng nghìn trường hợp trước đây đã giải quyết thủ tục không đúng quy định.

Đồng thời, chất lượng thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp GCN được nâng cao, bảo đảm sự thống nhất trong toàn tỉnh, thành phố; thời gian thực hiện thủ tục được đảm bảo, một số nơi đã rút ngắn từ 1/3 đến 1/2 thời gian so với trước đây.

Theo Sở TN&MT tỉnh Hà Nam, một trong 4 tỉnh thành thực hiện thí điểm mô hình này, sau 2 năm thành lập, Văn phòng đã thực hiện cấp lần đầu với gần 1.000 GCN, đăng ký biến động 10.346 hồ sơ; thực hiện cấp đổi, cấp lại 4.990 GCN. Trong quá trình thực hiện, Văn phòng đã phối hợp với Phòng TN&MT các huyện, thành phố thực hiện phân loại, thẩm định hồ sơ để cấp cho 4.681 hộ chưa được cấp GCN lần đầu.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai

Ngoài ra, thông qua mô hình Văn phòng, việc xây dựng, quản lý, chỉnh lý, vận hành hồ sơ địa chính cũng được thuận lợi và chính xác. Đến nay Văn phòng đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu ở 12 xã, phường của thành phố Phủ Lý trên cơ sở chuẩn hóa và cập nhật dữ liệu khoảng 65.000 thửa đất. Từ khi vận hành, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu, công tác quản lý đất đai ở thành phố Phủ Lý hiệu quả hơn nhiều so với trước đây. Cơ sở dữ liệu mới không chỉ giúp cho các giao dịch đăng ký được nhanh gọn, thống nhất, chính xác, đồng bộ, mà còn phục vụ đắc lực cho công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý, sử dụng đất đai ở nhiều lĩnh vực khác.

 Cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn

Thực tế, thời gian qua, dù chưa có Thông tư hướng dẫn nhưng hầu hết các địa phương đã xây dựng đề án thành lập và kiện toàn Văn phòng và chờ Thông tư hướng dẫn trình UBND cấp tỉnh phê duyệt. Bởi theo đại diện nhiều địa phương, nếu không có hướng dẫn còn những hạn chế như: Chậm trễ trong việc xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu địa chính; chưa hỗ trợ tích cực để nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình; chưa thực hiện việc phân cấp quản lý và sắp xếp lại hồ sơ địa chính theo mô hình mới, chưa thuận tiện cho tra cứu, cập nhật, chỉnh lý thường xuyên.

Bên cạnh đó, cơ cấu tài chính và biên chế nhân sự cũng gặp nhiều khó khăn. Do cơ chế tài chính chưa rõ ràng nên hạn chế kinh phí để trả tiền lương và các chế độ cho nhân viên hợp đồng. Ngoài ra, trang thiết bị làm việc còn thiếu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc cập nhật hồ sơ đăng ký vào cơ sở dữ liệu.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có công văn về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Nội vụ khẩn trương xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Văn phòng.

Theo Bộ TN&MT, thời gian qua, Bộ đã chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo Thông tư  trên cơ sở tổng kết mô hình Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trên toàn quốc; các kết quả khảo sát thực tế về tổ chức hoạt động của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

Theo Dự thảo, Văn phòng đăng ký đất đai là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở TN&MT có chức năng thực hiện đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; xây dựng, cập nhật chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai và cung cấp thông tin về đất đai cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, tại buổi họp mới đây giữa lãnh đạo liên bộ,  Bộ Tài Chính còn một số ý kiến chưa đồng thuận, cụ thể là đề nghị bỏ quy định giao Văn phòng được cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực đất đai, bởi điều 5, Nghị định 43 không quy định. Đồng thời, việc thành lập, kiện toàn Văn phòng sẽ làm phát sinh biên chế, tạo sức ép lớn cho ngân sách Nhà nước và địa phương.

Về vấn đề này, Bộ TN&MT đề nghị giữ nguyên quy định giao cho Văn phòng “Thực hiện các dịch vụ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ phù hợp với năng lực theo quy định của pháp luật”. Do theo quy định tại khoản 1, điều 5, Nghị định 43 thì Văn phòng là đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Sở TN&MT, nên việc thực hiện các dịch vụ là phù hợp với pháp luật. Bộ TN&MT cũng khẳng định, hệ thống Văn phòng sẽ không làm phát sinh biên chế, bởi qua rà soát số lượng biên chế, làm việc ở các Văn phòng 2 cấp của 63 tỉnh, thành là hơn 10.000 người, trong đó hướng lương từ ngân sách là hơn 4.200 người còn lại là lao động được chi trả bằng nguồn thu hoạt động dịch vụ. Do đó, hệ thống Văn phòng sau khi được tổ chức và đi vào hoạt động sẽ dựa trên số lượng lao động hiện có, bảo đảm không tăng thêm biên chế so với trước đây.

Lục Bình