Dự án kênh Ba Bò tiếp tục đội vốn

Tài nguyên - Ngày đăng : 00:00, 04/01/2015

Dù đã được bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công nhưng cả năm 2014, dự án cải tạo kênh Ba Bò vẫn “án binh bất động”.
   
   
UBND TP HCM vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát tình trạng xả nước thải vào kênh Ba Bò của KCN Sóng Thần 1, 2 và Đồng An, các doanh nghiệp ngoài KCN; đồng thời có biện pháp xử lý nguồn nước thải sinh hoạt đạt quy chuẩn và gửi kết quả thực hiện cho TP HCM để trả lời HĐND TP. Về phía TP HCM, UBND TP sẽ yêu cầu đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ điều tiết và hồ sinh học, bổ sung các biện pháp xử lý cần thiết để cải thiện chất lượng nước trước khi chảy vào kênh Ba Bò.
   
   
Ô nhiễm gia tăng
   
  Kết quả quan trắc chất lượng nước kênh Ba Bò của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT TP) cho thấy so với năm 2011, chỉ tiêu ô nhiễm hữu cơ giảm khoảng 48%, chất thải rắn giảm 40%, ô nhiễm vi sinh giảm 39% nhưng lại tăng khoảng 20% đối với chỉ tiêu ô nhiễm dinh dưỡng. Dẫu vậy, các chỉ tiêu ô nhiễm nước kênh Ba Bò vẫn vượt quy chuẩn cho phép: chỉ tiêu hữu cơ vượt khoảng 2 lần và chỉ tiêu dinh dưỡng vượt từ 2-12 lần. Chất lượng nước mặt vẫn không đạt loại B1 (dùng cho nước tưới tiêu thủy lợi) theo Quy chuẩn Việt Nam.
   
  Kênh Ba Bò tiếp nhận nước thải công nghiệp từ KCN Sóng Thần 1, 2; các doanh nghiệp tại 2 huyện Dĩ An, Thuận An và một phần nước thải sinh hoạt từ xã Bình Hòa, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Báo cáo chất lượng môi trường của Sở TN-MT TP cho thấy từ tháng 7 đến tháng 9-2014, 3 tuyến thoát nước trên địa bàn Bình Dương thải vào kênh Ba Bò bị ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm vi sinh, giá trị coliform vượt chuẩn từ 40-3.170 lần. So với năm 2013, mức độ ô nhiễm hữu cơ, chất hoạt động bề mặt trên kênh Ba Bò có chiều hướng tăng.
   
“Lỗi hẹn” dài dài
   
  Triển khai từ năm 2003, dự án cải tạo kênh Ba Bò đã nhiều lần “lỗi hẹn” vì công tác giải phóng mặt bằng phát sinh nhiều sai phạm và kéo dài. Cuối năm 2013, quận Thủ Đức đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư. Những tưởng dự án sẽ được triển khai suôn sẻ để có thể hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2015. Thế nhưng, ông Võ Thanh Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án cải tạo kênh Ba Bò (Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP), cho biết cả năm 2014, hầu như không xây dựng được gì vì nhà thầu ngưng thi công để yêu cầu bù trượt giá. “Hiện còn 2 hạng mục quan trọng là hồ sinh thái và hồ điều tiết. Hai hạng mục này đã ký hợp đồng từ năm 2010 nhưng không có mặt bằng thi công. Đến nay, giá vật tư, nhân công... đã đội lên rất nhiều nên nhà thầu ngưng thi công, đề nghị phải bù trượt giá. Cả năm 2014, Ban Quản lý dự án phải làm thủ tục xin chủ trương bù trượt giá cho nhà thầu. Vừa qua, UBND TP đã chấp thuận nên chúng tôi đang tính toán lại chi phí này, dựa vào mức lương từng năm theo hướng dẫn của Sở Xây dựng. Sau khi tính toán được con số này, nhà thầu mới chấp nhận thi công trở lại nên cũng chưa biết được khi nào dự án hoàn thành” - ông Huy nói.
   
  Như vậy sắp tới, dự án cải tạo kênh Ba Bò sẽ tiếp tục điều chỉnh tổng vốn một lần nữa. Năm 2010, TP từng điều chỉnh tổng vốn đầu tư từ 307 tỉ đồng lên 744 tỉ đồng.
   
        
Dân bức xúc
        
Từ phản ánh của người dân, chúng tôi trở lại kênh Ba Bò. Từ đêm 29 đến sáng 30-12, đoạn kênh chảy qua phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM tiếp tục xuất hiện những mảng bọt trắng, mùi hôi thối nồng nặc trôi từ phía Bình Dương về, nhiều nơi bọt cao 20-25 cm, kéo dài cả cây số. Nước đen ngòm và đặc quánh. Theo người dân sống hai bên bờ kênh, trong năm 2014, bọt xuất hiện với tần suất dày đặc, lượng nhiều hơn và mùi hôi ngày càng nồng. Ông Nguyễn Văn Hà, ngụ phường Bình Chiểu, cho biết nước kênh từng có dấu hiệu trong lại, có cá về. Tuy nhiên, ô nhiễm đang trở lại; đặc biệt là vào ban đêm, mùi hôi nghẹt thở. “Trẻ con hay chạy ra vọc chơi, tôi la mắng hoài vì nhìn bọt trắng đẹp vậy chứ toàn chất độc và dễ ngã xuống kênh, nguy hiểm lắm” - ông Huỳnh Thanh Long, ngụ phường Bình Chiểu, nói.
        
Khu vực này vẫn chưa có nước máy nhưng người dân chỉ dám dùng nước giếng khoan để tắm giặt, còn nước nấu ăn và uống phải mua.
        
    
   
   
Theo Người Lao Động