Không có nước thì không có tương lai

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 19/03/2015

(TN&MT) – Ngày 19/3 tại Thành phố Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai chủ trì Hội thảo khoa học "Nước là cốt lõi của phát triển bền...
(TN&MT) – Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai đã khẳng định như vậy tại Hội thảo khoa học “Nước là cốt lõi của phát triển bền vững” ngày 19/3 tại Thành phố Bắc Giang.
 
Tham dự Hội thảo có ông Lại Thanh Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; đại diện các tổ chức quốc tế, các bộ, ngành Trung ương; đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; UBND các huyện và thành phố của tỉnh Bắc Giang.

 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai phát biểu tại Hội thảo
Theo thứ trưởng Nguyễn Thái Lai, nước không những cần cho sinh hoạt, sự tồn tại của con người mà nước còn có vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, sức khoẻ, giáo dục, bình đẳng và sự phồn thịnh của xã hội. Ngoài giá trị vật chất thì nước còn có giá trị tinh thần, tâm linh, cảnh quan và đảm bảo an ninh quốc phòng. 
 
Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho biết: Mọi thách thức mà thế giới hiện đang đương đầu đều gắn liền với nước, vì vậy ý thức của chúng ta đối với việc bảo vệ, giữ gìn tài nguyên nước một cách hiệu quả và tiết kiệm sẽ đảm bảo đủ nước cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường. Thế giới cũng đã cảnh báo khủng hoảng về nước không phải do thiếu nước mà là do chưa hiểu hết giá trị của nước, quản trị về nước. “Nước chính là cốt lõi của sự phát triển bền vững, tạo cơ hội phát triển thiên niên kỷ, đồng thời đảm bảo tăng trưởng xanh phát triển một cách hiệu quả” – Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh.
 
 
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai chủ trì Hội thảo
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai chủ trì Hội thảo

 

Tài nguyên nước và thách thức phát triển

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, ông Lê Hữu Thuần – Phó Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước cho biết: Việt Nam có 3450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên. Các sông suối này nằm trong 108 lưu vực sông được phân bố và trải dài trên cả nước. Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú cả về lượng mưa, nguồn nước mặt trong các hệ thống sông, hồ và nguồn nước dưới đất. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế, xã hội, công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tài nguyên nước của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó có thể giải quyết được trong một sớm một chiều, đòi hỏi phải mất nhiều thời gian, nguồn lực cùng với sự nỗ lực tham gia của toàn xã hội.
 
Một trong những thách thức đó là: Hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ, trong khi cơ chế, chính sách hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia chưa hiệu quả.
 
Ông Lê Hữu Thuần nhấn mạnh: Tăng trưởng kinh tế không ngừng dẫn đến nhu cầu nước của các ngành kinh tế - xã hội tăng lên trong khi tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả vẫn còn phổ biến cộng với nguồn nước tiếp tục bị suy thoái, cạn kiệt và cơ sở hạ tầng về tài nguyên nước lạc hậu.
 
 
Ông Lại Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phát biểu tại Hội thảo
Ông Lại Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phát biểu tại Hội thảo
 
 
Đó là chưa kể sức ép về dân số và chất lượng cuộc sống tiếp tục gia tăng trong một vài thập kỷ tới. Sự gia tăng dân số và yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống sẽ cần nhiều nước hơn cho phát triển sản xuất và dân sinh là thách thức lớn nhất đối với sự phát triển và quản lý tài nguyên nước quốc gia.
 
Ngoài ra, mâu thuẫn, tranh chấp trong sử dụng nước tiếp tục gia tăng; nguồn lực đầu tư cho quản lý, bảo vệ tài nguyên nước không đáp ứng yêu cầu; hệ thống pháp luật về tài nguyên nước còn thiếu đồng bộ và việc triển khai thực hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
 
Tại Bắc Giang, theo ông Lại Thanh Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, quá trình phát triển của tỉnh luôn gắn liền với việc khai thác, sử dụng nước mặt ở lưu vực 3 con sông chính: sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam, với tổng lưu lượng nước hàng năm khoảng 7,5 tỷ m3 và từ 618 hồ chứa lớn, nhỏ với tổng dung tích gần 526 triệu m3. Với nguồn nước và trữ lượng khá dồi dào đã và đang là nguồn tài nguyên quý giá góp phần phục vụ tốt yêu cầu cho đời sống dân cư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua. Song, Bắc Giang hiện cũng đang đối mặt với một số thách thức trong công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên nước. Suy giảm chất lượng nước, thay đổi cảnh quan sinh thái đang diễn ra ở 3 con sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam do nước thải, chất thải từ các khu cụm, công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị không được xử lý theo quy định được xả vào lưu vực sông; hoạt động khai thác khoáng sản phía thượng lưu, khai thác rừng đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn, khai thác nước mặt, nước ngầm không hợp lý, cùng với tác động của biến đổi khí hậu, lượng mưa diễn biến bất thường... là những nguyên nhân làm suy giảm, cạn kiệt nguồn nước sạch trên địa bàn tỉnh. “Nhu cầu nước sạch cho người dân ở các khu đô thị, dân cư, nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp vì vậy đang bị đe dọa; yêu cầu khắc phục kịp thời tình trạng trên trở nên rất cấp thiết” - ông Lại Thanh Sơn nói.
 
