Quản lý đất nông lâm trường ở Kon Tum: Bình mới - rượu cũ!

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 10/03/2015

(TN&MT) - Thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc sắp xếp, đổi mới các nông lâm trường, tỉnh Kon Tum đã nhiều lần thay đổi cách thức quản lý cũng như tên gọi các lâm trường trên địa bàn. Tuy nhiên, đây chỉ là... bình mới do chỉ là thay đổi về hình thức và tên gọi. Còn thực trạng sử dụng  đất không hiệu quả do các nông lâm trường còn buông lỏng quản lý, để người dân lấn chiếm trong thời gian dài vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

Theo kết quả thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai, bảo vệ và phát triển rừng đối với các nông lâm trường trên địa bàn tỉnh vào cuối năm 2013 đến đầu năm 2014 cho thấy, tỉnh Kon Tum đã chuyển đổi các công ty lâm nông nghiệp thành 7 công ty TNHH MTV lâm nghiệp với 16 lâm trường trực thuộc; 3 Ban quản lý rừng đặc dụng; 8 Ban quản lý rừng phòng hộ; 5 công ty cà phê và 1 công ty TNHH MTV cao su. Tổng diện tích được giao quản lý là 668.071 ha. Các công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nhưng điều khó khăn là nguồn lực tài chính cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật còn quá thấp kém, hoạt động sản xuất trong lâm nghiệp chủ yếu là thủ công, hoạt động dịch vụ còn nghèo nàn, hiệu quả thấp.

Bên cạnh đó, tình trạng đất nông lâm trường được cấp chồng lấn với đất của các hộ dân và tổ chức hay các hộ dân lấn chiếm đất của của các nông lâm trường diễn ra trong thời gian dài chưa được xử lý. Đơn cử, trong 7 công ty TNHH MTV lâm nghiệp được giao 269.079 ha thì có 22.239 ha đất bị người dân lấn chiếm để làm nương rẫy; 10.795 ha do các tổ chức, cá nhân sử dụng. Tại huyện Đắk Glei, năm 2008, UBND tỉnh đã quyết định giao 32.012,4 ha cho Công ty TNHH MTV Đắk Glei. Tuy nhiên, trong số đó giao trùng lên đất tổ chức, cá nhân đã sử dụng ổn định trước khi giao đất cho Công ty với diện tích là 3.550 ha; diện tích bị lấn chiếm là 5.446 ha. Nguyên nhân của việc này là do, việc sắp xếp đổi mới chỉ là thay đổi về hình thức và tên gọi. Hiện chưa có công ty nào được đổi mới căn bản về cơ chế chính sách đối với các công ty lâm nghiệp, mà vẫn mang nặng tính bao cấp theo mô hình trước đây. Các công ty mới đều phải kế thừa từ các công ty cũ từ cách quản lý, nhân sự, cơ sở vật chất cũng như diện tích lâm phần của các công ty cũ nên chưa có chuyển biến thực sự, chưa tạo ra yếu tố mới thúc đẩy phát triển so với các lâm trường trước đây, thậm chí còn bộc lộ nhiều khó khăn hơn.

TR
 

Bên cạnh đó, công tác đo vẽ bản đồ, hoàn chỉnh hồ sơ dữ liệu quản lý đất đai chưa được đầu tư hoàn chỉnh, việc tham gia lập quy hoạch sử dụng đất trong các nông, lâm trường chưa được quan tâm đúng mức dẫn tới hiệu quả sử dụng đất đai còn thấp, diện tích đất chưa được sử dụng còn nhiều.

Việc lấn, chiếm đất của các nông lâm trường chủ yếu do tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của người dân khu vực gần rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số mà địa phương chưa bố trí được theo kế hoạch. Bởi, theo thống kê, từ năm 2004 đến hết năm 2012, tỉnh mới chỉ giao khoảng 46 ha đất ở cho hơn 1.300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất và thiếu đất, đạt 49% kế hoạch; giao 496 ha đất sản xuất cho 2.000 hộ, đạt 67%... Hiện, nhu cầu về đất các hộ cần được tiếp tục giao là 2.343 hộ. Đồng thời, do việc rà soát, sắp xếp, giao khoán, cấp GCNQSD đất trong các nông, lâm trường còn tồn tại nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai.

Ngoài ra, tình hình vi phạm về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh nhất là tại các công ty lâm nghiệp có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê, từ năm 2004 đến cuối năm 2013, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 8.507 vụ vi phạm. Nguyên nhân của việc này do lực lượng cán bộ quản lý, bảo vệ rừng mỏng, bình quân 2000 ha/người.

Để chấn chỉnh các vi phạm trên, Bộ TN&MT đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các Sở, ngành, nông lâm trường cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong quá trình chỉ đại, thực hiện pháp luật đất đai, pháp luật bảo vệ và phát triển rừng; tiếp tục giao khoán, cho thuê rừng với cộng đồng và hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tạo điều kiện về kinh phí để đảm bảo cho việc rà soát, quy hoạch chi tiết và cắm mốc ranh giới đất giao, cho thuê với các chủ rừng…

Chỉ đạo chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với các nông lâm trường trong việc giải quyết dứt điểm tình trạng lấn, chiếm đất lâm nghiệ và với diện tích giao về địa phương quản lý theo quy hoạch; trong đó, ưu tiên việc giao đất, cho thuê đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số…             

Trường Tuyết