Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội: Đào tạo cử nhân có thực tiễn ứng dụng cao

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 15/01/2015

(TN&MT) - Xây dựng “màu sắc riêng” trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành tài nguyên và môi trường trong những năm tới.
(TN&MT) - Năm 2015 là năm thực hiện thí điểm đổi mới về thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Chuẩn bị cho công tác tuyển sinh năm 2015 cũng như chiến lược làm thế nào để xây dựng “màu sắc riêng” trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành tài nguyên và môi trường trong những năm tới. Trao đổi với phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh (ảnh) – Hiệu trưởng trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: Nhà trường tập trung vào đào tạo mang tính ứng dụng cao để sinh viên cọ sát với thực tế trước khi ra trường.
   
   
PV: Thưa ông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi ĐH năm 2015. Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có đóng góp gì cho Dự thảo quy chế này?
   
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh: Nhà trường nhận thấy Dự thảo Quy chế thi có một số điểm chưa hợp lý. Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường HN đã gửi ý kiến đóng góp sửa đổi Dự thảo về Bộ GD-ĐT. Theo chúng tôi, một điểm trong dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy mà chúng tôi băn khoăn nhất là việc mỗi thí sinh có tới 4 giấy chứng nhận kết quả thi được cấp để xét tuyển vào ĐH, CĐ, mỗi giấy có 4 nguyện vọng. Điều này sẽ gây khó khăn trong công tác xét tuyển. Vì như vậy, 1 học sinh có thể đăng ký tới 16 nguyện vọng. Trong một trường, các em đã có thể ghi nguyện vọng vào 2, 3 ngành khác nhau, dễ dẫn tới tỉ lệ ảo.
   
  Điểm thứ hai là, mỗi đợt xét tuyển kéo dài 20 ngày, sau đó trường sẽ mất ít nhất 5 ngày để tổng hợp, thống kê thông báo trúng tuyển sau đợt xét tuyển. Như vậy, với bốn đợt xét tuyển thì thời gian xét tuyển sẽ kéo dài khoảng 100 ngày. Theo tôi, nếu có bốn đợt xét tuyển thế này thì nên rút ngắn thời gian xét tuyển xuống còn 10 - 15 ngày so với quy định 20 ngày trước đây.
   
PV:Trường ĐH TN&MT Hà Nội sẽ xây dựng phương án như thế nào để  hạn chế thiệt hại từ hồ sơ ảo, thưa ông?
   
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh: Bộ GD-ĐT cho thí sinh 4 nguyện vọng là tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh có cơ hội được học vào ĐH, CĐ. Nhưng ngược lại, đây cũng là thách thức cho các trường ĐH, CĐ vì năm 2015 tuyển sinh theo cách đổi mới thi của Bộ GD-ĐT thì tất cả thí sinh đều nộp từ nguyện vọng 2 trở lên không còn nguyện vọng 1. Hệ quả của phương án này là thí sinh ảo sẽ rất lớn, các trường buộc phải tính toán để đưa ra phương án khắc phục tình trạng hồ sơ ảo vào trường.
   
  Với  trường ĐH TN&MT HN, chúng tôi có tính đến các phương án như: Trường tính toán, nghiên cứu kỹ phổ điểm thi của thí sinh năm 2015 và nhu cầu của thí sinh đối với các ngành học của trường mình để đưa ra điểm trúng tuyển phù hợp; bên cạnh đó, chúng tôi sẽ nhờ cậy vào công nghệ như  phần mềm tuyển sinh của Bộ GD-ĐT thiết lập, trong đó buộc các trường ĐH, CĐ phải thường xuyên cập nhật số lượng, kết quả xét tuyển lên hệ thống để hạn chế thí sinh “ảo”.
   
PV:Thực hiện đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ 2015. Nhà trường xây dựng phương án tuyển sinh riêng như thế nào, thưa ông?
   
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh: Chúng tôi đã xây dựng xong phương án tuyển sinh và đã trình Bộ TN&MT, Bộ GD-ĐT thông qua. Về phương thức tuyển sinh, trường dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia (do các Trường đại học chủ trì) và vùng tuyển sinh trong cả nước;  Phương thức xét tuyển, trường xét tuyển theo tổng điểm của từng tổ hợp các môn thi theo từng ngành đào tạo. Ví dụ ngành đào tạo về quản lý đất đai, nhà trường sẽ có 4 tổ hợp điểm để xét tuyển gồm Toán, Lý, Hóa; Toán, Lý, Tiếng Anh; Toán, Hóa, Sinh; Toán, Ngữ Văn, Ngoại Ngữ.
   
  Trường hợp có nhiều thí sinh có tổng điểm 3 môn trong cùng tổ hợp bằng nhau, điểm xét tuyển sẽ lấy từ cao xuống thấp của môn Toán.
   
PV:Nhân lực ngành TN&MT rất phong phú, tuy nhiên thực tế những ngành như quản lý biển, khí tượng và thủy văn, khoáng sản rất khó tuyển sinh. Làm thế nào để trường ĐH TN&MT Hà Nội sẽ đào tạo ngành học trên có màu sắc riêng biệt?
   
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh: Trong Chiến lược phát triển của nhà trường đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, nhà trường xác định mục tiêu phấn đấu trở thành trường trọng điểm quốc gia đào tạo về lĩnh vực tài nguyên và môi trường theo hướng nghiên cứu, ứng dụng phục vụ cho công tác chuyên môn và công tác quản lý của Bộ TN&MT. Sản phẩm của trường sẽ là những kỹ sư, cử nhân sau khi tốt nghiệp có tính ứng dụng, thực hành cao. Và có khả năng làm công tác quản lý. Đây là màu sắc đặc thù của trường ĐH TN&MT Hà Nội khác với ĐH Khoa học tự nhiên là tập trung vào nghiên cứu khoa học cơ bản hay ĐH Mỏ Địa chất là đào tạo thiên về kỹ thuật thuần túy.
   
PV:Trường đã có điều tra xã hội học về sinh viên của trường là ra trường làm gì, làm như thế nào. Và tới đây, trường có tính đến việc liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp để làm cầu nối cho sinh viên có cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường, thưa ông?
   
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh: Trường mới lên ĐH được 4 năm, chúng tôi chưa có sản phẩm đầu ra hệ ĐH chính quy  nhưng theo điều tra năm 2013, có khoảng gần 90% sinh viên hệ CĐ tốt nghiệp ra trường có việc làm, nhưng chỉ có gần 50% sinh viên hệ CĐ ra trường làm việc đúng chuyên ngành đào tạo.
  Ở tầm vĩ mô, vừa qua nhà trường đã ký hợp tác với Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, Viện Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản để hỗ trợ nhà trường đưa sinh viên thực tập, học việc tại đây.
   
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Quảng Minh (ghi)