Giải pháp phát triển bền vững tài nguyên nước
 
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Phương Lâm, Chuyên gia tài nguyên nước cho biết: Nếu tính tài nguyên nước Việt Nam theo tổng lượng nước trung bình hằng năm là 9.600 m3/người/năm thì cao hơn mức trung bình của thế giới (7.400 m3/người/năm). Nhưng nếu chỉ tính lượng nước sản sinh nội tại thì tài nguyên nước của nước ta chỉ đạt 4.400 m3/người. Hiện các dòng sông của Việt Nam (nơi cung cấp nguồn nước mặt dồi dào) đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái tài nguyên nước.
 
Bà Nguyễn Thị Phương Lâm khẳng định: Suy thoái chất lượng nước cũng đồng nghĩa với phát triển thiếu bền vững. Ngoài việc ô nhiễm do quá trình phát triển công nghiệp, đô thị hoá và vấn đề vệ sinh môi trường đô thị chưa đáp ứng yêu cầu về môi trường thì phát triển các ngành dùng nước thiếu đồng bộ, thiếu cách nhìn nhận phát triển bền vững cũng dẫn đến những hậu quả làm cho các dòng sông bị suy thoái. Nhiều con sông nội địa trở thành nơi chứa nước thải như sông Cà Lồ, Tô Lịch, sông Tích, sông Đáy, sông Thị Nghè… dẫn đến tình trạng các sông này chết dần.
 
Theo bà Nguyễn Thị Phương Lâm, để phát triển tài nguyên nước một cách bền vững trong bối cảnh các công trình khai thác sử dụng nước lớn gần như đã được xây dựng thì việc tập trung vào công tác quản trị tài nguyên nước phải được ưu tiên hàng đầu. Trong đó, các biện pháp phân bổ, chia sẻ hợp lý nguồn tài nguyên nước hạn chế giữa các vùng, giữa các hộ dùng nước, giữa thượng lưu và hạ lưu cần được đặc biệt chú ý. Các quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước nhằm tìm các biện pháp giảm thiểu hợp lý cho từng khu vực và lĩnh vực cũng cần được tiến hành sớm đối với những khu vực được xem là vùng ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng.

 

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo
 
 
Bà Nguyễn Thị Phương Lâm đề xuất: Việc sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm cần được áp dụng ở tất cả các ngành, đặc biệt là ngành dùng nước nhiều như nông nghiệp. Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích phát triển các công nghệ sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và thực hiện người dùng nước phải trả tiền, người gây ô nhiễm phải trả phí…
 
Theo bà Nguyễn Thị Phương Lâm, muốn phát triển bền vững tài nguyên nước cần áp dụng phương pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Đây là phương pháp đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công. 
 
Ở Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Thuần – Phó Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước cho biết, quản lý tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp và toàn diện đã trở thành quan điểm nhất quán và đã được thể hiện xuyên suốt trong Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước năm 2006 “quản lý tài nguyên nước phải được thực hiện theo phương thức tổng hợp và thống nhất trên cơ sở lưu vực sông. Cơ cấu sử dụng nước phải phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Tài nguyên nước phải được phát triển bền vững; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu. Phải coi sản phẩm nước là hàng hoá; sớm xóa bỏ cơ chế bao cấp, thực hiện xã hội hoá các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn nước và cung ứng dịch vụ nước”; đồng thời, phương thức quản lý này cũng được thể hiện thống nhất trong các nghị định, quyết định, thông tư cũng như trong việc triển khai chính sách quản lý tài nguyên nước ở các cấp. 
 
Ông Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác quy hoạch, điều tra, quan trắc, giám sát tài nguyên nước trong việc phát triển bền vững tài nguyên nước. Theo ông Tống Ngọc Thanh, để phát triển bền vững tài nguyên nước, đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội thì cần thực hiện tổng hợp cả nước mặt và nước dưới đất, thống nhất tỷ lệ điều tra tài nguyên nước theo lưu vực sông cũng như trên các vùng miền lãnh thổ trong cùng giai đoạn tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước. Việc quy hoạch tài nguyên nước cần phải được thực hiện theo trình tự từ quy hoạch quốc gia, quy hoạch lưu vực sông, nguồn nước liên tỉnh… Chú trọng làm rõ tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến việc khai thác, sử dụng nước; bảo vệ tài nguyên nước, đặc  biệt đối với lưu vực sông đang có vấn đề xung đột, cạnh tranh gay gắt về khai thác, sử dụng nước, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và nguồn nước có mối quan hệ quốc gia.
 
Thuý Hằng – Mai Đan
Ảnh:Hoàng Minh