Cỏ Ba Lá mang nước sạch tới cho người dân vùng cao

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 29/01/2015

(TN&MT) - Nhóm tình nguyện Cỏ ba lá đã tạo ra mô hình lọc nước sạch độc đáo giúp đỡ người dân miền núi tại xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.
   
(TN&MT) –  Bằng tấm lòng nhân ái và sáng tạo nhóm tình nguyện Cỏ ba lá đã tạo ra mô hình lọc nước sạch độc đáo giúp đỡ người dân miền núi tại xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.
   
  Dự án “Tăng cường tiếp cận nước sạch cho người dân miền núi” là một trong những dự án mà nhóm rất quyết tâm thực hiện và đã thành công. Dự án được thực hiện tại thôn Pá Hu, xã Pá Hu và Thôn Tà Xùa, xã Bản Công thuộc huyện Trạm Tấu, Yên Bái. Đây là hai thôn nghèo của huyện chưa có điện, đường giao thông chủ yếu là đường đất lầy lội và không có nước sạch. Hiện có khoảng 200 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc H’mông đời sống kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn. Trong sinh hoạt hàng ngày, ngoài nguồn nước mưa, người dân thường dùng tre, nứa làm máng dẫn nước từ các khe suối về nhà để ăn uống.
   
  Trước khi triển khai dự án nước sạch, Cỏ ba lá từng có rất nhiều hoạt động tình nguyện giúp người dân địa phương ở các xã miền núi này. Qua nhiều lần khảo sát nhóm thấy được chỉ có 12/105 hộ gia đình có ý thức lọc nước phục vụ ăn uống. Nhóm đã thí điểm mô hình lọc nước này tại các trường Tiểu học, trung học xem kẽ với dự án “Nâng bước chân miền núi” giáo dục học sinh có thói quen rửa tay bằng xà phòng, toàn xã Pá Hua hiện có khoảng 20 hộ dân đăng ký tư vấn, lắp đặt hệ thống nước sạch.
   
 Tình nguyện viên đang hướng dẫn người dân sử dụng mô hình lọc nước
     
   
  Trong quá trình thực hiện dự án, nhóm đã rất khó khăn để người dân nhận thức được vai trò của nước sạch.
   
  Chia sẻ khó khăn trong thời gian thí điểm dự án, trưởng nhóm điều hành Đào Thị Quỳnh Trang, cho biết thời gian đầu tiếp cận, phần lớn người dân không tin tưởng. Sau mỗi cơn mưa, tình nguyện viên trong nhóm chọn ra vài gia đình, làm thực nghiệm trực tiếp, rồi lấy xô nước sạch đặt cạnh xô nước đục ngầu dẫn từ suối về, thấy có sự chênh lệch về độ trong, màu nước người dân mới tin. “Ngoài đầu tư hệ thống thùng trữ nước, hỗn hợp đặt trong bể lọc gồm cát, đá cuội và than củi đều là nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Người dân hào hứng với dự án này bởi chi phí đầu tư hệ thống lọc nước chỉ tốn vài ba trăm nghìn”, - chị Quỳnh Trang cho biết.
   
  Sau nhiều cố gắng, đến nay mô hình lọc nước thí điểm đã giúp người dân nơi đây nhận ra hiệu quả của bể lọc, những  nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt ảnh hướng đến sức khỏe con người.
   
  Mô hình lọc nước này từng nhận giải thưởng Chim én cho những dự án tình nguyện xuất sắc dành cho cộng đồng. Nhóm đã dùng toàn bộ số tiền thưởng để mua đồ dùng lọc nước tặng các điểm trường tại xã Pá Hu. Dự kiến trong 2 năm tới, Cỏ Ba Lá đặt mục tiêu vận động, hỗ trợ toàn bộ các hộ dân xã Pá Hu đầu tư hệ thống lọc nước và có thói quen sử dụng nước sạch trong ăn uống hằng ngày.
   
Thúy Dung